9 giờ trước . bởi Phạm Tâm

Mối lo lớn khi nông sản, thực phẩm xuất khẩu bị trả về

Việc một lô hàng bị phía thị trường nhập khẩu trả về có thể ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Do vậy, kiểm soát chất lượng khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm là ưu tiên mà các doanh nghiệp cần phải đặt lên hàng đầu.

Cuối tuần qua xuất hiện thông tin về một số lô hàng mì ăn liền, phở Việt Nam bị thị trường châu Âu (EU) trả về, cảnh báo vượt ngưỡng Ethylene oxide (EO). Đáng nói, trước đó, một số lô hàng của các doanh nghiệp (DN) như Acecook Việt Nam, Công ty CP thực phẩm Thiên Hương… từng bị EU cảnh báo về dư lượng trên.

EU cảnh báo, Việt Nam chưa có quy định

Theo thông tin từ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), xác minh ban đầu mới có trường hợp DN xuất khẩu hàng sang Đức nghi có chứa EO. Đó là sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu (TP.Thuận An, Bình Dương). Hiện tại, DN này vẫn chưa có báo cáo cụ thể về sự việc.

mi-an-lien-bi-canh-bao-ve-EO-8368-165870

Như vậy, thời gian qua đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đây chủ yếu là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau… Điều đó dẫn tới, mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam là mặt hàng đã được Ủy ban châu Âu bổ sung vào danh mục kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên đến nay, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Việt Nam. Về băn khoăn này, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT nghiên cứu và xây dựng quy định ngưỡng giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

“Thực tiễn quá trình xây dựng và ban hành quy định về ngưỡng, mức giới hạn cho phép có trong thực phẩm đòi hỏi một quá trình nghiên cứu tổng thể, bài bản, lâu dài và có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, Bộ Công Thương giải thích.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương khuyến cáo, song song với việc thường xuyên rà soát, đánh giá sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, DN cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công, sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro.

Trong khi đó, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho hay, đối với sản phẩm mì ăn liền, hiện EU đang áp tần suất kiểm tra 20%. Trong thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra xuất khẩu vào EU vì theo quy định 6 tháng, EU sẽ họp một lần để xem xét mức độ vi phạm của các quốc gia để đưa ra biện pháp tăng hoặc giảm kiểm tra.

Vì vậy, ông Nam cho rằng, việc một số DN vi phạm quy định vào thị trường EU sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của các cơ quan này trong việc thúc đẩy hỗ trợ DN xuất khẩu vào EU một cách thuận lợi. Để tránh bị những cảnh báo như trên, ảnh hưởng đến nỗ lực hỗ trợ DN xuất khẩu vào EU một cách thuận lợi của các ngành chức năng, những DN xuất khẩu mì ăn liền vào EU phải đặc biệt lưu ý kiểm soát tốt chỉ tiêu EO, đồng nghĩa phải giám sát chặt từ nguyên liệu đầu vào để đáp ứng yêu cầu.

“Mỗi quốc gia quy định về hàm lượng EO khác nhau. Ví dụ Mỹ, Canada với các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng… quy định tối đa là 7mg/kg, riêng EU quy định chỉ tiêu này rất thấp, từ 0,02 – 0,2mg/kg”, ông Nam cho biết.

Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

Nhìn từ góc độ nhà nhập khẩu và phân phối, ông Hoàng Xuân Quang, đại diện Công ty International Fresh Group cho hay, hiện tại, sản phẩm do công ty phân phối có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều đáng tiếc.

Từ kinh nghiệm làm việc với DN Việt Nam hơn 8 năm nay, ông Khang nhận định, những khó khăn, thách thức lớn đối với DN Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe của thị trường này về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Không phải rau quả nói chung mà còn rau quả chế biến, sấy, đông lạnh hay đóng hộp.

“Làm việc với đơn vị Việt Nam cho thấy, đa phần DN hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên nhiều khi bị loại ngay từ đầu. Vì vậy, cơ quan quản lý nên giúp các DN, nhất là DN nhỏ để đạt được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường EU”, ông Khang đề nghị.

Dẫn chứng về kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, ông Khang cho rằng rất quan trọng vì nhiều khi một vài lô không đạt tiêu chuẩn, trong trường hợp xấu nhất có thể ảnh hưởng tới các DN còn lại. Dư lượng thuốc trừ sâu nên chú trọng, áp dụng tư duy “một người vì tất cả, tất cả vì mọi người”.

Liên quan tới việc kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, thời điểm tháng 10/2021, Văn phòng SPS Việt Nam cũng từng thông báo về 1 lô hàng gạo thơm cao cấp giống ST25, nhãn hiệu Nữ hoàng của Vinamex Group khi xuất khẩu vào Bỉ đã phải thu hồi sản phẩm, khuyến cáo người dân không sử dụng khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazole – một hoạt chất được sử dụng rộng rãi làm thuốc trừ sâu trong ngành trồng lúa gạo vượt ngưỡng cho phép.

Do vậy, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, nhấn mạnh tới câu chuyện việc đàm phán để mở cửa thị trường cho một sản phẩm đó là kỳ công. Mở ra thị trường sẽ giúp sản phẩm Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đến với người tiêu dùng thế giới nhưng cũng cần nhớ tới một nguyên tắc là thị trường mở ra được rồi nhưng quan trọng hơn là cần giữ gìn và phát triển.

“Đây là câu chuyện không phải của riêng bộ ngành, mà tất cả những người tham gia chuỗi liên kết từ nông dân, DN, người quản lý địa phương tới các bộ ngành Trung ương. Đây là chiến lược chung mà ngành nông nghiệp cần ngồi lại tính toán về lộ trình phát triển thị trường, đảm bảo chất lượng, thương hiệu cho từng sản phẩm nông sản, thực phẩm”, bà Vy chia sẻ.

Anh-chup-Man-hinh-2022-07-25-l-1940-2807

Nhật Linh

Bình Luận