06-05-2424 . bởi Phạm Tâm

HÀNG RÀO KĨ THUẬT VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU: ĐÃ KHÓ SẼ NGÀY CÀNG KHÓ

33 tin 1 02.05.2024
Trên thị trường xuất hiện nhiều chứng nhận nghiêm ngặt hơn cả chứng nhận hữu cơ, đồng nghĩa với việc rào cản dành cho hàng hóa xuất khẩu ngày càng dày hơn.

Độ khó của các quy định tăng dần

Phát triển bền vững hiện được xem là vấn đề toàn cầu, không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc. Các tiêu chí phát triển bền vững hiện phải nhìn ở góc độ pháp lý, tức nếu nhà sản xuất không tuân thủ thì hàng hóa sẽ không thể xuất khẩu. Các nước phát triển ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt hơn để ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất với hàng hóa của họ.

Lấy ví dụ về chứng nhận hữu cơ (chứng nhận organic), một trong những chứng nhận tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa nông sản, thực phẩm, bà Trần Như Trang, Trưởng đại diện Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy sĩ (SHIPPO) cho biết yêu cầu hữu cơ hiện cũng khắt khe hơn. Trước đây, hữu cơ chỉ chứng nhận tới doanh nghiệp, nhưng giờ yêu cầu chứng nhận tới hợp tác xã. Như vậy, hợp tác xã phải đủ mạnh thì cả chuỗi mới được chứng nhận.

“Ví dụ Dừa Lương Quới trước đây có thể có 10.000 nhà cung cấp là nông dân, tổ chức qua 20 hợp tác xã. Nhưng trước yêu cầu mới, 20 hợp tác xã đó hiện nay phải thực sự vận hành được và được chứng nhận organic thì hàng hóa mới xuất khẩu được”, bà Trang dẫn chứng. 

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức cũng cho biết, ngoài những yêu cầu chung của thị trường, các nhà nhập khẩu có thể có những yêu cầu riêng cho từng sản phẩm. Ví dụ cà phê ngoài ghi nhãn hữu cơ của EU, doanh nghiệp có thể phải đáp ứng các chứng chỉ hữu cơ khác của Đức như Bio-Siegel, Bioland hay Natureland.

Những chứng chỉ này thậm chí nghiêm ngặt hơn cả chứng nhận hữu cơ EU, được quản lý bởi Bioland, hiệp hội thực phẩm hữu cơ lớn nhất tại Đức, với độ tin cậy và phạm vi phổ biến trên toàn thế giới

Hay phân khúc cà phê đặc sản, Đức yêu cầu phải đạt điểm thử nếm (cupping scores) luôn trên 84, là mức cao nhất để được công nhận là sạch, đủ tiêu chuẩn là “specialty coffee”. 

Về truy xuất nguồn gốc phải thực hiện đầy đủ với yêu cầu có nguồn gốc từ một vùng trồng nhất định (single- orgini) hay chế biến ướt, chế biến tự nhiên hay chế biến với mật ong.

Nhưng khó khăn của doanh nghiệp hiện tại là thiếu hiểu biết về quy định, quy chuẩn, dẫn đến hàng hóa không thể xuất khẩu trong điều kiện mới, thậm chí xuất đi bị trả về. Đại diện SHIPPO cho biết trong khung pháp lý bền vững ở châu Âu cũng như nhiều khu vực khác, rất nhiều từ không thể dịch ra tiếng Việt. Doanh nghiệp phải chấp nhận học, học liên tục và tìm hiểu sâu về yêu cầu này là gì và phương thức để đáp ứng yêu cầu đó.

Tìm cách nâng giá trị và giá thành

Việc tuân thủ tiêu chí bền vững đồng nghĩa chi phí sản xuất tăng lên, không chỉ là chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn mà còn là chi phí nội bộ. Vì vậy theo bà Trần Như Trang, doanh nghiệp phải nghĩ đến việc bán cho phân khúc khách hàng cao hơn. Tuy nhiên, ở những phân khúc khách hàng cao cấp, hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam chưa có mặt trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Phương pháp là doanh nghiệp nên kết hợp với các đối tác, bạn hàng có công nghệ sáng tạo. Hiện nay, doanh nghiệp thường tìm bạn hàng bằng việc tham gia các hội chợ. Tuy nhiên bà Trang khuyến nghị đi hội chợ không nên chỉ bán hàng, mà nên đi khảo sát, tìm hướng và tìm đối tác có công nghệ sáng tạo để đáp ứng các tiêu chí bền vững, tiết kiệm chi phí so với việc tự đầu tư hay thay đổi hệ thống sản xuất.

Ví dụ mặt hàng gia vị, một số nước tham gia SHIPPO là các hiệp hội không đi những hội chợ như AnuGa (Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm) hay SIAM (Hội chợ nông nghiệp lớn nhất châu Phi), vì đó là những hội chợ thông thường. Họ đầu tư thêm vào những hội chợ mới như in-Cosmetics (triển lãm đầu ngành cho nghiên cứu và sản xuất mỹ phẩm), các hội chợ về dược phẩm hay phân khúc premium.

Hay ngay cạnh Biofach (Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ), có một hội chợ chuyên về mỹ phẩm là Vivaness (Hội chợ Thương mại Quốc tế về Chăm sóc Cá nhân Tự nhiên và Hữu cơ) thì hiện nay Việt Nam cũng chưa tham dự.

“Sản phẩm đi phân khúc cao hơn thì ngay cả hoạt động xúc tiến thương mại cũng phải đi phân khúc cao hơn”, bà Trang nói.

Còn vị đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức khuyến nghị doanh nghiệp muốn bán sản phẩm với giá cao cần chú trọng xây dựng thương hiệu, gắn với các câu chuyện về trang trại, người trồng, chế biến, ý nghĩa sản phẩm sẽ tạo dấu ấn riêng và thu hút khách hàng.

Nguồn: Doanh nhân trẻ Việt Nam

Bình Luận