Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến khi xuất khẩu vào Canada cần lưu ý điều gì?
Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến của Việt Nam lưu ý quy định mới về rác thải nhựa của Canada và có đối sách phù hợp để tránh thiệt hại đáng tiếc.
Thương vụ Việt Nam tại Canada vừa đưa ra khuyến cáo việc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến của Việt Nam cần lưu ý đến các quy định mới về rácthải nhựa của Canada; đồng thời, cần có bước chuyển đổi và đối sách phù hợp, tránh bất ngờ, bị động, gây tổn hại cho thương mại hay mất cơ hội kinh doanh hoặc mất thị phần.
Theo lộ trình, từ tháng 6/2023, Canada sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm đồ uống có ống hút và tay xách nhựa và sẽ cấm bán hoàn toàn các sản phẩm này từ 6/2024.
Mốc thời gian cấm sản xuất và nhập khẩu đối với các sản phẩm nhựa khác như túi đựng rác, nhựa trong y tế, nhựa trong mĩ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân… sẽ được Canada công bố dần.
Đây là chiến lược tổng thể của Canada nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp nhựa. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ giảm lượng khí thải Co2 trung bình 1,8 triệu tấn mỗi năm, đem lại hàng tỷ USD lợi nhuận và tạo thêm 42.000 việc làm mới.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong năm 2023, Chính phủ Canada sẽ xây dựng các quy chuẩn ghi nhãn mới liên quan đến dấu hiệu “có thể tái chế” trên sản phẩm và các quy định về ghi nhãn đối với sản phẩm nhựa có thể tự hủy.
Sau khi có quy chuẩn này, Canada chắc chắn sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc cấm nhập khẩu các sản phẩm có bao bì bằng nhựa không mang biểu tượng tái chế.
Mặc dù chưa có quy định bắt buộc về việc ghi nhãn bao bì nhựa mang biểu tượng tái chế, hiện nay, các doanh nghiệp thực phẩm chế biến Canada đã bắt đầu ráo riết thiết kế và tìm nhà cung cấp các loại bao bì thực phẩm bằng nhựa có khả năng tái chế.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, Công ty Basse, một doanh nghiệp sản xuất, đóng gói các loại hạt và mứt trái cây lớn của Canada, chuyên cung cấp hoặc gia công cho các nhãn hàng và chuỗi siêu thị lớn của Bắc Mỹ; trong đó, có Costco đã chia sẻ với Thương vụ Việt Nam về kế hoạch chuyển đổi toàn bộ bao bì của công ty vào năm 2023.
Hiện nay, Basse đã nhập khẩu hàng sơ chế từ Việt Nam và đóng gói tại Canada theo các hợp đồng gia công OEM. Basse đang tiến tới lập nhà máy tại Việt Nam và đóng gói tại Việt Nam và rất quan tâm đến khả năng thiết kế và sản xuất bao bì của Việt Nam.
Dự kiến, các yêu cầu mới đối với bao bì sản phẩm nhựa sẽ tập trung vào hàm lượng tái chế (ví dụ nhựa resin), phương pháp tái chế xây dựng theo khuyến nghị của các cơ sở tái chế ở Canada. Canada sẽ hạn chế các sản phẩm sử dụng bao bì nhiều lớp (multipackaging) nếu không cần thiết.
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ khi nhập hàng vào Canada chắc chắn sẽ đặt ra các yêu cầu này với các nhà sản xuất của Việt Nam. Vì vậy, Thương vụ khuyến khích các doanh nghiệp cùng hợp tác để phát triển theo hướng bền vững và tuần hoàn. Ngoài ra, Thương vụ sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật các thông tin mới liên quan đến các quy định này.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2012 – 2021, giá trị nhập khẩu đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến mà Việt Nam có thế mạnh đã tăng gần gấp đôi, từ mức 54 triệu USD năm 2012 lên 100 triệu USD năm 2021.
Nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), nhóm thực phẩm chế biến là một trong những sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh.
Cụ thể, đối với nhóm chè, cà phê và gia vị, mức tăng trưởng giai đoạn 2018 – 2021 là 52%; nhóm chế phẩm từ ngũ cốc (bánh tráng, bún phở miến, bột ngô, bột gạo…) có mức tăng trưởng 46,8%; nhóm hạt, mứt trái cây, nước trái cây có mức tăng trưởng 53%.
Hơn nữa, những năm gần đây, các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam đã có nhiều cải tiến, vừa đa dạng về mẫu mã, vừa phong phú về cách chế biến. Đặc biệt, đã rất chú trọng đến chất lượng, hình thức bao bì, hướng dẫn sử dụng. Thị trường Canada vì vậy khá ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ Việt Nam./.
Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Bình Luận