30-05-2323 . bởi Phạm Tâm

Khối EU ủng hộ lệnh cấm tiêu hủy hàng dệt may tồn kho

Các Chính phủ của Liên minh châu Âu (EU) hôm 22/5 đã thống nhất rằng, khối này nên cấm tiêu hủy hàng dệt may bị tồn kho. Đây là một phần nằm trong các nỗ lực xanh của EU hướng tới cắt giảm chất thải thông qua việc đẩy mạnh tái chế và tái sử dụng nhiều hơn.

Ở châu Âu, tiêu thụ hàng dệt may có tác động lớn thứ 4 đối với môi trường và biến đổi khí hậu sau ngành công nghiệp thực phẩm, nhà ở và di chuyển. Hằng năm, ước tính có khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị loại bỏ ở EU, trong đó bình quân khoảng 11kg/người, phần lớn những hàng loại bỏ này sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc đốt cháy.

Các chính phủ và Nghị viện Châu Âu cần thống nhất về Quy chế thiết kế sinh thái trước khi quy định này có thể trở thành luật. Đề xuất ban đầu được đưa ra vào tháng 3/2022 của Ủy ban Châu Âu (EC), nhưng sau đó, chính Ủy ban này cũng đã phải xác định lại xem có nên áp dụng các lệnh cấm tiêu hủy hay không.

Mặc dù vậy, các chính phủ thuộc khối EU đã đồng ý rằng, lệnh cấm tiêu hủy đối với hàng may mặc tồn kho nên được áp dụng ngay lập tức, thay vì chờ đợi cơ quan điều hành EU thực hiện đánh giá có thể kéo dài mất 3 năm.

Tây Ban Nha là nước giữ chức Chủ tịch EU trong sáu tháng kể từ tháng 7 năm nay, có khả năng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về luật với các đại diện của Nghị viện châu Âu. 

Luật mới sẽ tạo ra một “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số” thể hiện tính bền vững của sản phẩm đối với môi trường nhằm giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.

Ủy ban châu Âu cho biết, việc tiêu hủy các sản phẩm tiêu dùng tồn kho, chẳng hạn như hàng dệt may và giày dép… đang trở thành một vấn đề phổ biến trên khắp EU, đặc biệt là do sự gia tăng của doanh số bán hàng trực tuyến.

Trên thế giới, Pháp được biết đến là quốc gia đã áp dụng luật chống lãng phí, đồng thời cấm tiêu hủy các sản phẩm phi thực phẩm tồn kho.

LÊ KIÊN

Bình Luận