20-09-2222 . bởi Phạm Tâm

Thương mại song phương Việt Nam – Philippines lần đầu đạt mốc 5 tỷ USD

Nối tiếp đà tăng trưởng trong gần 10 năm qua, 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Philippines lần đầu tiên đạt mốc 5 tỷ USD, dự báo cả năm nay có thể vượt mốc 6,9 tỷ USD của năm 2021.

Trong gần 10 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam – Philipines đã tăng gần gấp 3 lần, từ 2,6 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 6,9 tỷ USD trong năm 2021.

Tháng 11/2015, Việt Nam và Philippines chính thức nâng cấp lên Đối tác chiến lược, mở ra một thời kỳ “nở rộ” trong mối quan hệ thương mại song phương . Điều này đã góp phần đưa đến kết quả 4 năm liên tiếp sau đó, kim ngạch song phương 2 quốc gia liên tục tăng trưởng tốt, đặc biệt trong năm 2017 và 2018 lần lượt ghi nhận tăng trưởng 21% và 20%.

Bước sang năm 2019, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn giữ mức 5,3 tỷ USD. Bước sang năm 2021, nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả, thương mại song phương đã dần phục hồi, tăng 31% so với năm 2020.

Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang Philippines, trong đó xuất siêu tăng từ 741 triệu USD vào năm 2013 lên mức 2,1 tỷ USD vào năm 2021.https://flo.uri.sh/visualisation/11228863/embed

Trong gần 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Philippines cũng tăng từ 1,6 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, tuy nhiên sự tăng trưởng này không đồng đều. Giai đoạn 2013 – 2014 phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, bước sang năm 2015, xuất khẩu ghi nhận đà giảm do xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm. Đến năm 2016 bắt đầu đà phục hồi và kéo dài đến năm 2020.

Trong 2 năm đại dịch, kim ngạch xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy chỉ trong vòng một năm, xuất khẩu đã có sự hồi phục thần kỳ.

Trong giai đoạn 2013 -2021, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Philippines bao gồm gạo, clanke xi măng, sắt thép các loại và máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác. Đối với mặt hàng gạo, sản phẩm này đã tăng từ 225 triệu USD năm 2013 lên 1,2 tỷ USD vào năm 2021.

Đến năm 2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 2,4 triệu tấn gạo (đứng thứ hai là Trung Quốc, đạt 1 triệu tấn và 522 triệu USD). Các mặt hàng còn lại dù có nhiều biến động tăng trưởng qua các năm nhưng nhìn tổng thể gần 10 năm qua, sự tăng trưởng vẫn tương đối lạc quan.https://flo.uri.sh/visualisation/11228841/embed

Về nhập khẩu, nhìn chung kim ngạch phát triển tăng đều qua các năm (ngoại trừ năm 2014). Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Philippines bao gồm kim loại thường khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử đã tăng từ 411 triệu USD (năm 2013) lên mức 1,4 tỷ USD vào năm 2021; kim loại từ 50 triệu USD lên 137 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng có mức tăng trưởng tốt nhất, từ 55 triệu USD lên 267 triệu USD.https://flo.uri.sh/visualisation/11228842/embed

Lần đầu thương mại song phương đạt mốc 5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm

Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu Việt Nam – Philippines đạt 5,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là giai đoạn 8 tháng đầu năm đầu tiên ghi nhận thương mại song phương giữa 2 nước đạt mốc 5 tỷ USD. https://flo.uri.sh/visualisation/11228884/embed

8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 3,5 tỷ USD hàng hóa, tương ứng tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng gạo là mặt hàng duy nhất đạt kim ngạch 1 tỷ USD với sản lượng xuất khẩu là 2,2 triệu tấn. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 33% về trị giá và 46% về lượng.

Trong 8 tháng đầu năm, Philippines cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 45% tổng kim ngạch và 46% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam, xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh trong các tháng đầu năm do phía Philippines lo ngại Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo nên đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ phía Việt Nam.

Mặt khác, gạo Việt hiện có ưu thế hơn tại thị trường này là quốc gia duy nhất sản loại gạo Đài Thơm 8 (DT8) – vốn là gạo có chất lượng ngon, giá thành hợp lý.

Tuy nhiên, dù Philippines đẩy mạnh nhập khẩu nhưng do thương nhân ép giá nên đã xảy ra tình trạng dù lượng gạo tăng mạnh nhưng kim ngạch lại không tương xứng.https://flo.uri.sh/visualisation/11228840/embed

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, sắt thép và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là hai mặt hàng ghi nhận đà giảm so với năm 2021, lần lượt -22% và -44%, tương ứng đạt 256 triệu USD và 126 triệu USD.

Xơ sợi và phân bón là hai mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất về trị giá, lần lượt là 400% và 328% (tương ứng đạt 64 triệu USD và 48 triệu USD). Dưới tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, nguồn cung một số loại phân bón bị ảnh hưởng (bởi Nga là thị trường cung cấp số 1 về phân đạm, số 2 về phân lân và kali). Điều này đã kéo theo giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xuất khẩu.

Về nhập khẩu, 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Philippines đạt 1,8 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm điện tử, nguyên liệu. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 1,1 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng duy nhất vượt mức 1 tỷ USD.

Các mặt hàng khác cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, cụ thể kim loại tăng tới 38%, đạt 135 triệu USD; phân bón tăng 27%, đạt 13 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%, đạt 183 triệu USD. Riêng đối với mặt hàng chất dẻo nguyên liệu và phế liệu sắt thép lại giảm lần lượt 7% và 40%.https://flo.uri.sh/visualisation/11228843/embed

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Công Thương Philippines Alfredo E. Pascual giữa tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đã góp phần giúp nước bạn đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời giúp tăng thu nhập cho người nông dân Việt Nam.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại đang gặp khó khăn về thủ tục nhập khẩu cũng như phía cơ quan chức năng của Philippines còn trì hoãn trong việc cấp Giấy phép kiểm dịch thông quan nhập khẩu (SPS-IC). Trước ý kiến trên, phía Philippines cho biết sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp của Philippines để giải quyết các vấn đề gây khó khăn trong việc giao thương giữa 2 nước.

Về kế hoạch dài hạn, Philippines mong muốn hợp tác với Việt Nam để sản xuất những sản phẩm có độ phức tạp cao. Theo đó, mỗi bên sẽ chuyên về những sản phẩm linh kiện và công đoạn sản xuất phù hợp với năng lực và thế mạnh của mỗi nước để nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của mỗi nước trong các chuỗi giá trị.

Việt Nam và Philippines đều thống nhất sẽ phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp sang làm việc, tìm hiểu thị trường và các cơ hội hợp tác cụ thể, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại để giới thiệu các mặt hàng xuất nhập khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện để các mặt hàng mỗi bên có lợi thế thâm nhập nhiều hơn vào thị trường nước bên kia.

Lê Hồng Nhung

Bình Luận