Để không lỡ những cơ hội từ “cuộc hẹn” RCEP
RCEP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất, nó mở ra cho Việt Nam một khu vực thương mại đầu tư chiếm 30% GDP toàn cầu, một thị trường chiếm 30% thị phần thế giới. Tuy nhiên, để có được “miếng bánh” trên thị trường này, doanh nghiệp cần hiểu về hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như những tác động dự kiến của các cam kết này…
Được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
CƠ HỘI KHÔNG DÀNH RIÊNG CHO VIỆT NAM
Tại hội thảo “RCEP – Những điều doanh nghiệp cần biết” ngày 5/11 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bên cạnh các cơ hội mà hiệp định mang lại như gia tăng cơ hội xuất khẩu đến các thị trường lớn như Trung Quốc… thì thách thức với doanh nghiệp Việt Nam khá lớn.
Thách thức đầu tiên là làm thế nào để xử lý nhập siêu từ các thành viên của RCEP? Hai thành viên mà Việt Nam nhập siêu lớn trong những năm qua đó là Trung Quốc, Hàn Quốc.
Đây là câu chuyện chúng ta cần lưu ý. Nếu không xử lý bài bản hoặc chúng ta không kiếm được nguồn thặng dư từ các thị trường khác thì rõ ràng ảnh hưởng tới áp lực về tỷ giá. Trong khi đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thì vấn đề tỷ giá ảnh hưởng lớn tới nguồn thu.
Đặc biệt với doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh từ các đối tác khác. Đơn cử như cạnh tranh với các nước xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ lớn hơn.
“Không chỉ mình có điều kiện tiếp cận tốt hơn vào Nhật Bản mà Trung Quốc cũng có điều kiện xuất khẩu tốt hơn. Như vậy cạnh tranh với doanh nghiệp sẽ lớn hơn, cơ hội xuất khẩu không dành riêng cho Việt Nam mà gồm cả nhiều đối tác khác”, ông Dương nhận định.
Mặt khác là mức độ tự chủ của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Nói chúng ta có cơ hội xuất khẩu vào thị trường RCEP nhưng liệu chúng ta có mở rộng được năng lực sản xuất, tận dụng các cơ hội để xuất khẩu hay không, đây lại là bài toán cần giải?
Thống kê của IMF từ 2010-2019 cho thấy mức độ phụ thuộc của nền kinh tế thế giới vào Mỹ giảm đáng kể, độ tăng phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc ngày càng nhiều. Nên việc gắn với thị trường Trung Quốc là định hướng quan trọng nhưng làm thế nào để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc lại là vấn đề quan trọng hơn.
Ông Dương dẫn dụ, chúng ra dựa vào nhập khẩu từ Trung Quốc để xuất khẩu sang các nước Asean hoặc các thị trường khác. Nhưng nếu chúng ta gặp gián đoạn trong việc nhập khẩu từ Trung Quốc (như tác động từ Covid-19) thì làm sao để bảo đảm được xuất khẩu sang các thị trường này. Đại diện CIEM cho rằng, đây là vấn đề khó, thể hiện mức độ tự chủ của doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng.
Một thách thức nữa là khả năng thích ứng đối với những quy định của thị trường RCEP. Như Lệnh 248, 249 ở phía Trung Quốc (quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu), do định hướng phát triển nên yêu cầu của Trung Quốc với các sản phẩm nhập khẩu sẽ tăng lên.
Do vậy, hàng Việt Nam xuất vào đó cũng dần phải chấp nhận “chơi” với tiêu chuẩn cao hơn, vấn đề là doanh nghiệp thích ứng và chuẩn bị như thế nào. “Nếu không thích ứng được thì RCEP lại chính là thách thức chứ không còn là cơ hội cho doanh nghiệp nữa”, ông Dương lo lắng.
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, RCEP là khu vực hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cực kỳ năng động trên thế giới. Khu vực này chiếm 50-55% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu chiếm 25-30%, còn nhập khẩu xấp xỉ 70%. Nên câu chuyện về thương mại hàng hoá là điều quan trọng mà doanh nghiệp cần chú ý.
Các cam kết cơ bản của RCEP mà doanh nghiệp cần lưu ý đó là cam kết về việc loại bỏ các hàng rào thuế quan và giảm thiểu các hàng rào phi thuế, để hàng hoá lưu chuyển thuận lợi nhất, ít rào cản nhất, tự do nhất. Trong RCEP có 38 biểu thuế khác nhau. Nên doanh nghiệp cần biết được ưu đãi thuế nào dành cho mình khi xuất nhập khẩu từ một nước RCEP.
