14-11-2222 . bởi Phạm Tâm

Tiêu chuẩn là con đường doanh nghiệp bắt buộc phải đi qua

“Nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng mình có hàng hóa tốt thì mình bước vào được thị trường thế giới, nhưng hóa ra lại chẳng qua nổi “vòng gửi xe””, Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nói tại chuyên đề thảo luận Kinh doanh tạo tác động xã hội – hướng đến mô hình phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững do Viện Social Life tổ chức.
Ảnh minh họa

Theo bà Hạnh, đó chính là lý do cần thiết phải xây dựng những tiêu chuẩn chứng nhận. Thông qua đạt được tiêu chuẩn này, thị trường mới có thể nhìn nhận những nỗ lực của doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh sao cho tốt, hàng hóa, dịch vụ cung cấp có đủ chất lượng, an toàn với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự việc vừa qua khi một loạt mặt hàng rau được bán trong siêu thị lớn lại bị phát hiện là đang sử dụng chứng nhận VietGAP giả, đã phần nào làm “tổn thương” niềm tin của người tiêu dùng. Và “con sâu làm rầu nối canh”, người tiêu dùng lại quay ra nghi ngờ các thương hiệu đạt chứng nhận khác, bao gồm cả những thương hiệu rất “chuẩn chỉ”.
Bà Hạnh nhận xét, đây là tâm lý khá phổ biến của một bộ phận người Việt, là tìm cách giải quyết theo hướng “đối phó”. Khi được yêu cầu phải đạt chuẩn chất lượng, thay vì thay đổi mô hình, nâng cao trách nhiệm, một số doanh nghiệp lựa chọn cách “chạy chọt”, mua chứng nhận. Những doanh nghiệp kể trên đã hiểu sai về tiêu chuẩn, nghĩ rằng đó là một cái tài sản gì đó có thể mua được. Thực tế, tiêu chuẩn là con đường doanh nghiệp bắt buộc phải đi qua.

“Thông qua thực hành những tiêu chuẩn, doanh nghiệp học được cách thực hành quy trình sao cho đảm bảo ổn định, kỷ luật trong sản xuất, từ đó xây dựng được niềm tin với khách hàng”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy của doanh nghiệp không phải điều đơn giản, thay đổi suy nghĩ của người dân lại càng khó khăn hơn. Đó cũng chính là thách thức trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, đặc biệt là trong nông nghiệp, khi người nông dân đã quen với phương cách canh tác, sản xuất cũ. Việc áp dụng những chuẩn ngặt nghèo về đất đai, nguyên liệu, nguồn nước, phân bón khiến bà con cảm thấy lúng túng.

Thậm chí, có người còn nói: “Tôi làm nông kinh nghiệm mấy chục năm nay vẫn như vậy, có làm sao đâu mà phải thay đổi, phải bày ra đủ thứ khó khăn”!

Theo bà Hạnh, canh tác nông nghiệp không tuân theo các tiêu chuẩn đồng nghĩa với việc người nông dân “sẽ mãi bị chèn ép”, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Rồi những nỗi đau bị ép giá, câu chuyện “được mùa mất giá” lại tiếp diễn, không biết đến khi nào mới có hồi kết.

Ảnh minh họa
Người dân đến phiên chợ Xanh – Tử tế đổi chai nhựa lấy rau sạch/ Nguồn ảnh baodantoc&phattrien

Một trong những bí quyết của bà Hạnh là tạo ra sự kết nối giữa những người nông dân, theo các nhóm như thực phẩm, trái cây, rau, cá… Các thành viên trong nhóm tương tác và hỗ trợ lẫn nhau và hoạt động “duy tu bất tận”. Nhờ đó, chất lượng nông sản ngày càng đi lên, sinh kế của bà con cũng được đảm bảo một cách bền vững.

Đây cũng chính là lý do trong số khoảng gần 200 doanh nghiệp HVNCLC – Chuẩn hội nhập, có đa số là doanh nghiệp làm về thực phẩm và nông sản. Hội doanh nghiệp HVNCLC thực hiện các công việc từ đưa ra yêu cầu cho đến hướng dẫn thực hiện, sau đó thẩm định và cấp chứng nhận cho doanh nghiệp. Trong suốt quá trình đó, bà Hạnh cùng đội ngũ Hội doanh nghiệp HVNCLC cũng luôn đồng hành với những người nông dân, là người trực tiếp phải thực hành nhiều tiêu chí. Hướng dẫn, đào tạo thôi chưa đủ, bà Hạnh tổ chức nhiều hoạt động như Phiên chợ xanh tử tế cuối tuần tại TP.HCM để kết nối người nông dân với người tiêu dùng, đưa người nông dân đi tham gia hội chợ quốc tế để học hỏi kinh nghiệm của các nước…

Lâm Nghi

Bình Luận