Một góc nhìn khác về thực phẩm hữu cơ
20 năm từ khi Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện quy tắc thực phẩm hữu cơ, giúp tăng doanh số từ 8 lên hơn 50 tỷ USD, tuy nhiên thị trường phát triển sai lệch.
Dưới đây là bài phân tích của hai chuyên gia, Phil Harvey (chủ tịch dự án DKT Liberty- thúc đẩy nông nghiệp hiện đại, bao gồm cả GMO) và Matthew Rees (tổng biên tập tờ Food and Health Facts) xung quanh thực phẩm hữu cơ.
Thế nào là thực phẩm hữu cơ?
Một cuộc thăm dò của Pew vào năm 2018 cho thấy, 54% người trưởng thành ở Mỹ được khảo sát (trong độ tuổi từ 18-29) tin rằng trái cây và rau hữu cơ tốt cho sức khỏe hơn các sản phẩm được trồng theo cách thông thường. Tuy nhiên trên thực tế, những tuyên bố kiểu “thực phẩm hữu cơ an toàn hơn, lành mạnh hơn và tốt hơn cho môi trường” chỉ đơn giản là… sai.
Theo hai vị chuyên gia: Việc đưa ra chứng nhận “USDA Organic” (thực phẩm hữu cơ Mỹ), mục tiêu chỉ đơn giản là củng cố niềm tin vào thị trường thực phẩm hữu cơ đang phát triển nhanh nhưng bị phân mảnh. Ngay chính Dan Glickman, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton, người vạch nền móng cho thực phẩm hữu cơ cũng từng phát biểu: “Hãy để tôi nói rõ một điều. Hữu cơ không phải là một tuyên bố về an toàn thực phẩm, cũng không phải là một phán quyết giá trị về dinh dưỡng hoặc chất lượng”.
Nhưng thông qua các mánh khóe tiếp thị (và thường gây hiểu lầm), những hiệu ứng hào quang đã phát triển xung quanh thực phẩm hữu cơ. Những người chủ trương ủng hộ nó thường xuyên quảng cáo rằng thực phẩm hữu cơ an toàn hơn, lành mạnh hơn và tốt hơn cho môi trường so với thực phẩm thông thường. Và đó là một lý do khiến nhiều người sẵn sàng trả mức giá cao hơn mà các nhà sản xuất hữu cơ đưa ra, đồng thời các tuyên bố này cũng đã giúp định hình dư luận.
Một tuyên bố gây hiểu lầm khác là các sản phẩm hữu cơ vốn đã “lành mạnh” hoặc ít nhất là “tương đối lành mạnh” hơn các loại thực phẩm không phải là hữu cơ. Chưa kể còn có nghiên cứu cặn kẽ, đặt ra câu hỏi về lợi ích sức khỏe vượt trội của thực phẩm hữu cơ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã sàng lọc qua 237 bài báo và tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe hơn các loại thực phẩm thay thế thông thường. “Một số người tin rằng thực phẩm hữu cơ luôn tốt cho sức khỏe và bổ dưỡng hơn”, Crystal Smith-Spangler, giảng viên trường Y Stanford và là một trong những tác giả của bài báo cho biết, và chính chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên khi không phát hiện ra điều này.
Các phát hiện của Đại học Stanford lặp lại một đánh giá khác về 137 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ vào năm 2009 và được ủy quyền bởi Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh, cũng đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác khi tổng kết: Hữu cơ và thực phẩm thông thường thì đều là “cung cấp các vitamin, khoáng chất, và carbohydrate”. Ngay cả một trang web tin tức dành cho việc chào hàng thực phẩm hữu cơ cũng thừa nhận rằng “gần như không có đủ (bằng chứng) để đưa ra các tuyên bố phân loại về việc thực phẩm hữu cơ “tốt hơn về mặt dinh dưỡng” so với thực phẩm thông thường.
Niềm tin sai lầm cùng những huyền thoại về lợi ích sức khỏe của thực phẩm hữu cơ cũng có thể gây hại cho sức khỏe con người. Bằng chứng là việc dán nhãn “hữu cơ” trên bao thuốc lá đã được chứng minh là làm giảm nhận thức về tác hại của chúng. Tương tự, một nghiên cứu của hai giáo sư Đại học Michigan cho thấy, một số người tin rằng việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ khiến cho việc tập thể dục trở nên ít quan trọng hơn.
Chợ hóa chất hữu cơ
Một trong những nhà nông học hàng đầu thế giới, Louise Fresco, nhà khoa học thực phẩm bền vững người Hà Lan tổng kết: “Nông nghiệp hữu cơ nói chung là một mớ hỗn độn của những mục tiêu và lý tưởng có giá trị mà chưa được thử nghiệm một cách đầy đủ hoặc hoàn toàn sai lệch”.
Yếu tố quan trọng quyết định liệu thứ gì đó có đủ tiêu chuẩn là hữu cơ hay không lại là một thứ khá trần trụi có tên “phương pháp sản xuất”. Đối với cây trồng, nguồn gốc của hạt giống là chìa khóa – nó phải được trồng theo phương pháp hữu cơ và không thể là sản phẩm của kỹ thuật di truyền (GMO hoặc chỉnh sửa gen).
Có một cách hiểu phổ biến rằng, thực phẩm hữu cơ được trồng mà không có hóa chất – và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đã góp phần làm nên ấn tượng này. Thực tế là có tới trên 100 loại phân bón và nguyên liệu đầu vào (thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc diệt nấm) được cho phép trong canh tác hữu cơ ở cả châu Âu lẫn Mỹ.
