Bẫy’ lừa đảo thương mại quốc tế rất tinh vi, doanh nghiệp Việt cần thận trọng
VCCI dẫn kết quả khảo sát từ PwC cho thấy, 52% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát cho biết họ đã trải nghiệm sự lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khi buôn bán thương mại quốc tế, mức này cao hơn khu vực và toàn cầu. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam cảnh giác, tránh được những bẫy lừa đảo đáng sợ này?
Sau hơn 5 tháng, đến nay, vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa xuất khẩu hạt điều sang Italia đã được xử lý cơ bản thành công. Từ nguy cơ mất trắng hàng chục container, với trị giá hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo mặc dù chúng đã chiếm đoạt được gần 40 bộ chứng từ gốc của gần 40 container.
Hơn 50% doanh nghiệp Việt từng là nạn nhân
Sau vụ việc trên, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) nhận định nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, có được những đơn hàng lớn nên doanh nghiệp mong muốn bán được hàng; nhất là vào thời điểm thị trường ít có giao dịch. Đồng thời, doanh nghiệp tin tưởng vào đối tác nên sử dụng phương thức thanh toán có nhiều rủi ro.
Theo đó, ông Nhựt rút ra bài học cho các doanh nghiệp, đó là trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Ở đây, vai trò của các Thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng. Đồng thời, doanh nghiệp cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác. Để tránh sa bẫy, các doanh nghiệp nên dùng phương thức thanh toán an toàn hơn, cũng như nên trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo.
Vụ việc của ngành điều đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh mà thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động thương mại toàn cầu ngày càng tinh vi. Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn kết quả từ PwC 2022 cho thấy các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài.
Đáng chú ý, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát của PwC từ Việt Nam cho biết họ trải nghiệm sự lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký – Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. Vì vậy, để bảo vệ mình, các doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan Thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. “Làm ăn thuận lợi phải tính khi rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được”, ông Tuấn chia sẻ.
Thận trọng để không trúng bẫy
Nhìn từ bài học qua vụ lừa đảo các container hạt điều, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn (trong trường hợp dùng 1 bộ vận đơn), giao bộ chứng từ. Chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn.
Cùng với đó, ông Lễ liệt kê hàng loạt kinh nghiệm để tránh được những cái “bẫy” lừa đảo, đó là môi giới thương mại là dịch vụ thương mại khá phổ biến. Thực tế vẫn cần có người môi giới. Một số người môi giới không muốn để người bán và người mua tiếp xúc với nhau nhưng khi sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp cần hiểu rõ địa vị pháp lý của họ để sử dụng đúng, hạn chế rủi ro.
Đồng thời, các doanh nghiệp tuyệt đối không cho người mua biết tên hãng chuyển phát bộ chứng từ mà chỉ cho họ biết khoảng thời gian cần liên hệ với ngân hàng nhờ thu để thanh toán tiền hàng, nhận chứng từ. Việc này cũng không có gì là không thể chấp nhận vì đó không phải việc của người mua.
Cuối cùng, doanh nghiệp nên thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu (tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất). Có thể kiểm tra qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh (bản mềm, có màu) của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại.
“Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng…”, ông Lễ nhấn mạnh.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam đang có thế mạnh về hoạt động xuất nhập khẩu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Khi vào sân chơi rộng lớn, tất yếu rủi ro sẽ nhiều hơn. Về phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, VCCI đã nhiều lần thông tin về những trường hợp, khả năng rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn có những sự việc đã xảy ra, vụ việc container hạt điều xuất khẩu sang thị trường Italia là một ví dụ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp cần cùng nhau chia sẻ bài học, chia sẻ những kinh nghiệm sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp trưởng thành hơn.
“Với một đất nước có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới như Việt Nam nhưng đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế, việc cùng nhau trao đổi, chia sẻ các biện pháp nhận diện và phòng tránh rủi ro, kinh nghiệm tìm kiếm đối tác tin cậy cũng như đàm phán hợp đồng và trong trường hợp nếu xảy ra tranh chấp thì chúng ta cần tìm đến các cơ quan nào… là hết sức cần thiết”, ông Hải lưu ý.
Lê Thúy
Bình Luận