16-11-2222 . bởi Phạm Tâm

Xuất khẩu khoai lang chính ngạch: Mở lối thoát cho nông dân

Trung Quốc cho phép khoai lang Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước này, đã mở ra lối thoát cho nông dân trồng khoai lang vốn đã lâm vào tình cảnh không bán được sản phẩm, thua lỗ đã 2 năm nay. Tuy nhiên, để sản xuất và tiêu thụ khoai lang phát triển ổn định và bền vững, cần thúc đẩy chế ngành biến khoai lang…
Khoai lang mong chờ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Khoai lang mong chờ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ở Việt Nam, khoai lang là cây lương thực truyền thống đứng thứ ba sau lúa, ngô. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thu hoạch củ khoai lang hàng năm của cả nước dao động trong khoảng 1,2-1,5 triệu tấn. Cùng với các giống khoai lang truyền thống, trong khoảng 15 năm trở lại đây, nông dân ở nhiều địa phương đã tích cực đưa giống khoai lang Nhật vào trồng cho hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

KHOAI LANG RỚT GIÁ, DIỆN TÍCH TRỒNG GIẢM

Củ khoai lang đã trở thành sản phẩm xuất khẩu, từng có năm đem về 60 triệu USD. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, xuất khẩu khoai lang liên tục sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu khoai lang năm 2021 chỉ còn 36 triệu USD.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết những năm gần đây, thị trường xuất khẩu khoai lang tươi cũng như giá cả không ổn định. Vì vậy hiệu quả kinh tế cũng như hướng mở rộng diện tích trồng cây khoai lang như một cây hàng hóa còn gặp khó khăn.

Khoai lang Bình Tân có nhãn hiệu tập thể “Bình Tân SWEET POTATOES” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận góp phần tạo thương hiệu cho khoai lang Vĩnh Long xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới, chủ yếu là Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, đường xuất khẩu bị “bít cửa” thời gian dài đã khiến cho giá khoai lang tím nhật ở Bình Tân lao dốc không phanh.

Tình trạng khoai lang rớt giá và không tiêu thụ được kéo dài 2 năm, người trồng khoai hết vốn tái sản xuất. Vụ mùa 2022, toàn huyện Bình Tân chỉ trồng 699 ha khoai, ít hơn cùng kỳ năm trước đến 6.300 ha.

Ông Phan Tuấn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH khoai lang Thanh Bình Tân, cho biết trước năm 2016, giá khoai lang xuất khẩu đạt hơn 1 triệu đồng/1dạ (60 kg). Từ năm 2017 đến 2019 giá khoai giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được là 480.000 – 510.000 đồng/dạ. Bắt đầu vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp “chìm” trong cơn sụt giá từ 240.000 đồng/dạ, rồi 90.000 đồng/dạ và hiện xuống dưới 50.000đồng/dạ.

Trước năm 2020, vào những thời điểm thu hoạch chính vụ, mỗi ngày có 100 – 200 tấn khoai ở Bình Tân được thương lái thu mua để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Thế nhưng năm nay hoạt động thu mua xuất khẩu bị tê liệt.

“Thực ra nhu cầu khoai lang ở Trung Quốc thì vẫn có, nhưng thông quan không được. Đa số ngày xưa mình đi tiểu ngạch. Nhưng từ khi dịch bùng phát thì đường tiểu ngạch bị chặn lại bởi vì bên kia chính sách kiểm soát dịch khác với bên mình nên toàn bộ hàng không thông quan được”, ông Phan Tuấn Thanh chia sẻ.

CỬA CHÍNH NGẠCH ĐÃ MỞ

Khi nhận được tin phía Trung Quốc đã ký vào Nghị định thư, cho phép khoai lang được xuất chính ngạch sang thị trường này, các doanh nghiệp kinh doanh khoai lang rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân chia sẻ: “Chính quyền và nông dân địa phương rất mừng. Huyện đã cấp được 4 mã số vùng trồng đối với khoai lang. Trong thời gian tới, tiếp tục vận động bà con cố gắng giữ diện tích khoai lang. Có thể chuyển sang cây trồng khác ngắn ngày, khi giá khoai lang có giá xuất khẩu được thì tiếp tục quay trở lại”.

Theo ông  Nguyễn Thanh Huy, Công TNHH TMV chế biến nông lâm thủy sản ở huyện Bình Tân, doanh nghiệp đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để quay trở lại thu mua chế biến xuất khẩu sản phẩm khoai lang.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở lối thoát cho xuất khẩu khoai lang. Xuất khẩu khoai lang sẽ hồi phục và tăng trưởng trong những năm tới.

Tuy nhiên, ông Toản khuyến cáo, mặc dù Trung Quốc đã đồng ý cho xuất khẩu khoai lang chính ngạch, nhưng nông dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, mà chỉ trồng trong những vùng đã được quy quạch, tránh trường hợp không xuất khẩu được, nông dân sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Để sản xuất và tiêu thụ khoai lang phát triển ổn định và bền vững, không còn bị lâm vào tình cảnh rớt giá, ông Toản cho rằng cần thúc đẩy chế biến khoai lang.

Trong những năm gần đây, ngoài thói quen sử dụng củ khoai lang như một loại thực phẩm ăn tươi, người dân đã có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ khoai lang.

Hiện nay, nước ta đã có một số Công ty chế biến tinh bột khoai lang, ethanol như Công ty TNHH Quốc tế Vinapas Việt Nam, Công ty Cổ Phần nhà máy cồn Tùng Lâm, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Đồng Nhứt, Công ty TNHH Thịnh Cường, Công ty TNHH Đại Việt… hay một số Công ty chế biến sấy khô như Công ty cổ phần Vinamit, công ty TN HH SX TM DV Ngô Mai Hoa,…

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các Công ty trên vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng do các giống khoai lang đang trồng ở nước ta chưa đạt tiêu chuẩn để phục vụ cho chế biến. Do vậy, cần chọn tạo ra các giống khoai lang phục vụ ăn tươi và chế biến ở Việt Nam, đồng thời có những biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, quản lý cây trồng tổng hợp nhằm nâng cao năng suất chất lượng củ khoai lang, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến công nghiệp để đa dạng hoá chủng loại sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho cây khoai lang ngày một phát triển. Từ đó, tăng thu nhập cho người sản xuất khoai lang.

Ngày 9/11/2022 Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện số TCOCD1904 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông báo Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu khoai lang, xuất khẩu tổ yến (yến sào) từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Hiện nay, Nghị định thư đang được gửi chuyển phát nhanh về Việt Nam để Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký và chuyển lại cho phía Trung Quốc 1 bản. Các Nghị định thư này sẽ được công bố vào cuối tháng 11/2022.

Như vậy, khoai lang và tổ yến sẽ là sản phẩm nông sản thứ 12 và 13 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau 11 loại quả gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải và sầu riêng.

Theo Cục Chăn nuôi, ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cả nước có 22.087 nhà nuôi chim yến, cho sản lượng trên dưới 120 tấn/năm.

Chu Khôi

Bình Luận