Lúng túng “nhận diện” hàng hóa thiết yếu
Một trong những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Một số địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, thành phố Hà Nội đã bắt đầu thực hiện từ ngày hôm nay (24/7).
Qua thực tế, tình hình cung ứng và tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đang được đảm bảo, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân không còn đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Nhiều vướng mắc trong quá trình cung ứng, tiêu thụ, phòng dịch đã được các ngành chức năng và địa phương xử lý kịp thời, góp phần cung ứng hàng hóa đến người dân được thuận lợi.
* Không thiếu hàng hóa, giá ổn định
Trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung người dân chấp hành nghiêm túc và không có tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ, hàng hóa dồi dào, giá ổn định.
Tại một số chợ dân sinh vẫn mua bán tấp nập vào buổi sáng vì hôm nay ngày rằm tháng 6 âm lịch nên người dân đi sắm đồ lễ về thắp hương. Người dân chỉ đi mua đủ thức ăn dùng trong ngày, không mua tích trữ như những ngày trước.
Ở một số chợ dân sinh, chợ truyền thống như Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên, Hàng Bè, Mùng 8/3, Nguyễn Khắc Cần, Mai Động, Kim Liên, Trung Hòa, Thành Công, chợ Tư Đình (Long Biên)… người dân đi chợ đông hơn ngày thường khoảng từ 10-20% và hàng hóa phong phú, không thiếu hàng. Còn ở một số siêu thị như: Vinmart Võ Thị Sáu, Vinmart+… lượng khách đến mua sắm bình thường.
Các siêu thị cho biết, ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến. Nguồn cung thực phẩm liên tục được nhân viên các siêu thị bổ sung lên kệ. Hệ thống loa phát thanh thường xuyên phát đi khuyến cáo người dân chỉ mua vừa đủ lượng hàng thiết yếu, không tích trữ. Đồng thời, siêu thị áp dụng các hình thức mua hàng online, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc vận hành Công ty VinCommerce (VCM) cho biết, tại Hà Nội, VinCommerce có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+.
Đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 lần với hàng thực phẩm thiết yếu; trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây… cũng nhiều hơn để đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống.
Tập đoàn Masan đã tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt….
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố đã dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân Thủ đô tăng từ 30 – 50%. Hàng hóa dự trữ của các đơn vị kinh doanh trong 3 tháng tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Do vậy, người dân yên tâm không nên mua hàng tích trữ gây bất ổn định xã hội.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng với 17 mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, trong ngày 24/7, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND Tp. Hồ chí Minh đã khảo sát thực tế tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất thành phố, gồm: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn nhằm đánh giá việc phòng chống dịch COVID-19 tại ba chợ này. Từ đó có phương án tổ chức trạm trung chuyển hàng hóa, kết nối lại chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhất là thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì không chỉ Tp. Hồ Chí Minh, mà cả những địa phương khác đều có nhu cầu về địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên có phương án mở một số địa điểm ở các chợ đầu mối phục vụ trung chuyển hàng hóa cần kế hoạch đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Tỉnh Đắk Lắk ngày hôm nay cũng bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính. Nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân trong thời gian chống dịch, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành phương án đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn.
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang, đổ xô đi mua hàng tích trữ, tụ tập đông người vì hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ, siêu thị… vẫn mở cửa hoạt động và nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, ổn định.
*Lúng túng “nhận diện” hàng hóa thiết yếu
Trong cuộc họp mới đây của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) với các ngành hàng về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, các hiệp hội ngành hàng phản ánh: một trong những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.
Chẳng hạn, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng từ 2-3 tháng.
Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Dẫn chứng cụ thể là mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Vì vậy, các hiệp hội ngành hàng đã đề nghị bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa…và các nguyên liệu, dịch vụ bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa… phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho quá trình lưu thông hàng hoá.
Ngoài ra, mới đây dư luận cũng xôn xao về vụ việc xử phạt đối với một thanh niên ra đường mua bánh mì, nước uống tại tỉnh Khánh Hòa vì cho rằng “bánh mì không phải lương thực thiết yếu và lương thực chỉ là gạo, rau củ, thực phẩm là muối, cá, thịt”.
Mặc dù vụ việc đã được các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa giải quyết nhưng, điều này vẫn gây băn khoăn trong dư luận với việc phải hiểu như thế nào là “thực phẩm thiết yếu”.
Cùng đó, các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ cũng chưa đồng nhất một khái niệm này để xử lý cho đúng trong việc thực hiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19.
