13-04-2121 . bởi Phạm Tâm

Chuyến tàu lượn siêu tốc đưa socola Việt ghi dấu bản đồ thế giới

Hạn hán tạo nên vị chua gắt, trong khi mùa mưa lớn tạo nên hương vị trái cây hoặc nét trầm ấm thường thấy. Đó là cách mà sản phẩm socola này gây ấn tượng ngay từ lần đầu tiên nếm thử.

Cửa hàng Socola Marou tại Hà Nội

Nhắc đến socola, người ta thường nghĩ đến những thương hiệu đến từ các quốc gia tiên tiến ở xứ lạnh như Bỉ, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Đức… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, socola Marou của Việt Nam đang là cái tên nổi tiếng toàn cầu.
Socola Marou được nhắc đến trên nhiều tờ báo hàng đầu thế giới như The New York Times, Forbes… Những thanh socola đen thương hiệu Marou được bày bán rộng rãi và giành được cảm tình của người tiêu dùng, ngay cả tại những thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, thậm chí còn được bình chọn là loại socola ngon nhất thế giới.
* Những thanh socola ngon nhất thế giới
Hạn hán tạo nên vị chua gắt, trong khi mùa mưa lớn tạo nên hương vị trái cây hoặc nét trầm ấm thường thấy. Ngoài ra, quá trình lên men hạt một cách “tự nhiên có kiểm soát” cũng mang lại những bất ngờ thú vị. Đó là cách mà socola Marou gây ấn tượng với bất kỳ thực khách nào ngay từ lần đầu tiên nếm thử.
Được sản xuất từ những hạt cacao trồng tại Việt Nam, socola Marou được chia ra làm 5 dòng sản phẩm dựa theo hương vị và địa điểm trồng loại cacao sản xuất ra socola ấy cùng tỷ lệ tinh khiết: Tiền Giang 70%, Đồng Nai 72%, Lâm Đồng 74%, Bà Rịa 76% và Bến Tre 78%. Tất cả đều là socola đen (nguyên chất) và không hề pha thêm phụ gia hay hương liệu khác.
“Mỗi hạt cacao trồng tại vùng miền khác nhau lại cho hương vị khác nhau”, nhà sáng lập Marou Samuel Maruta chia sẻ.

5 loại hạt cacao tạo nên 5 loại socola đặc trưng của thương hiệu Marou. Ảnh: Marou

Theo Samuel Maruta, điều đặc biệt ở Việt Nam là đa dạng địa hình, khí hậu, bởi vậy những hạt cacao trồng tại khu vực khác nhau sẽ cho ra những hương vị khác nhau và mang đặc trưng hương vị của loại cacao trồng tại vùng đất đó, phản ánh hương vị của thổ nhưỡng địa phương, bao gồm cả đặc điểm địa hình và thời tiết.
Đây có lẽ là một trong những yếu tố chính giúp sản phẩm thuần Việt này được trang web chuyên về du lịch Tripadvisor.com bình chọn là “Loại socola ngon nhất Thế giới” (The best chocolate in the world). Trong khi đó, tạp chí National Times gọi Maison Marou (Quán cà phê và cũng là cửa hàng chính của Marou) là “Quán cà phê của loại socola ngon nhất thế giới”.
Đặc biệt, Tạp chí The New York Times danh giá của Mỹ đã ưu ái dành cho Marou một bài báo với tiêu đề: “Loại socola ngon nhất mà bạn chưa bao giờ được thử” (The best chocolate you’ve never tasted).
Trong đó, bài viết nhận định: “Socola của Marou có tính phức tạp và biến đổi đặc biệt, bởi vì không giống như hầu hết các nhà sản xuất socola, họ có thể tạo ra chúng từ các loại hạt mà họ lựa chọn tại nguồn cung. Điều này có nghĩa họ kiểm soát tất cả mọi thứ, từ nông trại cho đến thành phẩm”.

