26-01-2222 . bởi Phạm Tâm

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, ‘chiều’ thị trường EU thế nào cho đúng?

Hiệp định EVFTA tạo ra cơ hội lớn cho nông sản Việt. Tuy nhiên, tận dụng đúng cách những lợi ích từ FTA này vẫn còn là bài toán ngành nông nghiệp cần lời giải.

Vẫn “hời hợt” với các quy định

Theo bà Nguyễn Minh Liên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamex đánh giá, EU là thị trường lớn với những tiêu chuẩn, quy định rất khắt khe. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, người dân khi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường này vẫn có sự “hời hợt” với các quy định.

Trong đó, nổi bật lên là các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phạm những lỗi cơ bản về bao bì đóng gói và không tìm đúng đối tác.

Cụ thể, bà Liên giải thích, quy trình của EU là thực hiện hậu kiểm. Theo đó, hàng hoá nhập khẩu sẽ được vào hệ thống phân phối trước, sau đó, cơ quan chức năng mới đi lấy mẫu và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tôm của Việt Nam đặc biệt có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường EU. Ảnh: LHV.
Tôm của Việt Nam đặc biệt có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường EU. Ảnh: LHV.

“Trường hợp không đạt tiêu chuẩn, hàng hoá bị thu hồi, tiêu huỷ hoặc gửi trả lại nhà sản xuất. Trong hợp đồng, nhà nhập khẩu EU thường yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Và thực tế, không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải chịu phạt, mất thêm chi phí do sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

“Doanh nghiệp cũng thường gặp những lỗi rất cơ bản, bao bì không hiển thị đủ thông tin bằng ngôn ngữ theo quy định, buộc phải quay về hoặc bán rẻ sang các thị trường khác. Lưu ý, khi xuất khẩu hàng qua EU, doanh nghiệp trong nước phải làm việc kỹ với nhà nhập khẩu về nhãn hàng, chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, kiểm tra hợp đồng… tránh thất thoát và thiệt hại cho các bên”, bà Nguyễn Minh Liên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamex.

Cũng theo nhận định của giới chuyên môn, Bỉ là một thị trường quan trọng, “cửa ngõ” của hàng Việt Nam nói chung, nông sản nói riêng vào EU. Do đó, những tồn tại, hạn chế nói trên cần phải được khắc phục sớm, nếu không toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sở dĩ Bỉ được coi là cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực EU là do có hệ thống cảng biển thuận lợi.

Hiện tại, Bỉ hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU, trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 3 tỷ euro/năm theo số liệu từ phía EU.

“Với hệ thống giao thông, cầu cảng hiện đại cùng ví trí thuận lợi Bỉ trở thành cánh cửa thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông, thuỷ sản thâm nhập thị trường EU”, bà Thủy nhấn mạnh.

Tăng cường tìm hiểu các thị trường còn nhiều dư địa

Theo ông Phạm Văn Công, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hungary cho hay, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam sang Hungary hiện vẫn thấp. Tuy nhiên, thị trường này còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng kim ngạch.

Ông Công dẫn chứng, mặt hàng cà phê chế biến của Việt Nam mới chỉ chiếm 12,6% thị phần tại Hungary, trong khi nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng này khoảng 30-50 triệu USD/năm.

Với mặt hàng gạo, nhu cầu tại thị trường Hungary là 40 triệu USD/năm, gạo Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ, chỉ 0,5%. Hạt tiêu, nhu cầu thị trường là 5 triệu USD/năm, Việt Nam hiện chiếm 18,7% thị phần tại quốc gia này.

Tuy có nhiều dư địa phát triển nhưng việc giao thương giữa Việt Nam – Hungary cũng gặp không ít bất lợi. Điển hình khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Hungary quá xa, trong khi Hungary không có cảng biển.

Nhu cầu nhập khẩu cà phê của Hungary khoảng 30-50 triệu USD/năm.
Nhu cầu nhập khẩu cà phê của Hungary khoảng 30-50 triệu USD/năm.

Hàng hoá trước khi sang đến Hungary đều cập cảng tại một số nước EU như Đức, Hà Lan sau đó đưa vào Hungary bằng đường bộ dẫn đến chi phí cao hơn. Thuế VAT tại Hungary cũng rất cao, tới 27% cũng là một trong những thách thức đáng kể cho nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Nhận định thêm về những khó khăn, ông Dương Đắc Dàng, Giám đốc Công ty Vimexco Import-Export Kft cho hay, đầu tiên là nông sản Việt Nam có giá thành cao nhưng chất lượng khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, việc chưa có nhãn hiệu, thương hiệu cũng khiến các mặt hàng của Việt khó được nhận diện.