ĐỂ RCEP KHÔNG PHẢI LÀ “CUỘC HẸN” ĐẦU TIÊN CỦA DOANH NGHIỆP
Để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, theo bà Trang, trước hết doanh nghiệp cần hiểu sâu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này.
Thực tế thực hiện 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy một trong những lý do mà nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ là do các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA.
Theo một khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.
“RCEP không còn là hiệp định lạ. Đây là hiệp định lần thứ 15 của Việt Nam với thế giới, tuy nhiên chúng ta vẫn phải chú tâm không thì 50 “cuộc hẹn” FTA vẫn chỉ là “cuộc hẹn” đầu tiên” mà thôi”, bà Trang nhắc nhở.
Nhấn mạnh thêm, bà Trang cho rằng đây là hiệp định có quy mô lớn nhất. Có nhiều ý kiến cảnh báo, đừng nghĩ to là có lợi nhưng theo cá nhân bà Trang, ít nhất là cơ hội được mở ra nếu chúng ta khôn khéo, có sự chuẩn bị thích hợp thì chúng ta có thị phần tốt hơn trong “miếng bánh” cơ hội thị trường rộng lớn này.
Bà Trang lưu ý, RCEP là khu vực quy tụ tất cả các nguồn cung nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Nếu tính theo số liệu của năm 2020, RCEP chiếm tới 70% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Nói cách khác, nếu chúng ta cứ nhập khẩu 3 đồng từ thế giới thì trong đó có hơn 2 đồng là từ RCEP. “Với điều này các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thấy rõ đây là hiệp định mình cần quan tâm”, bà Trang nói.
Còn theo ông Dương, sự chuẩn bị cũng như thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn chậm, thói quen tìm hiểu thị hiếu của thị trường xuất khẩu chưa nhiều. So với các thị trường khác, mức độ bổ trợ của hàng Việt Nam với khu vực RCEP không cải thiện nhiều. Thậm chí có những nhu cầu mới của thị trường RCEP mà chúng ta chưa đáp ứng được.
“Đây là điều doanh nghiệp cần quan tâm. Bởi không chỉ là làm thế nào để xuất khẩu được mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu mới của thị trường RCEP mà các đối tác chưa đáp ứng được”, ông Dương khuyến cáo.
Đại diện CIEM lưu ý, khó khăn nhất với RCEP là mức độ tuân thủ dễ dàng hơn với VN nhưng đây lại tạo tâm lý chủ quan cho doanh nghiệp nếu không cẩn thận, không cần đổi mới, không cần đầu tư nhiều, như vậy rất tạo ít lợi thế cạnh tranh mới trong khu vực này. Hiện chúng ta mới chỉ khai thác những lợi thế cạnh tranh hiện có còn lợi thế cạnh tranh mới ở mặt hàng mới, phương thức mới chưa nhiều.
Vì thế, để thực hiện hiệu quả hiệp định cần trong tổng thể chung thực hiện các FTA, thì không nên nhìn nhận RCEP là cuộc chơi riêng lẻ không gắn với các CPTPP, EVFTA…, mà bản thân quá trình xây dựng và đàm phán RCEP là cố gắng tiếp cận các FTA khác, nên doanh nghiệp dù sớm hay muộn đều phải hướng tới những tiêu chuẩn chơi tốt nhất. Xác định RCEP là bước đi dễ dàng, bước đi trung gian nhưng lại là cần thiết để thích ứng.
Với những doanh nghiệp có thể chơi thẳng với CPTPP hay EVFTA thì họ dễ dàng khai thác tốt RCEP. Ngược lại, với những doanh nghiệp mới chưa có kinh nghiệm xuất nhập khẩu có thể đi qua các FTA của Asean với đối tác vì ít khắt khe hơn nên có thể tham gia học hỏi tích luỹ kinh nghiệm, tạo dựng dần mạng lưới cung ứng. Và khi đã thành thạo thì có thể tiến tới cuộc chơi dài hạn hơn gắn với các hiệp định khó hơn.
Song ông Dương cũng cho rằng, để làm được điều này không phải chỉ tính toán lợi thế mình thu được từ cắt giảm thuế quan mà nghĩ bài bản hơn về chính sách đầu tư, cách tổ chức sản xuất…
Hương Loan
Bình Luận