Để giúp các đơn vị chức năng hiểu rõ hơn về hàng hóa thiết yếu, ngay sau khi vụ việc “bánh mỳ không phải lương thực thiết yếu”, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho người dân về hàng hoá thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.
Cùng đó, Sở Công Thương Bến Tre đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội. Sở Công Thương tỉnh Bến Tre còn đề xuất danh mục các nhóm hàng hóa thiết yếu gồm: hàng tươi sống như: thịt, thủy sản, rau củ quả, trái cây, trứng; hàng công nghệ phẩm là bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu ăn, sữa các loại, mì gói các loại và thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân như nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng.
Lương thực là các loại gạo, nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; thiết bị vật tư y tế, thuốc chữa bệnh; đồ dùng vệ sinh cá nhân; xăng dầu, gas, khí đốt; sản phẩm thức ăn, thuốc (vật nuôi trên cạn và thủy sản); vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, một số anh em còn lúng túng “nhận diện” đâu là mặt hàng thiết yếu, do đó sở đã có công văn hướng dẫn chung. Theo đó, danh mục hàng hóa thiết yếu tại Sóc Trăng được quy định tương tự như tỉnh Bến Tre.
Tuy nhiên, danh mục các nhu yếu phẩm cần thiết khác được quy định rõ hơn như khẩu trang, sản phẩm dùng để tẩy rửa, diệt côn trùng, vệ sinh cá nhân, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh…
Một cán bộ làm nhiệm vụ tại một chốt kiểm dịch ở thành phố Sóc Trăng cho biết, có danh mục quy định rõ như vậy, anh em thực thi nhiệm vụ dễ dàng hơn trong việc kiểm tra người dân chở hàng hóa mỗi khi qua trạm.
Tương tự, các tỉnh, thành khác như An Giang, Cần Thơ… đều đã ra văn bản hướng dẫn cụ thể về danh mục hàng hóa thiết yếu để áp dụng trong những ngày các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội.
*Rút kinh nghiệm Bách Hóa Xanh
Trước những thông tin “không hay” của người tiêu dùng phản ánh về giá cả cũng như việc cung ứng hàng hóa của Hệ thống Bách Hóa Xanh tại Tp. Hồ Chí Minh, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã làm việc với Hệ thống Bách Hóa Xanh về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết, Bách Hóa Xanh là một hệ thống siêu thị mini có gần 2.000 điểm bán hàng trải dài trên 24 tỉnh phía Nam với lực lượng lao động 20.000 người và có 560 cửa hàng tại Tp. Hồ Chí Minh.
Lượng hàng hóa luân chuyển qua hệ thống của Bách Hóa Xanh từ 1.300 – 1.500 tấn/ngày, gồm thực phẩm tươi sống và những hàng hóa thiết yếu khác. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và một số kênh phân phối khác bị hạn chế, lưu lượng hàng hóa qua hệ thống Bách Hóa Xanh tăng lên gấp đôi, từ 2.000- 3.000 tấn/ngày.
Liên quan đến những dư luận mới đây về giá các mặt hàng tại hệ thống Bách Hóa Xanh tăng, theo ông Trần Kinh Doanh, trong mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh có từ 3.000-5.000 mã sản phẩm khác nhau, phần lớn trong số hàng hóa này giá không tăng.
Tuy vậy, trong những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng, vận chuyển hàng hóa… nên một số mặt hàng có tăng nhiều so với bình thường và giá cả gần đây đã dần ổn định trở lại.
Ông Trần Kinh Doanh cho biết, trong lúc áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn, sai sót khó tránh khỏi và doanh nghiệp đã khắc phục ngay. Đồng thời, đưa ra thông điệp là hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng.
Ông Doanh cũng cam kết trong thời gian tới, hệ thống Bách Hóa Xanh sẽ tuân thủ nghiêm theo các quy định và cố gắng ở mức cao nhất để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, Hệ thống Bách Hóa Xanh đã có một số vi phạm như: niêm yết giá, tính giá nhầm…. cần phải khắc phục ngay. Mặc dù cơ quan quản lý chia sẻ với doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp cần chấn chỉnh vì theo quy định nếu có sai phạm sẽ phải xử lý.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, doanh nghiệp cũng rất tích cực đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh các tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, gần đây hệ thống Bách Hóa Xanh đã có những vi phạm trong hoạt động kinh doanh và phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục ngay./.
Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN
Bình Luận