Các quy định hữu cơ được thiết kế để thúc đẩy việc sử dụng hóa chất tự nhiên thay vì các quy định tổng hợp. Nhưng do nhiều loại hóa chất tự nhiên không kiểm soát tốt sâu bệnh và mặc dù sự vắng mặt của thuốc trừ sâu tổng hợp thường được trích dẫn để ủng hộ các chất hữu cơ. Trên thực tế nông dân sản xuất hữu cơ đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chấp thuận cho sử dụng hàng chục loại hóa chất tổng hợp, từ vacxin cho động vật đến chất dẫn dụ pheromone côn trùng, hoặc cho dùng thuốc trừ sâu không tổng hợp (có thể kém hiệu quả hơn thuốc trừ sâu tổng hợp) để triển khai ở cấp độ cao hơn so với canh tác phi hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ có bền vững hơn không?
Quan điểm này đối với đa số người ủng hộ thực phẩm “tự nhiên” là thực phẩm hữu cơ rõ ràng là tốt hơn cho môi trường so với thực phẩm thông thường. Tuy nhiên ngay cả điều này cũng là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.
Ví dụ đánh giá về năng suất cây trồng, rõ ràng khi nền nông nghiệp và công nghệ phát triển, có thể làm ra nhiều lương thực hơn trên một diện tích đất ít hơn. Đó là một chiến thắng cho môi trường. Nhưng vì các quy tắc quản lý nông nghiệp hữu cơ ngăn cản việc sử dụng một số phương pháp hiện đại, nên cây trồng hữu cơ không thể phát triển hiệu quả và đòi hỏi nhiều đất canh tác hơn để sản xuất một lượng lương thực nhất định. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, năng suất hữu cơ thấp hơn 34% so với canh tác thông thường.
Nhà sinh vật học cây trồng Steve Savage đã xem xét tác động của việc chuyển đổi toàn bộ sản lượng nông nghiệp của Mỹ sang hữu cơ. Các phân tích, xuất bản bởi Dự án Genetic Literacy phát hiện ra rằng, để bù đắp cho hiệu quả sản xuất hữu cơ năng suất thấp hơn sẽ đòi hỏi việc phải trồng nhiều hơn thêm tới 100 triệu mẫu – một diện tích canh tác lớn hơn cả bang California…
Biến đổi khí hậu thì sao?
Nông nghiệp hữu cơ đặc biệt có vấn đề khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây đã “đóng sầm cánh cửa hữu cơ” vì thiếu vắng sự đổi mới liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, cũng như các công ty thực phẩm hữu cơ luôn chống lại việc áp dụng các công nghệ mới có thể cắt giảm khí thải độc hại.
Nhiều người ủng hộ hữu cơ, bao gồm cả các chính trị gia ở Liên minh Châu Âu, quảng bá thứ gọi là “Thỏa thuận Xanh từ nông trại đến bàn ăn (F2F)”, nhằm mục đích chuyển phần lớn đất nông nghiệp châu Âu sang sản xuất hữu cơ trong thập kỷ tới. Tuy nhiên các nhà khoa học độc lập cho rằng, đó sẽ là một thảm họa khi dẫn chứng một nghiên cứu vào năm 2019 đánh giá tác động tiềm tàng đối với Xứ Wales một khi đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh F2F.
Cụ thể là muốn đẩy năng suất hữu cơ tăng lên 40% thì cũng tăng lượng phát thải khí nhà kính lên tới 58%. Theo đó, thay vì sản xuất đủ để nuôi dân số của mình, các nước châu Âu cần phải bắt đầu nhập khẩu lương thực. Điều này đồng nghĩa với việc tăng sản lượng lương thực ở các nước khác – một kết quả có thể dẫn đến việc chặt phá rừng nhiệt đới trên khắp thế giới.
Chống lại các thành kiến công nghệ
Rào cản cuối cùng đối với thực phẩm hữu cơ là nó làm gia tăng lo ngại về sự an toàn của các sinh vật biến đổi gen. Tuy nhiên, hơn 90% ngô, bông và đậu nành của Mỹ là cây trồng biến đổi gen. Hơn một nửa diện tích trồng trọt GMO hiện đang được sản xuất ở các nước đang phát triển. Không có nghiên cứu đáng tin cậy nào cho thấy, bất kỳ rủi ro nào từ việc ăn thực phẩm GMO, bởi chúng đã được bán ở khắp nước Mỹ từ năm 1994.
Tính đến nay đã có hơn 150 người đoạt giải thưởng Nobel danh giá đều đã chứng thực sự an toàn của thực phẩm GMO bởi kỹ thuật di truyền giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các công cụ chỉnh sửa gen như CRISPR còn có thể tăng cường khả năng kháng sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng và giảm lượng khí thải liên quan đến canh tác.
Thực tế thì cây trồng biến đổi gen là chìa khóa để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Những người chỉ trích thực phẩm GMO bỏ qua rằng, các biến thể biến đổi gen đã cứu nhiều loại cây trồng thực phẩm ở Hawaii (đu đủ), Bangladesh (cà tím) và nhiều loại cây trồng khác đòi hỏi khả năng kháng bệnh và chống chịu sâu bệnh.
Gần đây một loại khoai tây mới được lai tạo để sản xuất tại châu Phi đã không cần tới thuốc diệt nấm để chống lại bệnh bạc lá, có thể phá hủy tới 60% mùa ở một quốc gia như Uganda. Những nỗ lực nhằm làm giảm giá trị của các loại thực phẩm biến đổi gen năng suất cao, kháng bệnh như vậy đã cản trở sự tiến bộ và thịnh vượng cho nông dân châu Phi và châu Á.
Hà Dương
Bình Luận