Socola Marou trên báo chí quốc tế. Ảnh: Marou

Năm 2013, socola Marou 70% đã giành huy chương Bạc, socola Marou 78% giành huy chương Đồng tại Lễ trao giải thường niên của Viện Hàn lâm Socola Anh (British Academy of Chocolate).
Dù mới chỉ ra mắt từ năm 2011 nhưng thương hiệu Marou đã nhanh chóng làm chao đảo thị trường socola quốc tế, sánh ngang với những thương hiệu socola lâu đời như Lindt & Sprungli (Thụy Sỹ), Godiva (Mỹ), Ferrero Rocher (Italia), Thorntons (Anh), Puccini Bomboni (Hà Lan), Guylian (Bỉ), Hershey’s (Mỹ), Neuhaus (Bỉ), Richart (Pháp), Teuscher (Thụy Sỹ)…
* Định vị thương hiệu cao cấp
Câu chuyện thành công của thương hiệu Marou là một cuộc hành trình hoàn toàn ngẫu nhiên, được tạo nên bởi chính sự tôn trọng tính nguyên bản.
Được biết, Marou là một trong những doanh nghiệp sản xuất socola “bean to bar” (nhà sản xuất thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt cacao đến khi xuất xưởng thanh socola) đầu tiên ở châu Á và là một trong số ít trên thế giới sản xuất socola nguyên chất ngay tại địa phương trồng cacao.

Công nghệ bean-to-bar của Marou. Ảnh: Marou

Công nghệ này vừa mới lại vừa không mới, bởi socola thì vẫn luôn được làm từ hạt ca cao nhưng theo thời gian, để tiết kiệm chi phí, rất ít công ty socola còn sản xuất socola trực tiếp từ các hạt cacao. Họ thường mua lại socola làm sẵn từ các công ty gia công hoặc xuất khẩu, rồi nấu chảy ra, pha thêm hương liệu và chế biến thành sản phẩm socola của mình.
Marou xử lý hạt cacao với kỹ thuật rang lâu tại nhiệt độ không quá cao để có thể truyền đạt được hương vị thổ nhưỡng cũng như nỗ lực tạo ra sản phẩm thủ công đặc biệt này.
Kể đến Marou bên cạnh hương vị được xếp vào hàng “tuyệt phẩm” thì không thể không nhắc đến bao bì đầy tính nghệ thuật. Hai ông chủ của Marou là Samuel Maruta và Vincent Mourou rất quan tâm tới bao bì sản phẩm.
“Chúng tôi đầu tư rất nhiều trong khâu thiết kế, không chạy theo giá rẻ mà hướng tới những sản phẩm cao cấp. Chính cách làm trái khoáy này là điều khiến chúng tôi nổi bật”, ông Maruta cho hay.
Lấy cảm hứng từ chính những gì bình dị nhất, đó là lá và hạt cacao, cùng với những họa tiết vân mây tượng trưng cho văn hóa dân gian cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam, những thiết kế bao bì của Marou thường có hoạ tiết đơn giản mà độc đáo.
Để bao bì mang dấu ấn riêng, những nhà thiết kế đã sử dụng giấy in tay thủ công từ các nghệ nhân ở chợ Lớn còn các họa tiết được in lụa theo phương pháp truyền thống với màu vàng cổ sang trọng. Có tổng cộng 5 mẫu bao bì cho 5 dòng sản phẩm của Marou, với các màu vàng, đỏ, xanh da trời, xanh lá cây, tím than. Đây là những màu sắc của những hạt cacao.

Thiết kế bao bì ấn tượng của socola Marou. Ảnh: Marou

Chính thiết kế độc đáo và bao bì thủ công chất lượng cao đã mang lại cho Marou cảm giác sang trọng, yếu tố không nhỏ giúp thương hiệu này thành công trên trường quốc tế.
Ông Maruta cho biết: “Đơn hàng đầu tiên chúng tôi có được là từ La Grande Epicerie de Paris, một trong những cửa hàng thực phẩm uy tín nhất ở Pháp. Những mẫu thiết kế đã đóng góp một phần rất lớn. Họ đã liên hệ với chúng tôi ngay sau khi nhìn thấy các mẫu giấy gói”.
“Bao bì của Marou rất nghệ thuật”, Dmitry Minkov, ông chủ của Hello Chocolate!, một nhà cung cấp socola chất lượng cao ở Singapore, đánh giá. “Mọi người thường chọn mua socola làm quà tặng, đó là lý do vì sao họ lại chú ý đến bao bì. Ngoài ra, chất lượng của sản phẩm cũng quan trọng, tuy nhiên, khách hàng thường để ý tới bao bì nhiều hơn vì nó trông đắt tiền nhưng giá lại phải chăng. Và Marou nổi tiếng vì loại bao bì này”.
* Điều ít biết về “cha đẻ” của Marou
Marou được sáng lập bởi Samuel Maruta – một người Pháp gốc Nhật và Vincent Mourou-Rochebois – một người đàn ông Pháp từng sống tại Pháp, Mỹ và Anh. Trong khi Samuel Maruta đã từng đến Việt Nam vào năm 1996, khi anh còn là sinh viên và sau đó cũng đã quay trở lại Việt Nam làm việc, thì mãi đến đầu năm 2011, Vincent Mourou mới đặt chân đến Việt Nam trong một chuyến du lịch Đông Nam Á, qua ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hai nhà sáng lập socola Marou. Ảnh: Marou