Vì vậy, để hàng hoá Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hungary, doanh nghiệp cần điều chỉnh khẩu vị, tìm hiểu thị trường, đầu tư nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo các quy định về chất lượng, quy cách đóng gói, ngôn ngữ thể hiện trên bao bì mới có thể tiêu thụ.

Cùng với các loại rau gia vị, người tiêu dùng Hungary đang chuyển mạnh từ tiêu dùng sản phẩm chế biến từ bột mỳ có hàm lượng đường cao sang sản phẩm có lượng đường thấp như một số loại gạo, hạt điều. Đây là những mặt hàng có khả năng thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Hungary.

Ngoài ra, khi bắt tay với nhà phân phối hàng hoá tại Hungary, doanh nghiệp trong nước phải đảm bảo nguồn cung liên tục, chất lượng ổn định và có thông điệp xuyên suốt tới khách hàng.

Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tránh bị điều tra, kiện tụng

Ông Trần Ngọc Quân, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nêu số liệu, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của EU là 24,5kg/người/năm. Hàng năm, khối thị trường này nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD giá trị từ ngoại khối.

Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ xoá bỏ 86,5% kim ngạch trong vòng 3 năm và 90,3% trong 5 năm và 100% trong vòng 7 năm đối với thuỷ sản Việt Nam. EU cũng cấp hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ và 500 tấn cá viên cho Việt Nam.

Trong nhóm hàng thuỷ sản, tôm của Việt Nam đặc biệt có thế mạnh, EVFTA giúp tôm sú, tôm thẻ đông lạnh từ mức thuế 4,2% theo GSP về 0%. Điều này giúp tôm Việt Nam chiếm lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trước mặt hàng cùng loại đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador (chịu thuế 12%), kể cả Ấn Độ và Indonesia (chịu thuế 4,2%).

Với ngành hàng rau quả và các loại nông sản khác như cà phê, điều, gạo… dù thị trường EU có nhu cầu lớn nhưng yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về khâu bảo quản.

Do đó ông Trần Ngọc Quân lưu ý, khi xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng 2 quy định là Luật Thực phẩm chung và quy định luật hạn chế các hoá chất và chất gây ô nhiễm tồn dư.

Ảnh có tính chất minh họa
Ảnh có tính chất minh họa

Riêng với quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm (MRL), mức giới hạn là 0,01mg/kg. MRL thay đổi theo các hoạt chất khác nhau, sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến cũng khác nhau. Một số nước như Đức, Áo, Anh, Hà Lan, Bỉ áp dụng mức MRL chặt chẽ và cao hơn quy định của EU.

“EVFTA là một lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khi tiếp cận thị trường EU. Cơ hội là rất lớn, doanh nghiệp Việt Nam phải tự ý thức làm ăn bài bản, thiết lập quan hệ bền vững, đồng thời không nên tham gia vào các hành vi gian lận thương mại, chuyển tải hàng hoá để các quốc gia khác trục lợi từ EVFTA”, ông Quân khuyến cáo.

Nói thêm về sự “khó tính” của thị trường EU, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh thêm, đến hết năm 2021 đã có 209 vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ của các nước nhắm vào hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Bà Giang nêu một số trường hợp điển hình, gần đây nhất, vào khoảng giữa tháng 10/2021, Cơ quan y tế Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong lô hàng mướp đắng của Công ty TNHH SAKA SAKA xuất khẩu sang thị trường EU. Đồng thời, Tây Ban Nha phát hiện chất cấm profenofos (ngoài chất chlorpyrifos ethyl) cũng của Công ty TNHH SAKA SAKA.

Cơ quan y tế Ý phát hiện chất sulphite không khai báo đối với lô hàng giáp xác và hải sản xuất khẩu của Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu.

Cơ quan y tế Na Uy và Pháp phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập khẩu từ Việt Nam.

“Thời gian các nước thông báo điều tra rất ngắn trong khi doanh nghiệp phải nộp rất nhiều thông tin để phục vụ điều tra. Vì vậy, để ứng phó hiệu quả thì công tác cảnh báo càng sớm, càng chi tiết càng tốt.

Do đó, bước đầu, công tác cảnh sớm đã đạt được những hiệu quả nhất định, bảo vệ được lợi ích của hàng hóa của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở sự chủ động, không e ngại, né tránh của các doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước cũng đã làm khá tốt và có ngân sách, bộ phận để làm về công tác phòng vệ thương mại”, bà Giang cho hay.

P. NGUYỄN

Bình Luận