11-08-2323 . bởi Phạm Tâm

Nguy cơ doanh nghiệp phải đóng cửa vì bất cập chính sách

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thép không gỉ đã kêu cứu tới Chính phủ về bất cập của Quy chuẩn 20; các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực lo lắng về quy định trong phòng cháy chữa cháy, việc chậm hoàn thuế VAT. Đây là 3 trong rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, doanh nghiệp có nguy cơ phải dừng hoạt động vì bất cập chính sách chứ không phải do biến động kinh tế thế giới.

Vừa qua, 28 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thép không gỉ (inox) đã cùng ký đơn kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc Quy chuẩn 20 của Bộ KH&CN đang bảo hộ ngược, khiến các doanh nghiệp ưu tiên nhập hàng hóa thành phẩm thay vì nhập nguyên liệu để sản xuất.

Doanh nghiệp gặp khó vì… quy chuẩn

Theo các doanh nghiệp, tại Quy chuẩn 20, thép không gỉ được đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 (nhóm tiềm ẩn khả năng gây hại) và phải được kiểm tra nhà nước. Với quy định này, phần lớn nguyên liệu đầu vào cho ngành thép không gỉ sẽ buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia khác và không được áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

-2489-1691657944.png

“Từ đầu năm 2023 đến nay, do Quy chuẩn 20, các doanh nghiệp chúng tôi đã bị sụt giảm sản lượng, hoạt động cầm chừng khiến hàng ngàn công nhân mất việc làm và có thể sẽ phải dừng hoạt động nếu không được tháo gỡ khó khăn này”, nhóm doanh nghiệp trên phản ánh.

Các doanh nghiệp cho hay, việc chỉ cho phép lưu thông trên thị trường các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực mà dừng lưu thông các chủng loại thép đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở sẽ làm mất đi tính đa dạng của sản phẩm, làm mất đi khả năng cạnh tranh và xuất khẩu mặt hàng này.

Theo đó, nhóm doanh nghiệp đã gửi văn bản lên Phó Thủ tướng phản ánh sự bất cập của Quy chuẩn 20. Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo Bộ KH&CN tổ chức cuộc họp đối thoại với doanh nghiệp.

Sau cuộc đối thoại, doanh nghiệp cho biết Bộ KH&CN đã có văn bản báo cáo kết quả cuộc họp với Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, “chúng tôi nhận thấy văn bản này chưa phản ánh đúng đắn toàn bộ các vấn đề được đặt ra trong cuộc làm việc, cũng như sẽ tháo gỡ được khó khăn mà các DN đang gặp phải”, nhóm doanh nghiệp thép không gỉ phản ánh.

Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn Bộ KH&CN xem xét khẩn trương bãi bỏ hoặc sửa đổi Quy chuẩn 20 về thép không gỉ.

Bên cạnh bất cập của nhóm doanh nghiệp thép không gỉ, một vấn đề cũng gây bức xúc cho rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua là quy định phòng cháy chữa cháy.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cập nhật tình hình, để giải quyết bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngày 10/5/2023, Bộ Xây dựng đã có báo cáo kết quả thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 180/TB-VPCP ngày 17/5/2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về Phòng cháy chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Sau đó, Bộ Công an, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cũng đã ban hành nhiều văn bản, tuy nhiên “tới nay chưa được giải quyết triệt để. Đối với các nhà xưởng chế biến gỗ, hiện nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế, cụ thể các quy định liên quan tới hệ thống hút khói, hệ thống thoát hiểm, quy trình nghiệm thu phòng cháy rất khó thực hiện”, ông Lập phản ánh.

Cải cách thể chế phải là cấp thiết

Trong khi đó, về quy định hoàn thuế VAT, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã đã có công văn gửi cho Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đề nghị hỗ trợ hoàn thuế cho doanh nghiệp. Nhưng đến nay, kết quả hoàn thuế bị chậm của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, ông chưa thấy cải cách môi trường kinh doanh được đẩy mạnh, thay đổi bên trong đủ bù đắp khó khăn từ bên ngoài.

Chuyên gia này nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. “Nhưng thời gian gần đây, chúng ta không thấy những điều này, thậm chí có những quy định tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Dẫn chứng, ông Cung cho biết các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy “động chạm” đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi. “Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, ông Cung nêu.

Bên cạnh đó, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí. “Tôi cho rằng không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, nhưng có thể chọn 2 vấn đề để thực hiện ngay. Tôi đề xuất 2 điểm nóng cần gỡ ngay, đó là hoàn thuế VAT và vấn đề phòng cháy chữa cháy”, ông Cung nói.

Trong khi đó, nêu về tính cấp thiết của việc cải cách thể chế trong tình hình mới, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, đã có những giải pháp từ Chính phủ nhưng vấn đề vẫn nằm ở khâu thực thi và hiệu quả. “Bối cảnh hiện tại, thì thực hiện cải cách thể chế chính là giải pháp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu đặc biệt kỳ vọng vào quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc lập tổ công tác cải cách thủ tục hành chính. Nhiệm vụ đề ra với tổ công tác này vượt qua ngôn từ về tên gọi, vì tổ công tác không chỉ là giám sát mà còn chủ động đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc và duy trì kỷ luật kỷ cương.

Nhật Linh

Bình Luận