22-03-2424 . bởi Phạm Tâm

Chuyển đổi chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041

Hoạt động chuyển đổi là hoạt động bắt buộc nhằm đảm bảo tiến tới loại bỏ mọi mối nguy, tồn dư các yếu tố hóa chất, chất cấm trong chăn nuôi hữu cơ bao gồm hoạt động chăn nuôi động vật và hoạt động quản lý, vận hành, duy trì khu vận động, khu chăn thả tự nhiên và vùng trồng cây làm thức ăn chăn nuôi. Quá trình chuyển đổi phải đảm bảo tính hữu cơ liên tục và thời gian chuyển đổi sẽ tùy thuộc vào đặc thù hiện trạng của từng khu vực theo kết quả đánh giá lựa chọn khu vực chăn nuôi đã thực hiện và theo quy định tại điểu 5.1.2 của tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm hữu cơ sẽ có các hoạt động chuyển đổi dưới đây:

Chuyển đổi vùng trồng cây làm thức ăn và khu chăn thả tự nhiên

Chăn nuôi hữu cơ thì khu vực vận động, chăn thả tự nhiên, đồng cỏ, vùng trồng cây làm thức ăn chăn nuôi là khu vực quan trọng và nó phải đảm bảo không đem lại rủi ro làm mất tính toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm hữu cơ cũng như đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong quá trình vận động hay sử dụng thức ăn.

Quá trình chuyển đổi đối với các khu vực này cần phải đáp ứng yêu cầu tại tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-2:2017. Hoạt động này thường có thời gian chuyển đổi dài hơn so với các hoạt động khác trong chăn nuôi hữu cơ và thường tối thiểu là 12 tháng cho đến khi gieo hạt hoặc trồng cây chính thức theo hữu cơ.

Thời gian chuyển đổi có thể rút ngắn dựa vào lịch sử và hiện trạng vùng đất từ kết quả đánh giá lựa chọn đã thực hiện trước đó như: không sử dụng các chất cấm làm vật tư, nguyên liệu đầu vào hoặc không thực hiện hoạt động đầu vào nhưng không ít hơn 6 tháng. Riêng đối với đất nguyên sơ (không phải là rừng nguyên sinh) và đất hoang hóa, có thể bỏ qua giai đoạn chuyển đổi. Vì vậy, nhà sản xuất khi hoạch định cần tính toán kỹ và lên kế hoạch chuyển đổi hợp lý để đảm bảo khu vực này sẵn sàng đáp ứng và sử dụng khi bắt đầu chăn nuôi hữu cơ.

Trong quá trình chuyển đổi, thời gian có thể kéo dài hơn nếu việc kiểm tra cho thấy tồn dư hóa chất hay chất cấm sử dụng vẫn còn và không đáp ứng yêu cầu. Nhà sản xuất cần đặc biệt chú ý là cây làm thức ăn, cỏ hay thực vật tại khu vực này trong quá trình chuyển đổi sẽ không được sử dụng cho chăn nuôi hữu cơ. Tuy nhiên, cỏ hay thực vật hữu cơ trong giai đoạn chuyển đổi có thể được sử dụng để chế biến thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ nếu thành phẩm được kiểm tra, đảm bảo không còn tồn dư hóa chất hay chất cấm sử dụng trong sản xuất hữu cơ (đối chiếu với danh mục các chất được phép sử dụng trong trồng trọt hữu cơ tại phụ lục A của tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017).

Trang trại gà hữu cơ.

Trường hợp chuyển đổi một phần diện tích đồng cỏ, khu trồng cây làm thức ăn, khu vận động ngoài trời, nhà sản xuất phải thực hiện việc cách ly và kiểm soát mọi hoạt động không chăn nuôi theo hữu cơ có thể ảnh hưởng đến phần diện tích chuyển đổi để tránh mọi tác động không mong muốn làm mất tính toàn vẹn hữu cơ của phần diện tích chuyển đổi. Cỏ hay thực vật thu hoạch từ phần diện tích không áp dụng sản xuất hữu cơ phải được nhận diện, phân tách và kiểm soát sử dụng riêng biệt để tránh trộn lẫn với sản phẩm thu hoạch từ phần diện tích chuyển đổi hữu cơ.

Phần diện tích không chuyển đổi hữu cơ cũng cần được lưu trữ hồ sơ/nhật ký về mọi hoạt động liên quan để có thể truy xuất nguồn gốc ở bất cứ giai đoạn nào, công đoạn nào trong suốt quá trình chăn nuôi và phải được lưu trữ theo quy định của tiêu chuẩn tối thiểu là 5 năm.

Trong thời gian chuyển đổi, cỏ và thực vật hữu cơ thu hoạch nếu cung cấp ra bên ngoài thì không được phép ghi nhãn “Sản phẩm hữu cơ” nhưng được phép ghi nhãn “Sản phẩm đang trong quá trình chuyển đổi”.

Chuyển đổi vật nuôi hữu cơ

Hoạt động chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ về nguyên tắc là áp dụng toàn bộ yêu cầu chăn nuôi hữu cơ theo TCVN 11041-3:2017 vào chăn nuôi hữu cơ trong khoảng thời gian tối thiểu theo quy định và theo kết quả đánh giá nguy cơ cũng như kết quả phân tích các mẫu thử nghiệm được lấy khi đánh giá lựa chọn khu chăn nuôi (bao gồm đất, nước uống, nước dùng trong chăn nuôi, nước thải, thức ăn dùng cho chăn nuôi vật nuôi và sản phẩm hữu cơ).

Cụ thể: Bò, trâu và ngựa lấy thịt: ít nhất 12 tháng và phải ít nhất ba phần tư quãng thời gian sống/tuổi thọ tối đa của chúng được nuôi trong hệ thống quản lý theo phương pháp hữu cơ; Bê, nghé để lấy thịt: ít nhất 6 tháng, bê, nghé được nuôi hữu cơ ngay khi được cai sữa và phải nhỏ hơn 6 tháng tuổi; Cừu và dê lấy thịt: ít nhất 4 tháng; Lợn lấy thịt: ít nhất 4 tháng; Gia cầm lấy thịt: toàn bộ quãng thời gian sống; Gia cầm lấy trứng: ít nhất 6 tuần.

Các loại gia súc phải được nuôi hữu cơ ngay sau khi cai sữa, các loại gia cầm phải nuôi hữu cơ trong vòng 3 ngày sau khi nở ấp.

Chuyển đổi đồng thời đồng cỏ, khu chăn thả tự nhiên và vật nuôi

Trường hợp thực hiện chuyển đổi cùng lúc cả đồng cỏ, khu chăn thả tự nhiên và vật nuôi thì thời gian chuyển đổi phải căn cứ theo thời gian chuyển đổi dài nhất và tối thiểu là 12 tháng với bò, trâu và ngựa nuôi lấy thịt. Nếu đồng cỏ kết thúc thời kỳ chuyển đổi trước thì vật nuôi vẫn phải tiếp tục chuyển đổi theo 5.1.2.3. của tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017

 Thu Hà – Trung tâm Chứng nhận phù hợp

Nguồn: https://vietq.vn/chuyen-doi-chan-nuoi-truyen-thong-sang-chan-nuoi-huu-co-theo-tieu-chuan-tcvn-11041-d219471.html

Bình Luận