25-07-2121 . bởi Phạm Tâm

Doanh nghiệp có thể được ưu đãi 9 năm lãi vay và hỗ trợ 10 tỷ đồng khi đầu tư vào nông nghiệp

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, dự thảo quy định doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 1/2-2/3 thời gian thuê, tính từ ngày có quyết định cho thuê.

Doanh nghiệp có thể được ưu đãi 9 năm lãi vay và hỗ trợ 10 tỷ đồng khi đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: TTXVN
Doanh nghiệp có thể được ưu đãi 9 năm lãi vay và hỗ trợ 10 tỷ đồng khi đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Dự thảo cũng quy định doanh nghiệp thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được Nhà nước hỗ trợ tối đa 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến nông sản được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu. Cụ thể, doanh nghiệp được hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, tối đa 10 tỷ đồng/dự án và không quá 40% tổng mức đầu tư dự án.

Đối với hỗ trợ tín dụng đầu tư, dự thảo quy định doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại để thực hiện dự án. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, tính trên số vốn vay dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ tối đa 9 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, tối đa 7 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Hạn mức hỗ trợ lãi suất không quá 70% tổng vốn vay của dự án…

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng do yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới nên cần thiết phải xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018. Trong đó, giá thịt lợn của Việt Nam hiện tăng cao, gấp 4-5 lần giá thịt tại Mỹ. Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá thịt heo nạc tại Chicago (Mỹ) giao kỳ hạn tháng 7/2020 giao dịch ở mức 45,18 UScent/lb tương đương 23.195 đồng/kg. Do vậy, Bộ Kế hoạch cho rằng cần bổ sung mặt hàng này và một số loại gia súc khác vào chính sách hỗ trợ để khôi phục, đẩy mạnh sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc, tạo cạnh tranh bình đẳng, đưa giá thành sản phẩm gia súc về mặt bằng hợp lý.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông lâm sản, do vậy cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thấy rằng cơ chế hỗ trợ trong Nghị định 57 còn chưa thật rõ ràng và việc triển khai thực hiện còn lúng túng. Việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ đất nông nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn khó thực hiện do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ… Do vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57 là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.

Ngọc Hà

Bình Luận