Lương thực thế giới đang biến động, gạo Việt Nam đón thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu
Hơn 2 tuần qua, thị trường gạo xuất khẩu đang khá nhộn nhịp do nhu cầu nhập khẩu gạo từ Philippines, Trung Quốc và các nước châu Phi tăng, khiến giá gạo tăng từ 12 – 15 USD/tấn.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 3/2022 xuất khẩu gạo đạt 531.389 tấn, trị giá 262,953 triệu USD. Giá trung bình 494,8 USD/tấn.
So với tháng 2/2022, tăng 13,3% về lượng và tăng 17,7% về trị giá và tăng 3,9% về giá xuất khẩu. Tuy nhiên, so với tháng 3/2021 giảm về lượng, kim ngạch và giá xuất khẩu, với mức giảm tương ứng 1,4%, 9,6% và 8,3%.
Cộng dồn 3 tháng xuất khẩu gạo đạt 1,503 triệu tấn, trị giá 730,761 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và tăng 12,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu trung bình đạt 486,2 USD/tấn, giảm 10,6%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch nhưng giảm 13,4% về giá so với quý I/2021.
Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,9% trong tổng lượng và chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch, đạt 178.201 tấn, tương đương 90,82 triệu USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, giảm mạnh 30,5% về lượng, giảm 33,3% về kim ngạch và giảm 4% về giá so với quý I/2021.
Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo đạt 182.104 tấn, trị giá 77,18 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân 423,8 USD/tấn, tăng mạnh 107,4% về lượng và tăng 74% kim ngạch nhưng giảm 16% về giá so với cùng kỳ, chiếm 12,1% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Nhìn chung, trong quý I/2022 xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng mạnh so với quý I/2021. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất từ 3 tháng qua do nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển tăng cao.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 415 USD/ tấn, trong khi đó, gạo 5% tấm Thái Lan ở mức 408 USD/ tấn, gạo Ấn Độ có giá 343 USD/ tấn và Pakistan là 353 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, lúa gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sôi động hơn trong tháng 3 khi giá lúa Đông Xuân tăng nhẹ so với tháng trước. Nông dân đã thu hoạch được 1/4 diện tích lúa Đông Xuân 2022.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch VFA, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, giá lúa gạo trong nước đang lên chứng tỏ nhu cầu gạo thị trường thế giới tăng nên giá trong nước mới tăng theo. Ba tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của Intimex tăng 156% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng thị trường Trung Quốc vẫn bình thường không khác gì các năm trước và lượng gạo xuất khẩu của Intimex vào thị trường này vẫn ổn định.
Tình hình lương thực thế giới đang biến động lớn
Phó chủ tịch VFA cho biết thêm, cuộc xung đột Nga – Ukraine làm cho việc cung cấp lương thực ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt khó khăn, và tình hình lương thực thế giới đang biến động lớn.
Nguồn cung lúa mì bị gián đoạn khiến các nước châu Phi đang bị thiếu lúa mì nên có sự điều tiết lương thực trên thị trường toàn cầu, và buộc châu Phi phải dùng gạo thay thế. Hiện một số vùng đặc biệt của châu Phi đã mua gạo từ Việt Nam tương đối sớm.
“Châu Phi có hai nguồn cung lương thực, một là nguồn lúa mì nhập từ Nga và Ukraine, hai là nguồn gạo từ châu Á. Bây giờ nguồn cung lúa mì bị đứt buộc họ tăng nhập khẩu gạo.
Châu Phi là thị trường gần và truyền thống của Ấn Độ và Pakistan nên các nước này xuất khẩu gạo sang Châu Phi thuận lợi hơn Việt Nam nhiều. Hiện giá gạo Việt Nam cao nên khó cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan, vì vậy, Việt Nam bán vào thị trường này chủ yếu là loại gạo cao cấp”, Tổng giám đốc Intimex Group
Tại Philippines, Chính phủ nước này đang lo ngại nguồn cung gạo bị ảnh hưởng nên triển khai cấp sớm quota để các thương nhân mua gạo lại trước kỳ hạn hàng năm.
“Nhìn chung cánh cửa nhập khẩu gạo ở Philippines vẫn đang rộng mở và các thương nhân Philippines đang tích cực mua vào. Qua đó cho thấy tín hiệu thị trường gạo trong quý 2/2022 đang rất tốt. Dự báo trong quý 2 các thị trường nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng nhu cầu nhập khẩu kéo giá gạo tăng theo nhất là khu vực châu Phi”, ông Nam cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước có phần tăng cao nên giá bán cũng được điều chỉnh tăng từ 420 – 500 USD/ tấn tùy chủng loại gạo.
Trong quý 1/2022, xuất khẩu gạo của công ty tăng khoảng 26% về lượng và tăng 13% giá trị. Hiện công ty đang hoạt động hết công suất để đóng hàng xuất đi Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là tín hiệu rất tốt và sắp tới khoảng giữa cuối tháng 5 khi quota Philippines mở lại thị trường gạo Việt Nam sẽ khởi sắc hơn.
Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn so với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan trong đó gạo 5% tấm tăng từ 12 đến 15 USD tấn so với đầu năm lên mức 415 USD/tấn. Những thông tin tích cực này cũng đã giúp giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ và ổn định ở mức giá từ 5.500 đồng/kg đến 6.000 đồng/kg tùy chủng loại.
VFA dự báo, quý 2 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn do các nước nhập khẩu gạo đẩy mạnh mua vào, doanh nghiệp trong nước cần đảm bảo nguồn hàng và lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.
Mặc dù giá vật tư, phân bón đầu vào sản xuất lúa đang tăng cao nhưng đang ở mức tốt nên người nông dân cũng an tâm bước vào sản xuất vụ Hè Thu 2022.
Bình Luận