24-04-2323 . bởi Phạm Tâm

Ngành gia vị ‘vượt rào’ kỹ thuật giúp Việt Nam là ‘bếp ăn của thế giới’

Việt Nam muốn trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững và trở thành “bếp ăn của thế giới” thì một trong những điểm quan trọng để hiện thực hóa ước mơ trên là các doanh nghiệp phải phát triển ngành gia vị theo hướng bền vững, không sử dụng hóa chất. Bởi người ta vẫn nói rằng, “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.

Tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức Đại hội bất thường nhằm mục đích đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhấn mạnh, sự kiện đánh dấu bước chuyển biến mới trong chiến lược phát triển sản xuất các loại gia vị của Việt Nam.

Gia vị sẽ giúp Việt Nam là ‘bếp ăn của thế giới’

Chúng ta có thể tự hào nói rằng, cây hồ tiêu Việt Nam đang đứng thứ nhất, cây quế đứng thứ 2 thế giới về thành tích xuất khẩu. Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu… Tổng giá trị xuất khẩu hồ tiêu và gia vị của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 1,4 tỷ USD.

-4514-1682063338.jpg
Ngành gia vị đối mặt với khó khăn lớn nhất là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Song điều đó là chưa đủ, các loại gia vị khác của Việt Nam vẫn chưa được định vị rõ nét trên bản đồ gia vị thế giới. Giá trị thu về từ cây gia vị của nông dân chỉ ở mức thấp do chủ yếu bán ở dạng nguyên liệu và qua trung gian. Bà Liên nói rằng, phát triển riêng biệt từng loại không tạo được thương hiệu gia vị Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch VPA  cho rằng, thị trường thế giới, không chỉ bị tác động bởi cung – cầu mà còn ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao, địa chính trị căng thẳng, ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới mà ngành gia vị Việt Nam không phải ngoại lệ. Đó là lý do ngành gia vị phải thay đổi, phát triển theo hướng bền vững.

Theo báo cáo của VPA, gần đây, các thị trường nhập khẩu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát và siết chặt quy định MRLs đối với thực phẩm nói chung bao gồm cả gia vị của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP DH Food đánh giá, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi để có thể phát triển ngành gia vị. Cha đẻ của Marketing hiện đại Philip Kotler từng phát biểu: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “nhà bếp của thế giới” – ngành gia vị đóng vai trò quan trọng để giúp Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng này.

Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp, ông Dũng bày tỏ mong muốn Việt Nam phải phát triển ngành gia vị theo hướng bền vững, không sử dụng hóa chất. Đơn cử, với thị trường Nhật, DH Food phải mất 2 năm để đàm phán xuất khẩu, chấp nhận để họ test hàng nghìn hoạt chất. “Nhiều đối tác phản ánh rằng, gia vị của Việt Nam có chất lượng không tốt nên họ mất niềm tin, thông thường lô hàng đầu chất lượng tốt nhưng lô hàng sau không đạt yêu cầu. Khách hàng nhật, EU – họ rất coi trọng chất lượng, “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, ông Dũng chia sẻ.

Đại diện Công ty DH Food cũng kể thêm, trong một lần qua Pháp dự triển lãm, có thăm một siêu thị của nhà nhập khẩu gia vị lớn nhất từ châu Á, tuy nhiên điều bất ngờ là không có sản phẩm từ Việt Nam. “Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi họ thì được biết, trước đó châu Âu có phát hiện thấy nhiều lô rau gia vị của Việt Nam tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nên sau đó dù rau gia vị được cấp phép nhập khẩu trở lại, họ cũng không mua từ Việt Nam”, ông Dũng kể.

Thách thức kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật 

Hay với sản phẩm ớt khô, đại diện Công ty DH Food phản ánh, thu mua cực kỳ khó khăn không tìm được nhà cung cấp đảm bảo chất lượng. “Đây là những dẫn chứng cho thấy Việt Nam cần phải tăng cường giám sát và phát triển sản xuất theo hướng xanh, sạch”, ông khuyến nghị.

Tiếp nối câu chuyện về trái ớt, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT) cũng kể lại câu chuyện, cách đây 5 năm, khi ớt được xuất khẩu vào EU với hình thức nằm trong gói gia vị. Sau đó, thị trường EU phát hiện gói gia vị của Việt Nam còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, và cảnh báo nếu phát hiện thêm 5 trường hợp tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ dừng nhập khẩu toàn bộ nông sản từ Việt Nam.

Sau đó, Bộ NN&PTNT đã phải tạm dừng xuất khẩu rau gia vị sang EU trong vòng 6 tháng để yêu cầu các vùng sản xuất phải trồng trong nhà lưới, cấp mã số trong nhà lưới. Một lô rau xuất đi EU, cán bộ kiểm dịch thực vật cần kiểm tra tại chỗ từng lô hàng. Rất may, 4-5 năm nay về cơ bản, rau gia vị Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trên.

Tình trạng quả ớt bị cấm nhập khẩu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cũng từng xảy ra tương tự đối với các thị trường Trung Quốc, Malaysia. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các thị trường đã nối lại để cho phép nhập khẩu, tuy vậy trái ớt cần phải đặc biệt chú ý tới chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, hành trình để đạt mục tiêu là nơi cung cấp gia vị tốt cho thế giới là rất gian nan. Bởi, diện tích sản xuất hiện nay manh mún, sản xuất nhỏ, liên kết còn hạn chế nên để tạo vùng nguyên liệu theo đúng nghĩa rất khó. Bên cạnh đó là việc làm sao đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường xuất khẩu.

Chủ tịch VPA – bà Hoàng Thị Liên chia sẻ, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, định vị là quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới, hướng đến mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới.

“Ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Việc này đòi hỏi toàn bộ các thành viên trong toàn chuỗi phải đi cùng nhau và bắt buộc phải đi cùng nhau, cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng này”, Chủ tịch VPA nói.

Lê Thúy

Bình Luận