Thí điểm Làng nông nghiệp hữu cơ
Ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm.
Hiệu quả kinh tế tăng 20-30%
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đã xây dựng thành công các dự án ở cả hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Với vai trò cầu nối, Trung tâm đã gắn kết được doanh nghiệp, HTX, người dân để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi.
Về trồng trọt, Dự án xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc với mục tiêu thực hiện trên 570ha lúa hữu cơ. Tính đến tháng 6/2021, đã thực hiện xong 435ha, sản lượng thu trên 2.500 tấn. Riêng vụ Xuân năm nay nhân rộng thêm 2.260ha, trong đó Vĩnh Phúc thêm 250ha, Sơn La 370ha, Thừa Thiên Huế 700ha, Thái Nguyên 1.600ha, Nam Định 90ha, Hải Dương 90ha và Ninh Bình 600ha…
Kết quả ban đầu cho thấy năng suất lúa đạt từ 58-60 tạ/ha, chất lượng đạt tiêu chuẩn lúa hữu cơ. Với việc Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu toàn bộ sản phẩm, hiệu quả kinh tế các mô hình tăng so với sản xuất thông thường. Dự án cũng chuyển giao mô hình tổ chức sản xuất gắn kết giữa HTX, nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị trồng trọt, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
“Giá bán các sản phẩm gạo hữu cơ cao hơn gạo sản xuất đại trà từ 15-20%, trong khi các chi phí phân bón, thuốc BVTV giảm 25-30% nên hiệu quả kinh tế trồng lúa hữu tăng 20-25%. Mặt khác, lợi ích còn giúp môi trường đất, nước được cải thiện, các loài sinh vật như cá, tôm, cua, ốc trong các ruộng lúa hữu cơ tăng cả về số lượng và chất lượng”, báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia nêu.
Đối với chăn nuôi, Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ có quy mô 1.040 lợn thịt tại 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Kết quả cho thấy dự án có hiệu quả cao, đặc biệt trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát.
Tất cả các hộ tham gia dự án đều an toàn, đàn lợn có sức đề kháng tốt nên không bị nhiễm bệnh. Khả năng tăng khối lượng của đàn hơn 650g/con/ngày, tiết kiệm 1.387 lít nước/con, chất lượng thịt thơm ngon… Sản phẩm các mô hình một phần được Tập đoàn Quế Lâm trực tiếp thu mua, chế biến, tiêu thụ nên giá bán cao hơn so với chăn nuôi thông thường từ 25-30%, môi trường chăn nuôi được cải thiện rõ rệt.
Đặc biệt, sự phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm là cụ thể hóa việc tăng cường hợp tác công tư (PPP) trong hoạt động khuyến nông. Thực tiễn các mô hình cho thấy ngân sách rót vốn hỗ trợ chưa nhiều (7 tỷ đồng đối với mô hình trồng lúa và 5,5 tỷ đồng đối với chăn nuôi lợn), nhưng nhờ vốn đầu tư của Tập đoàn Quế Lâm (21 tỷ đồng) và vốn đối ứng của các HTX, hộ dân (9,5 tỷ đồng) đã triển khai hiệu quả mô hình các dự án.
Chính vì vậy trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm sẽ tiếp tục triển khai dự án, tổng kết, đánh giá và mở rộng quy mô. Thí điểm xây dựng Làng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, từng bước tổng kết, nhân rộng vào sản xuất…
Để thực hiện những nội dung trên, các đơn vị thực hiện mô hình kiến nghị các cơ quan quản lý thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp đánh giá các mô hình nông nghiệp hữu cơ đã có, phát hiện các khó khăn, điểm nghẽn trong sản xuất, nhất là khâu tổ chức sản xuất, chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ… Đề xuất biện pháp, cơ chế giúp các HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ đạt hiệu quả cao.
“Tập đoàn Quế Lâm có thế mạnh về sản xuất phân bón hữu cơ, yếu tố đầu vào đóng vai trò rất quan trọng để phát triển nông nghiệp hữu cơ theo định hướng của Đảng, Nhà nước. Tập đoàn Quế Lâm cũng rất có trách nhiệm với phát triển nông nghiệp hữu cơ, chính vì vậy, ngoài chuỗi sản xuất lúa gạo, chăn nuôi đã thành công, tới đây chúng tôi kiến nghị mở rộng hợp tác với tập đoàn để liên kết sản xuất trên cây ăn quả, đặc biệt ở các vùng trọng điểm”, ông Lê Quốc Thanh đề xuất.
Liên kết nhân rộng mô hình trên toàn quốc
Song song với đánh giá kết quả các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thống nhất ý kiến mở rộng quy mô trong thời gian tới, đại diện các cơ quan chuyên môn Bộ NN-PTNT phân tích những tồn tại, thiếu sót về mặt chính sách để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay.
Đặc biệt, đối với các mô hình chăn nuôi, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, phải cơ cấu lại chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ bởi đây là vấn đề liên quan đến sinh kế người nông dân, liên quan đến giải pháp đối phó với vấn đề thao túng thị trường của các tập đoàn lớn nên không thể xóa bỏ được.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn cho biết: Cả nước có hơn 1.000 HTX chăn nuôi, rất nhiều trong số đó là gia công cho các tập đoàn lớn. Thực tế này bộc lộ một số vấn đề như sự lệ thuộc về đầu vào, giá cả và đặc biệt là vấn đề môi trường. Các mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm đã giải quyết được những vấn đề đó. Vì vậy, trước mắt chúng tôi lựa chọn 3 HTX mong muốn hợp tác, liên kết với Quế Lâm để chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học, hướng tới việc nhân rộng mô hình.
Đánh giá cao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin thêm, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đặt hàng Quế Lâm 5 cụm đề tài khoa học từ giống, thức ăn, chế biến, chế phẩm vi sinh… để hoàn thiện hơn quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tuần hoàn, đầu vào của trồng trọt phải là đầu ra của chăn nuôi và ngược lại.
“Vấn đề của chăn nuôi nông hộ, trang trại, HTX đang thiếu những đầu tàu dẫn dắt để tiếp cận khoa học công nghệ, tiếp cận quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chính vì vậy rất cần sự hợp tác giữa họ với các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm. Kiến nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh sự hợp tác này để hoàn thiện chuỗi tuần hoàn trong chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Trọng kiến nghị.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ NN-PNT sẽ phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ thông qua các HTX. Thứ trưởng giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp xây dựng các HTX hữu cơ theo chuỗi giá trị nông sản.
Các HTX đó phải có đầy đủ tiêu chí về nông nghiệp hữu cơ để trở thành hạt nhân, mô hình điểm để nhân rộng chứ không làm theo kiểu tràn lan. Cần phải cơ cấu theo hướng tổ chức chăn nuôi nông hộ theo hình thức tham gia hợp tác xã, liên kết hợp tác xã đó với các doanh nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất.
Thứ hai, xây dựng quy trình triển khai tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên từng lĩnh vực cụ thể, phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm thí điểm xây dựng Làng nông nghiệp hữu cơ. Hướng tới việc lồng ghép tiêu chí nông nghiệp hữu cơ vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Ví dụ ban hành tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng các mô hình điểm, đánh giá hiệu quả để từ đó vận động người dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bình Luận