Tránh để thực phẩm Việt tiếp cận sai cách khi thâm nhập thị trường ngoại
Do doanh nghiệp (DN) tiếp cận sai cách nên sản phẩm Việt hầu như có rất ít ở Thái Lan. Lưu ý của vị đại sứ Việt Nam tại Thái Lan cũng là bài học chung cho những DN Việt trong mảng nông sản thực phẩm đang tìm đường thâm nhập thị trường ngoại, từ việc chọn hướng tiếp cận đúng đắn cũng như biết cách để bảo vệ thương hiệu và chinh phục khách hàng quốc tế.
Ông Trần Lê Hùng, Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Tiến Anh, tham gia trong một đoàn 30 DN Việt Nam đang có chuyến tham gia hội chợ quốc tế về thực phẩm và khảo sát thị trường ở Thái Lan vào cuối tháng 5/2022 này. Ông muốn đưa sản phẩm bánh hạnh nhân với 3 mùi vị, 3 màu sắc vào thị trường Thái.
Bài học ở thị trường Thái
Khi tiếp xúc và nhìn vào bao bì sản phẩm của ông Hùng, vị tuỳ viên thương mại của Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan là ông Nguyễn Thành Huy đánh giá hộp bánh này quá to, khó bán ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi vì người Thái không thích những sản phẩm thực phẩm có kích cỡ lớn.
“Không bàn đến yếu tố chất lượng, nhìn bên ngoài bao bì của sản phẩm này có nhiều điểm không thích hợp với tâm lý người tiêu dùng ở Thái Lan”, ông Huy nói.
Từ đó, vị tuỳ viên thương mại có lời khuyên cho ông Hùng là bao bì cần được thiết kế, điều chỉnh lại sao cho đúng với thị hiếu người tiêu dùng Thái Lan. Đó là những hình ảnh sinh động, đẹp, kiểu hoạt hình bên ngoài. Nếu không sẽ rất khó cạnh tranh với không chỉ với DN Thái mà còn nhiều DN Trung Quốc đang có mặt ở thị trường này.
Hoặc như một DN hoạt động sản xuất kinh doanh về gạo bày tỏ sự thiết tha được đưa sản phẩm gạo của mình vào thị trường Thái dù biết đây là quốc gia có thế mạnh về mặt hàng gạo. Ông Huy hiến kế cho DN này là các sản phẩm gạo có chỉ dẫn địa lý của Thái Lan ở khắp nơi, nhưng gạo dinh dưỡng không nhiều và giá rất cao. Trong khi đó, người tiêu dùng Thái lại thích dùng những sản phẩm gạo có chất lượng cao, cho nên DN nên xem đây cũng là cơ hội để đi vào thị trường ngách này.
Chia sẻ thêm với đoàn DN Việt nêu trên trong cuộc gặp gỡ cuối tuần qua, ông Phan Chí Thành, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, lưu ý do DN tiếp cận sai cách nên sản phẩm Việt Nam hầu như có rất ít ở Thái Lan.
Như lý giải của ông Thành, bởi vì trước khi đưa hàng vào Thái Lan, đa phần DN Việt thường không phân biệt được mình nhắm vào thị trường nào, đối tượng nào, không có định hướng cụ thể…Thường thì phải bắt đầu định hướng phân khúc thị trường, sau đó làm thương hiệu, rồi marketing, còn DN của mình đa phần đến hội chợ quốc tế chỉ để bán hàng…
Từ câu chuyện thực tế nêu trên, có thể nói để thâm nhập thị trường quốc tế cho những DN Việt trong mảng nông sản thực phẩm thì còn nhiều việc phải làm, nhất là trong vấn đề tiếp cận thị trường như thế nào cho phù hợp.
Ngay cả việc phát triển thương hiệu của nông sản thực phẩm Việt trên thị trường quốc tế cũng vậy. Giới chuyên gia cho rằng, để cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu, đã đến lúc các DN Việt trong lĩnh vực này cần có cách tiếp cận toàn diện và cụ thể nhằm nâng tầm thương hiệu của từng DN.
Hãy đi từng bước một
Chẳng hạn như việc chuẩn bị kiến thức thâm nhập thị trường nước ngoài. Theo chia sẻ của ông Trần Phong Lan, Giám đốc công ty nông nghiệp Danny Green, DN rất cần những thông tin về văn hóa, thị trường từ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cung cấp, để nắm rõ. Những thông tin đó nên kết hợp cùng với các hiệp hội DN để cùng nhau cho ra những vấn đề chung, cốt lõi, chiến lược.
Bàn thêm về hướng đi cho DN Việt khi thâm nhập thị trường ngoại, bà Võ Thị Liên Hương, Phó tổng giám đốc Công ty Secoin cho rằng cần phải thực tế. Ai cũng muốn vươn ra quốc tế và trở thành người chơi lớn ở đó, nhưng chúng ta phải biết mình là ai. Vì vậy, đừng vội nghĩ đến những điều to tát. Hãy đi từng bước một.
Theo đó, thâm nhập thị trường quốc tế có thể là một hành trình đầy cam go, đòi hỏi những bước đi chập chững ban đầu cùng với sự kiên nhẫn và nhiều nỗ lực mà các DN trong mảng nông sản thực phẩm cần chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, các DN cần cẩn thận để tránh mất đi thương hiệu của mình trên thị trường ngoại. Như cảnh báo của ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance tại Việt Nam, nhiều DN thiếu kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài đã đánh mất thương hiệu.
“DN nước ngoài thường đề xuất đổi tên thương hiệu thành thương hiệu nước ngoài. DN Việt Nam chấp nhận và sẽ mất đi thương hiệu khi ra thị trường nước ngoài”, ông Mạnh nói.
Ngoài ra, đứng ở góc nhìn của một chuyên gia quốc tế dành lời khuyên cho những DN Việt đang nhắm đến xuất khẩu, Ts. Lindsey M. Bier, Đại học Nam California (Hoa Kỳ), nói rằng các DN cần chinh phục khách hàng trong nước trước khi vươn ra toàn cầu.
Trước tiên các DN phải giành được sự ưu ái của người dân và thị trường trong nước. DN không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thị trường nội địa.
Theo vị chuyên gia này, nếu không thể lấy lòng khách hàng ngay trên sân nhà nơi họ am hiểu nhất về thị trường, thì không có gì đảm bảo rằng DN sẽ có cơ hội cạnh tranh tại các thị trường với môi trường chính trị, văn hóa xã hội và kinh tế khác xa bản địa.
“Nếu các sản phẩm đó không hấp dẫn chính khách hàng nội địa, thì DN sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút khách hàng nước ngoài và duy trì danh tiếng trên trường quốc tế một cách lâu dài”, Ts. Lindsey M. Bier nhấn mạnh.
Thế Vinh
Bình Luận