27-09-2222 . bởi Phạm Tâm

Doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá thế nào về trái sầu riêng tươi của Việt Nam

Lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vào chiều 17/9.

Theo doanh nhân Trung Quốc Lâm Long Đức, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu lô sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam đang là “người mới” trên thị trường nên cần phải chinh phục bằng chất lượng riêng biệt .

Trung Quốc là một thị trường lớn ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng, trong đó có quả sầu riêng. Quả sầu riêng tươi của Việt Nam đang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã tạo cú hích cho những người trồng sầu riêng nói riêng và các loại nông sản khác nói chung.

Để sầu riêng Việt Nam đứng vững trên thị trường Trung Quốc

Tại Chương trình radio Đối thoại về trái sầu riêng tươi của Việt Nam do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 26/9, ông Lâm Long Đức, Giám đốc Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Trung Quốc) chia sẻ, đây là lần đầu tiên công ty của ông nhập khẩu trái sầu riêng chính ngạch của Việt Nam.

“Bản thân tôi đã từng thử thưởng thức trái sầu riêng Việt Nam, khá ngọt và thơm, lưu lại vị đậm đà. Nói riêng về sầu riêng Việt Nam, công ty chúng tôi đã treo slogan quảng cáo là ‘càng để càng thơm’. Vì trái sầu riêng Việt Nam chín rất sâu, có khi một quả cũng thơm cả phòng”, ông Đức mô tả.

Ông Đức cho biết, tại thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng Việt Nam bình quân đến tay người tiêu dùng ở mức 50 tệ/kg, đang thấp hơn một chút so với sầu riêng Malaysia và Thái Lan.

“Rõ ràng, Việt Nam đang là ‘người mới’ ở sân chơi sầu riêng của Trung Quốc nên cần thêm thời gian để người tiêu dùng thích nghi và làm quen. Giá bán còn ảnh hưởng nhiều yếu tố từ khâu đóng gói, thông quan đến khâu lên kệ tại các hệ thống bán lẻ. Do vậy, sầu riêng Việt Nam hãy chinh phục thị trường Trung Quốc bằng chất lượng riêng biệt”, ông Lâm Long Đức nhấn mạnh.

So sánh tương quan về sầu riêng các nước ở thị trường Trung Quốc, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu lô sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam nhận định, giống Musang King của Malaysia hiện được định vị cho thị trường cao cấp. Tiếp đến là Monthong của Thái Lan, được yêu chuộng ở thị trường phổ thông.

Vị của sầu riêng Việt Nam khá tương đồng với của Thái Lan. Theo ông Lâm Long Đức, ưu thế của sầu riêng Việt Nam nằm ở vị trí địa lý gần, nếu cải thiện được khâu bảo quản, đóng gói, vận chuyển, thì sẽ còn cạnh tranh tốt hơn nữa. Cuối năm nay sẽ có thêm sầu riêng của Philippines và Campuchia vào thị trường Trung Quốc.

Nói thêm về thế mạnh địa lý của sầu riêng Việt Nam, ông Đức cho biết chỉ mất 36 tiếng từ vùng trồng có thể sang đến thị trường Trung Quốc. Thế mạnh thứ hai là giá nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn mặt bằng chung các nước khác, do đó sầu riêng Việt Nam có giá sản phẩm cạnh tranh hơn.

Doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá thế nào về trái sầu riêng tươi của Việt Nam ảnh 1

Từ tìm sự công nhận đến khẳng định chỗ đứng

Đưa ra một góc nhìn cần lưu ý khác, vị giám đốc người Trung Quốc cho biết, có một vấn đề chung đối với nông sản Việt Nam ở Trung Quốc là sau một thời gian tạo cơn “sốt” sẽ bị mất giá trong những năm tiếp theo.

Thói quen ăn hoa quả của người Trung Quốc hình thành từ nhỏ. Theo ông Đức, người dân ở một số vùng tỉnh Quảng Tây từng quan niệm rằng “ăn hoa quả Việt Nam đúng chuẩn hoa quả nhập”. Nó giống như việc người Việt Nam ăn hoa quả Mỹ hay EU, không chỉ để bổ sung vitamin mà còn là câu chuyện thưởng thức.

Tuy chất lượng hoa quả Việt Nam ngon, được thị trường đón nhận nhưng lại xảy ra tình trạng sau vài năm bị giảm giá. Trung Quốc giờ đã dần chuyển thành một thị trường khắt khe hơn về tiêu chuẩn và quy định. Chỉ cần trong một container có một thùng hoa quả không đạt yêu cầu về chất lượng, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì họ sẽ trả tất cả lô hàng về.

Do đó ông Lâm Long Đức khuyến nghị, các vùng trồng Việt Nam nên học mô hình của Thái Lan, luôn đáp ứng tốt các tiêu chuẩn. Thái Lan đã hình thành một chuỗi sản xuất, từ vùng trồng đến gia công đóng gói và làm lạnh đã trở thành thương hiệu riêng. Đây là kinh nghiệm và bài học để Việt Nam có thể tham khảo để khẳng định vị thế trái sầu riêng tại thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá thế nào về trái sầu riêng tươi của Việt Nam ảnh 2

“Chúng tôi mong muốn các đối tác Việt Nam hãy chuyên nghiệp hóa hơn nữa, từ vùng trồng, đóng gói, bảo quản sản phẩm đến vận chuyển sang cửa khẩu bằng những phương thức hiện đại, thì con đường trái sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ thông suốt như một đoàn tàu có thể vận hành đều đặn”.Ông Lâm Long Đức, Giám đốc Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Trung Quốc).

Chia sẻ về lộ trình phát triển sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc thời gian tới, ông Đức chia sẻ, hiện nay sản phẩm này đang ở giai đoạn thứ nhất là tìm sự công nhận, thích nghi của người tiêu dùng Trung Quốc vốn trước kia chỉ biết đến sầu riêng của Thái Lan, Malaysia.

“Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ kết hợp với vùng trồng, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp logistics, kết hợp thành một chuỗi để nâng cao giá trị sầu riêng của Việt Nam”, Giám đốc chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải thông tin thêm.

Dưới góc nhìn của đơn vị vận chuyển thường làm việc với trái sầu riêng nói riêng và các nông sản nói chung của Việt Nam, ông Lưu Nam Tài, Giám đốc Công ty logistics Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, phản hồi chung của khách hàng trước lô hàng sầu riêng tươi Việt Nam xuất chính ngạch tại thị trường Trung Quốc là khá hào hứng đón nhận, nhưng giá bán hiện vẫn hơi cao.

Tuy nhiên, theo ông Tài, Việt Nam cần lưu ý hơn về đồng đều chất lượng các lô hàng. Thực tế hoa quả Việt Nam ở Trung Quốc, người tiêu dùng rất thích vì thơm ngon nhưng lại hay phàn nàn về chất lượng không đồng đều qua các lô hàng.

Vùng trồng ở Tiền Giang và Đắk Lắk sẽ khác nhau vì điều kiện đặc trưng riêng. Kể cả trong một vùng trồng thì các khâu phân bón, thuốc trừ sâu, các khâu chăm sóc cũng không thống nhất. Do sản phẩm không đồng đều, ổn định trong các lô hàng.

Phương Thảo

Bình Luận