Sống khỏe nhờ làm lúa hữu cơ
Nhiều nông dân ở Hậu Giang đang sống khỏe nhờ tham gia sản xuất lúa hữu cơ khi môi trường sống được bảo vệ, thu nhập tăng cao và ổn định.
Hồi sinh môi trường sống
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng chuyên sản xuất lúa hữu cơ rộng gần 200ha của các xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Long (ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) vào thời điểm vụ lúa hè thu 2021 đã gieo sạ được khoảng 50 ngày, lúa đang xanh mơn mởn thì con gái. Dù ruộng mới sạ phân và phun thuốc xong chưa lâu nhưng cá, tép vẫn tung tăng bơi lội. Nghe bước chân người, lũ ếch, nhái con nhảy bõm vào ruộng lúa lặn chúi xuống bùn.
Sạ phân và phun thuốc xong cho 1,5ha của gia đình, anh Châu Thanh Tâm, xã viên HTX Tân Long, cúi xuống đường nước rửa tay, rồi nhấc chiếc lú (dụng cụ bắt cá) ai đã đặt sẵn dưới đó xem. Một mớ cá tạp đủ loại mắc trong đó, anh cười bảo: “Nhờ làm lúa hữu cơ mà môi trường sống đã được hồi sinh, các loài thủy sản không còn bị hủy diệt vì các chất hóa học độc hại nữa”.
Anh Tâm là 1 trong 81 xã viên của HTX Tân Long đã chuyển sang làm lúa theo quy trình hữu cơ được 3 năm nay. Trước đây làm theo kinh nghiệm, cảm tính, cứ nhìn màu sắc lúa rồi bón phân, phun thuốc tùy tiện. Còn làm lúa hữu cơ phải theo quy trình nghiêm ngặt, không sử dụng các chất hóa học độc hại, chất cấm, thay vào đó là sản phẩm hữu cơ, sinh học hạt gạo làm ra mới đạt chuẩn.
Anh Châu Thanh Tâm, xã viên HTX Tân Long chia sẻ: “Làm lúa hữu cơ quen rồi, có nhiều cái lợi lắm, cho cả môi trường, sức khỏe và thu nhập… nên giờ chẳng ai muốn quay lại làm theo kiểu truyền thống nữa”.
Công việc hàng ngày của Phó Giám đốc HTX Tân Long Nguyễn Văn Thích khá bận rộn, vừa lo chỉ đạo sản xuất, vừa bán buôn, bán lẻ thương hiệu gạo sạch Vị Thủy. Điều hành một tập thể có 81 thành viên, diện tích canh tác 138ha, cung cấp trọn gói vật tư đầu vào, từ giống, phân, thuốc, cuối vụ thu mua hết lúa cho bà con…
Theo ông Thích, sau 5 năm kể từ ngày thành lập năm 2013, HTX Tân Long đã định hình theo hướng làm kinh tế nông nghiệp, chuyển từ sản xuất vô cơ truyền thống sang quy trình hữu cơ. Cái dễ nhận thấy nhất khi làm hữu cơ là thân thiện mội trường.
Ông Thích phân tích: “Thứ nhất là bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân chúng tôi khi lặn lội trên đồng ruộng và bà con chung quanh. Thứ hai là người tiêu dùng rất yên tâm vì được sử dụng sản phẩm sạch theo quy trình hữu cơ”.
Chuyển từ số lượng sang chất lượng
Cái khó nhất khi làm hữu cơ không chỉ đơn thuần là thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang quy trình hiện đại, mà cái chính ở tâm lý nông dân sợ mất năng suất. Nhưng qua nhiều vụ sản xuất, thấy được hiệu quả, giờ không ít ai quan tâm nhiều đến sản lượng nữa mà là chất lượng và giá trị thu được.
Để đảm bảo thu nhập cho xã viên, HTX Tân Long áp dụng chính sách tăng giá thu mua dần khi chuyển đổi sang làm hữu cơ. Ông Thích cho biết: “Vụ đầu tiên nông dân được cộng thêm 300 đồng/kg lúa so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch, vụ thứ 2 lên 400 đồng và hiện giờ là 800 đồng/kg”.
Vụ lúa đông xuân vừa qua, giá lúa khá cao, lúa tươi ST24, ST25 ở mức 7.200 – 7.300 đồng nhưng nhờ làm theo quy trình hữu cơ, xã viên HTX Tân Long bán được 8.000 – 8.100 đồng/kg.
“Vụ vừa rồi, nông dân xã viên của HTX đều đạt mức thu nhập từ 60-70 triệu đồng/ha, trong khi trước đây làm lúa vụ nào trúng mùa, trúng giá cao nhất cũng chỉ được khoảng 30 triệu đồng”, ông Thích ước tính.
Hiện nay, HTX Tân Long đã làm gạo hữu cơ cho riêng mình với thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” để cung ứng ra thị trường. Bao bì, nhãn mác rất bắt mắt với quy cách đóng gói 2 kg và 5 kg rất thuận tiện cho người tiêu dùng. Gạo sạch Vị Thủy cũng đã được tỉnh Hậu Giang công nhận là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt 4 sao và đạt chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
HTX Tân Long được tỉnh Hậu Giang chọn tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT và đã được đầu tư nhà kho sức chứa 3.000 tấn, lò sấy lúa công suất 160 tấn/ngày đêm. Sắp tới là đầu tư đường giao thông kết nối thông suốt. Nhờ đó, đã nâng cao năng lực cho HTX trong việc khép kín quy trình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Văn Thích phấn khởi nói: “Giờ bà con xã viên rất yên tâm làm lúa hữu cơ, khi thu hoạch mà lỡ gặp mưa bão cứ đưa về sấy ngay, đảm bảo chất lượng. Cũng chẳng sợ phải bán đổ, bán tháo nữa, giá chưa ưng ý thì cứ việc lưu kho chờ thời điểm chốt bán”.
Về năng lực sản xuất và cung ứng, theo ông Thích, HTX Tân Long không chạy theo số lượng mà làm theo nhu cầu thị trường, đơn đặt hàng. Khi có khách hàng và chốt số lượng, đơn vị sẽ tính toán cân đối diện tích sản xuất, dự kiến sản lượng. Nếu HTX không đủ thỉ sẽ liên kết, mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, đảm bảo năng lực cung ứng.
Là đơn vị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, sản xuất nông sản an toàn, theo hướng hữu cơ thời gian qua được bà con nông dân rất quan tâm thực hiện và xu hướng ngày càng phát triển.
Cụ thể, trên cây lúa đã có nhiều đơn vị tham gia, trong đó nổi bật là HTX Nông nghiệp Tân Long, đang làm với diện tích cả trăm ha và khả năng nhân rộng thêm. HTX cũng đã làm ra thương hiệu gạo sạch được thị trường chấp nhận, đánh giá cao.
Đối với cây rau màu, cây ăn trái, nông dân đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, để sản xuất ra sản phẩm an toàn. Mô hình ngày cảng được mờ rộng ở các địa phương như: thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Châu Thành…
Nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ
“Hậu Giang là tỉnh thuần nông, có nhiều lợi thể để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất chiếm 80% diện tích toàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiểu chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ… Cụ thể như chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, chính sách hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các chương trình khuyến nông, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các tổ chức sản xuất nông nghiệp an toàn, theo chuẩn GAP, sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản…”, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang.
TRUNG CHÁNH – VĂN VŨ
Bình Luận