Thông thường, những nhà sáng lập của các thương hiệu socola lớn trên thế giới đều xuất phát từ những gia đình có truyền thống trong lĩnh vực socola hoặc đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm. Ví dụ, hãng socola Lindt & Sprungli được thành lập từ năm 1836 bởi gia đình Sprungli có truyền thống trong nghề sản xuất bánh kẹo ở Zurich. Thương hiệu Ferrero Rocher thì được sáng lập bởi một đầu bếp người Italy nổi tiếng có tên là Michele Ferrero.
Tuy nhiên, cả Samuel Maruta lẫn Vincent Mourou đều chưa từng làm việc trong lĩnh vực nào liên quan đến socola và không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến trước năm 2011. Vincent Mourou khi ấy nung nấu ý định từ bỏ sự nghiệp quảng cáo đang trên đà đi lên ở San Francisco hoa lệ để tới Việt Nam “tìm lại bản thân”, còn Samuel Maruta đang là một giám đốc ngân hàng.
Khi gặp nhau vào năm 2011, hai người đàn ông ngoại quốc này cùng bị ấn tượng bởi cách người nông dân trồng cacao ở đồng bằng sông Cửu Long, đã nảy ra ý tưởng theo đuổi một dự án kinh doanh mới.
Trên chuyến phà trở lại TP.HCM, họ quyết tâm gây dựng nên công ty tên là Marou, Faiseurs de Chocolat. Một chiếc máy xay sinh tố, lò nướng và vài hộp thiếc đựng bánh quy trong nhà bếp của Maruta là nơi họ khởi đầu thương hiệu socola Marou. Cái tên Marou được cấu thành từ hai người sáng lập, đó là “Ma” trong Maruta và “rou” trong Mourou.
Kể lại hành trình khởi nghiệp của Marou, anh Vincent Mourou thú vị chia sẻ: “Làm socola tại Việt Nam lên xuống thất thường như trên một chuyến tàu lượn siêu tốc”.
Ban đầu rất nhiều người nói hai nhà sáng lập bị điên. Họ cho rằng người Việt Nam thích dùng sữa, dùng trà chứ không thích thứ đắng đắng như chocolate. Tuy nhiên, Samuel Maruta và Vincent Mourou vẫn nhìn thấy tiềm năng và cơ hội lớn của ngành này vì Việt Nam sở hữu vùng trồng cacao rất lớn và họ thực sự muốn làm điều gì đó khác biệt.

Cửa hàng socola Marou tại TP.HCM. Ảnh: Marou

Cách đây khoảng 10 năm, một làn sóng mới trong giới sản xuất socola đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của mọi người. Thay vì đi theo con đường “nhàm chán” là nấu chảy những khối socola công nghiệp để làm thành những viên kẹo lấp lánh đánh lừa thị giác, thì những nhà tiên phong mong muốn tìm lại giá trị cốt lõi vốn có của một thanh socola. Cách duy nhất để làm được điều đó là đi từ các nguồn nguyên liệu thô là hạt cacao và đường. Ngoài ra không có gì khác hơn…”, anh Vincent Mourou nói.
Kết quả là thị trường trong nước và quốc tế đã nhiệt tình đón nhận sự xuất hiện của socola Marou Việt Nam. Tính từ thời điểm năm 2011 khi Marou giới thiệu ra thị trường thanh socola đầu tiên tới nay, doanh thu của Marou tăng trưởng không ngừng. Chỉ sau năm đầu tiên ra mắt, Marou đã vươn mình trở thành startup triệu đô.
Nguồn cung cũng ngày càng được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu./.

Nguồn: BNEWS

Bình Luận