“TMĐT không phải là xu hướng mà là bắt buộc với doanh nghiệp”
Một bạn trẻ tên Thư đã xây dựng và bán nhiều sản phẩm về bánh tráng, muối tôm Tây Ninh ở trong nước và toàn cầu với website Tanisa. Một bạn trẻ khác tên Trúc Phương kinh doanh thành công trên thương mại tử với shopgiayxinhtp. Việc kinh doanh này đem về thu nhập từ 400 – 500 triệu/ tháng cho hai bạn trẻ trên.
Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Minh Đức – CEO IM Group – Trainer Google trong chương trình Livestream với chủ đề: “Xây dựng nền tảng kinh doanh thương mai điện tử (TMĐT) đa kênh thành công cùng doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao”, do BSAS với Chương trình HVNCLC – Chuẩn hội nhập tổ chức vào sáng ngày 10/8/2021.
Tại đây, diễn giả Minh Đức chia sẻ về nhiều nội dung, như: Tổng quan về TMĐT Việt Nam trong năm 2021; Các kênh TMĐT hiệu quả hiện nay, ưu nhược điểm của từng kênh; Lựa chọn chiến lược phù hợp để triển khai đối với từng sản phẩm; Các phương pháp và lưu ý để triển khai xây dựng Website, Fanpage Facebook, sàn TMĐT, kênh Youtube, Google Map,…
Quay lại thành công của hai bạn trẻ Thư và Trúc Phương, điểm chung là họ bên cạnh việc xây dựng một website hoàn chính, họ còn có các kênh youtube, facebook và có các gian hàng trên những trang TMĐT toàn cầu, từ Alibaba, Amazon,… Họ nhắm đến nhiều kênh vì có những kênh bán lẻ và bán sỉ khác nhau, với lượng khách hàng khác nhau.
“Và họ vẫn xuất đều đều hàng container đi thế giới bằng TMĐT đa kênh như thế”, ông Đức chia sẻ.
Doanh thu đến từ đa kênh
Thực tế theo ông Đức, doanh thu đến từ nhiều nguồn thì dòng tiền phân phối trên nhiều kênh. Cụ thể như, hiện nay website sẽ chiếm khoảng 40% doanh thu, các trang TMĐT chiếm khoảng 35% doanh thu, và mạng xã hội chiếm khoảng 25% doanh thu.
Và có một thực tế rằng, có khoảng 70% người mua hàng online là mua ban đêm, vì thế hệ thống nền tảng của doanh nghiệp phải đảm bảo vận hành tự động được các giao dịch đặt hàng, thanh toán, giao hàng… bất kể ngày đêm.
“Nghĩa là TMĐT đa kênh nó không giới hạn về thời gian, không gian, giúp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mà không cần ra ngoài đường”, ông Đức nói.
Từ đây, chuyên gia Nguyễn Minh Đức cho rằng, kinh doanh trên môi trường số, quan trọng phải làm được digital business, digital marketing. Trong đó phải xây dựng kênh sở hữu, để truyền tải thông điệp cần định vị. Tiếp theo là phải lên top từ khóa thương hiệu và PR. Sau đó đến việc chạy chiến dịch bán hàng và đo lường.
Xây dựng nội dung nhất quán trên các kênh bán hàng
Khi làm các kênh bán hàng, theo ông Đức, mỗi kênh cần có nội dung nhất quán, thông điệp thương hiệu chung, khác biệt, để truyền tải lên các kênh mình có. … điều này sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng, giúp người dùng nhớ đến doanh nghiệp, sản phẩm. Như thế, khi khách hàng tìm kiếm sẽ thấy nhiều thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm họ tin tưởng và khả năng mua hàng sẽ cao.
“Ở đây có thể sử dụng những người nổi tiếng để thêm tương tác mua hàng”, ông Đức nhấn mạnh.
Việc có đa kênh giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều, khi một trong những kênh trên bị khóa hay sự cố, có các kênh khác để khách hàng, người dùng tìm đến.
Trong đó, kênh mang đến cho doanh nghiệp đơn hàng nhanh và nhiều là kênh do chính doanh nghiệp sở hữu, kênh kênh bán sở hữu ra đơn chậm hơn.
Vì thế, ông Đức cho rằng, doanh nghiệp, cá nhân nên xây kênh sở hữu hoàn toàn trước, sau đó mới phát triển kênh bán sở hữu. Hai kênh này cần nhất quán về thương hiệu và tìm cách điều hướng khách về kênh sở hữu của doanh nghiệp.
Một lưu ý nữa mà ông Đức cho rằng quan trọng không kém, bán hàng trên TMĐT doanh nghiệp cần có những đường dẫn chỉ về website của mình trên từng sản phẩm, khung hình…
“Cho nên xây dựng website là việc rất quan trọng, cần làm trước rồi mới đến những thứ khác”.
Sau đó cần làm hạ tầng lưu trữ khách hàng. Dùng phần mềm bán hàng, hoặc hệ thống CRM hay ERP… để lưu trữ thông tin khách hàng mua. Doanh nghiệp có thể dùng một số phần mềm là Sapogo, kiotviet… Những phần mềm này có thể kết nối với website, trang facebook hay các trang TMĐT… Không nên dùng google trang tính để lưu.
Ông Đức khuyên, khi doanh nghiệp nhỏ dùng phần mềm bán hàng, khi đã phát triển lớn hơn nên dùng CRM, ERP…
Ông Đức cho hay, nên xây dựng Website trước rồi đến kênh youtube. Trong đó, khi làm các video cần nhúng link chỉ về website, sản phẩm … sau đó mới tới làm facebook…
Cũng theo ông Đức, việc xây dựng bán hàng đa kênh tốn rất ít chi phí của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không đủ người làm, có thể thuê các đơn vị dịch vụ bên ngoài.
Theo thống kê, trong mùa dịch Covid-19, thực phẩm thiết yếu và những đồ dùng trong gia đình tăng mạnh – tăng 45,9%. Người mua trên TMĐT đa phần là nhân viên văn phòng, độ tuổi mua sắm nhiều là từ 35 – 45 tuổi. Đây là những người đã lập gia đình và có ảnh hưởng lớn đến việc chi tiêu trong gia đình…
Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp thì mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng. Trên TMĐT hiện nay bán luôn rau, thịt, cá… Điều đặc biệt, những gì người dùng mua trên TMĐT thành công, họ sẽ rất ít mua offline. Do đó, nếu doanh nghiệp không chịu thay đổi bằng TMĐT thì họ sẽ mất rất nhiều khách hàng.
“Nên không thể coi TMĐT là xu hướng mà phải là bắt buộc cần làm với doanh nghiệp”, ông Đức khẳng định.
Bình Luận