Dừa Việt Nam lần đầu góp mặt tại siêu thị lớn nhất Australia; các FTA trợ lực cho xuất khẩu cà phê
Dừa Việt Nam lần đầu góp mặt tại siêu thị lớn nhất Australia
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, trong hơn 2 năm trở lại đây, Thương vụ đưa mặt hàng dừa vào danh sách trọng điểm xúc tiến với chủ trương thúc đẩy cả chuỗi sản phẩm của ngành dừa nhằm hỗ trợ gia tăng giá trị, qua đó phần làm giá dừa Việt Nam cạnh tranh hơn, hiện diện thường xuyên tại Australia.
Thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy: 5 tháng năm 2022, xuất khẩu xơ dừa vào Australia tăng trưởng tới 272% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Australia giảm nhập khẩu mặt hàng này lên đến 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Với mặt hàng dừa, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, quả dừa tươi Việt Nam đã hiện diện tại Australia ngay cả trong mùa Đông.
Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia liên tục làm việc với các nhà nhập khẩu, xuất khẩu để vừa vận động nhập khẩu vừa hỗ trợ quảng bá tại Australia. Hiện nay, nhiều thương hiệu quả dừa tươi Việt Nam đã tiếp cận thị trường Australia tùy từng thời điểm như: Mekong, VietAsia, 4waysfresh, batoausale, Cocosmile (An Việt), AusAsia..,
Các sản phẩm nước dừa đóng hộp được Thương vụ đặc biệt chú ý để đẩy mạnh quảng bá. Về tổng thể cạnh tranh, qua khảo sát dùng thử, vị nước dừa tươi Việt Nam khác với vị nước dừa của một quốc gia đang bán tại Australia.
Thương vụ đã thống nhất các nhà nhập khẩu đẩy mạnh quảng bá hương vị nước dừa Việt Nam có mùi vị tự nhiên như một loại nước uống trong lành từ thiên nhiên và tốt cho sức khỏe, đặc biệt người tập thể thao.
Các thương hiệu nước ngoài đã tìm đến để nhập nước dừa Việt Nam đưa vào các siêu thị lớn nhất tại Australia, kể cả siêu thị nông sản danh giá Harris farm. Tại thời điểm hiện tại có thể tìm thấy các nhãn hàng: Vico fresh, Cocosoul organic, RawC, Chef’s choice,.. với dòng chữ “Sản phẩm của Việt Nam” phía sau. Đặc biệt, nước dừa đóng hộp Cocoxim, một nhãn hiệu của Việt Nam đang được nhà phân phối đánh giá cao.
Thách thức trong xuất khẩu quả dừa tươi, nước dừa cũng như các sản phẩm từ dừa khác sang Australia được Thương vụ Việt Nam tại Australia chỉ ra là khó vận chuyển và tỷ giá đồng tiền Australia so với đồng USD giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Các FTA trợ lực cho xuất khẩu cà phê
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.261 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Philippines, Algeria giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh tăng trưởng 3 con số; xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Nga, Anh tăng trưởng 2 con số.
Đáng chú ý, theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu cũng đang giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc.
Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến đang được nâng lên đáng kể, điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt không còn quá quan trọng đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng.
Vicofa cũng nhận định, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Cùng với việc chú trong chất lượng, gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, việc tham gia các hiệp địnhthương mại tự do (FTA) giúp “trợ lực” cho ngành hàng này. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Trong Top 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã có 5 nước thuộc khối EU, chiếm 35,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, trong đó xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh ghi nhận tăng trưởng ba con số.
Ngoài yếu tố cung – cầu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đóng góp không nhỏ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU.
“Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Bởi, cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây. Mặt khác, lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này”, Vicofa đánh giá.
Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Riêng với thị trường Anh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực mang lại nhiều triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường này.
Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đến nửa tháng 8, cả nước xuất siêu 1,39 tỷ USD
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, đến nửa đầu tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 464,13 tỷ USD. Cả nước xuất siêu 1,39 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 15,13 tỷ USD, giảm khoảng 7%, tương đương 1,13 tỷ USD so với nửa cuối tháng 7/2022.
Cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 8 thâm hụt hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến 15/8, cả nước vẫn xuất siêu 1,39 tỷ USD.
Đánh giá về kết quả xuất nhập khẩu và xuất siêu của cả nước, tại Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài diễn ra chiều 19/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn định:”Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với con số trên 1 tỷ USD đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: điện thoại và linh kiện (2,71 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,94 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,87 tỷ USD); dệt may (1,8 tỷ USD); giày dép (hơn 1 tỷ USD).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,24 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với nửa cuối tháng 7/2022 (tăng khoảng 1,1 tỷ USD).
Tính chung từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 464,13 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 232,76 tỷ USD, tăng 17,67% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng gần 35 tỷ USD); kim ngạch nhập khẩu đạt 231,37 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 14,1 tỷ USD).
Thời gian tới, cơ hội cho xuất khẩu sẽ đến khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu, tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo lộ trình tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm; thị phần hàng Việt Nam trong dung lượng nhập khẩu của các nước đối tác còn thấp, do vậy còn nhiều dư địa cho xuất khẩu của Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng, tạo cơ sở để tăng nguồn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới.
Hàng dệt may sang Mỹ gặp khó
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán VnDirect cho rằng lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời trang ở Mỹ.
Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách. Người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi. Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 30,9%, đạt 66,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng 6, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua. Nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.
Theo ban lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. Các doanh nghiệp lớn như TCM, STK, ADS có đủ đơn đặt hàng cho Q3/22, nhưng một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao. Trong khi đó, các đơn đặt hàng trong Q4/22 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.
Ngành dệt may còn đối diện rủi ro tỷ giá gây áp lực lên đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đến EU trong nửa cuối năm 2022.
Vân Chi
Bình Luận