20-07-2121 . bởi Phạm Tâm

‘Ga-rô’ nền kinh tế

Về bản chất, chúng ta đang coi việc chống dịch lần này là chống giặc. Khẩu hiệu chống dịch như chống giặc được nhiều tỉnh thành sử dụng.

Coi khẩu hiệu chống dịch như chống giặc thì cách chống của nhiều tỉnh đang “có gì đó sai sai”, và nếu không sớm có giải pháp xử lý cái sai này, nó sẽ dẫn tới hậu quả kép rất nghiêm trọng, khó lòng chống đỡ được.

Hãy nhớ lại, trong các công cuộc chống giặc của Việt Nam, thì không có cuộc chiến nào chúng ta chấp nhận tự cắt đường tiếp viện lương thực, nhu yếu phẩm cho chiến trường. Giặc càng vã bom đạn, càng phong tỏa thì những con đường ra tiền tuyến vẫn được đảm bảo lưu thông, bất chấp mọi hiểm nguy.

Chiến tranh, giặc giã như vậy, chúng ta không chấp nhận đứt đoạn giao thông, không chấp nhận để chiến sĩ đói. Vậy trong đợt chống giặc lần này, hà cớ gì chúng ta không tìm ra giải pháp phù hợp trong vận chuyển hàng hóa, để doanh nghiệp sống, cầm cự và đương đầu với Covid.

Nhiều ngày qua, các lái xe chở hàng hóa kêu thấu trời khi đường vào Quảng Ninh cơ bản bị bịt kín, phải có giấy xét nghiệm PCR thì mới được vào, chứ mấy loại test nhanh thì mời quay xe, xe gì cũng mặc. Hải Phòng thì linh động hơn, nhưng vẫn phải có giấy thông hành âm tính…

Có vẻ như, bây giờ quy định khung của Bộ Y tế không còn được các địa phương áp dụng. Mỗi nơi sáng tạo ra một cách khiến doanh nghiệp quay như chong chóng không biết đằng nào mà lần. Nguyên việc đảm bảo cho hàng hóa lưu thông, 2 năm rồi không tính được, thì chống dịch kiểu gì.

Duy chỉ ở Bắc Giang, trong bùng phát dịch rất lớn, đúng mùa vải chín, thì tỉnh này đã nhanh chóng tìm được cách để thương lái, xe hàng vào được ra được, nên mấy trăm nghìn tấn vải thiều thơm ngon tinh khiết không phải đem đổ bỏ. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang còn phải “gắt” lên với báo chí, với mạng xã hội, rằng các ông bà đừng dùng từ giải cứu, vải ngon thế này, giao thương không bị đứt đoạn thì không khiến ai giải cứu. Đây là quan điểm quá hay.

Nhưng xem ra kinh nghiệm của Bắc Giang không được nơi nào áp dụng.

Đành rằng dịch bệnh phức tạp, nhưng nếu vì sợ nó tới mức “tự tay bóp cổ, chẹt đường sống” của mình thì biết nói sao giờ. Nguyên 2 năm chúng ta vẫn loay hoay chưa ai tính thông được bài toán này.

Cứ dịch bùng lên là các tỉnh đóng cửa.

Một nhà báo đã đúc kết quá hay như thế này: Khi bị rắn độc cắn, động tác đầu tiên là phải ga-rô cái chân, tay bị cắn lại, không cho chất độc nó xộc lên trên, hại tim gan phèo phổi. Nhưng ga-rô chỉ trong 1 thời gian ngắn rồi phải nới, để cái chân tay bị ga-rô không bị hoại tử.

Xét trong bối cảnh hiện tại, chúng ta đang bị Covid “cắn” tứ phía rồi, và mỗi nơi từ chân tay mình mẩy cũng đều “ga-rô” hết lượt. Nếu kéo dài thêm, có hoại tử không? Chắc sẽ có. Đợt vừa qua, TP.HCM “ga-rô” mạnh quá, cấm cả chợ truyền thống khiến cho dân thiếu lương thực náo loạn hết cả lên, kết quả sau 10 ngày TP.HCM lại phải tính phương án mở lại.

Hiểu một cách nôm na, một đất nước giống như cơ thể đang sống. Đường giao thông cao tốc, quốc lộ, như các động mạch chủ, hàng hóa như máu được bơm đi khắp nơi để nuôi cơ thể hơi cường tráng hình chữ S. Bây giờ động mạch chủ bị bóp chặt lại, “ga-rô” cho tím tái chân tay đi, máu chảy ri rỉ, thì cơ thể sống kiểu gì. Nhìn hàng xe container xếp hàng cả chục km ở cửa ngõ Hải Phòng, mà thương và xót gì đâu!

Nếu nói chống dịch như chống giặc, thì giặc kiểu này, ta chỉ có nước thua. Kính đề nghị các nhà chức trách cần tính nhanh, và cả giải pháp thì nên dài hạn hơn để cơ thể hình chữ S không bị oặt ẹo đi sau những lần Covid “cắn”. Sợ gì thì sợ nhưng phải tính giải pháp để máu lưu thông.

Hoàng Việt

Bình Luận