Với mục tiêu phát triển bền vững, Lê & Man sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung cải thiện chất lượng đời sống cho người lao động và môi trường tại Hậu Giang.
Theo tin từ Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ nỗ lực nhiều hơn để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Song song đó cải thiện chất lượng đời sống cho người lao động và môi trường tại tỉnh Hậu Giang.
Mới đây, doanh nghiệp lần đầu tiên được vinh danh là “Doanh nghiệp Giấy hàng đầu” tại Giải thưởng Rồng Vàng 2020 – 2021.
Sự kiện do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng sản phẩm chất lượng, thực thi trách nhiệm với cộng đồng, giải quyết các bài toán kinh tế – xã hội – môi trường hiệu quả.
Theo ông Chung Wai Fu, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, trên thế giới, cùng với ngành tái chế phế liệu, tái chế giấy là hoạt động sản xuất được khuyến khích phát triển. Có những nghiên cứu cho thấy sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, góp phần tiết kiệm tài nguyên, tạo ra năng lượng tái tạo. Tại Lee & Man, mức độ sử dụng nguyên liệu tái chế là hơn 95%.
Lee & Man tái sử dụng những nguyên liệu có thể tái sản xuất để giảm thiểu áp lực cho môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí. Đây cũng là xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn đang rất được chú trọng hiện nay. Kinh tế tuần hoàn cũng là một trong những mục tiêu để thúc đẩy phát triển bền vững.
Doanh nghiệp nhận thấy rằng, nếu tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế phục vụ sản xuất, sẽ chỉ giải quyết 1 phần bài toán môi trường. Phần còn lại phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu tư hệ thống xử lý thải. Đó không chỉ là mối quan tâm lớn trong chiến lược phát triển bền vững của Lee & Man mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội.
Ý thức được lợi ích thiết thực mà ngành công nghiệp tái chế giấy mang lại và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Lee & Man đã chủ động đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại, với các máy móc thiết bị đa phần nhập khẩu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, đặc biệt trong khâu xử lý chất thải để đạt mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tính đến thời điểm này, Lee & Man đã đầu tư hơn 303 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì cao cấp từ nguyên liệu giấy tái chế với công suất 420.000 tấn/năm. Đồng thời, đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống tiết kiệm năng lượng và tích cực xây dựng, tái tạo không gian xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho công nhân viên qua chiến dịch phủ xanh khuôn viên nhà máy với hơn 17.000 cây xanh.
Song song đó, công ty cũng đẩy mạnh chính sách sử dụng nguồn nhân lực địa phương bằng việc trích ngân sách 7,7 tỷ đồng tặng thưởng, động viên nhân sự và đầu tư 380 tỷ đồng xây dựng khu ký túc xá phục vụ cán bộ, công nhân viên… ông Chung cho biết thêm.
Công ty TNHH Giấy Lee & Man là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc Tập đoàn Lee & Man Hong Kong, có nhà máy sản xuất giấy đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) với công suất 420,000 tấn/năm.
Lee & Man Việt Nam có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 14001: 2015; ISO 9001: 2015; ISO 50001:2018 đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Lee & Man cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao thông qua các chứng chỉ FSC, OHSAS 18001:2007… đảm bảo đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chỉ tiêu chất lượng, an toàn, sức khỏe và môi trường.
Chính thức đi vào hoạt động năm 2017, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã có nhiều hoạt động đóng góp vào sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường.
Theo đó, năm 2020, bất chấp ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Lee & Man vẫn duy trì doanh thu ổn định, mảng xuất – nhập khẩu tăng trưởng mạnh so với 2019, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Hậu Giang chuyển dịch theo hướng công nghiệp, vươn lên dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.
Trần Thị Ngọc Quỳnh
Bình Luận