30-03-2222 . bởi Phạm Tâm

Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam

Doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ do nhu cầu về thực phẩm chế biến rất cao tại Ấn Độ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 23 trong danh sách thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11,3 tỷ USD.

Cụ thể, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, trong 4 năm liên tiếp (kể từ năm 2017-2018 đến năm 2020-2021), Việt Nam luôn đạt thặng dư trong thương mại đối với Ấn Độ. Tính trong khoảng thời gian 10 tháng của năm tài chính hiện tại (từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022), Việt Nam đang đứng thứ 23 trong danh sách thị trường đối tác của Ấn Độ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11,3 tỷ USD.

Kỳ vọng đến hết năm tài chính 2021-2022, tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mức 13 tỷ USD, cán cân thương mại cơ bản cân bằng và Việt Nam sẽ nằm trong tốp 20 đối tác lớn nhất của Ấn Độ. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ là sắt thép, bông, ngũ cốc, thịt, hải sản, nhôm, các sản phẩm điện tử. Trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Ấn Độ, bao gồm điện tử, hóa chất vô cơ, nhựa, đồng.

Cũng theo ông Bùi Trung Thướng, Ấn Độ ban hành chính sách ngoại thương 5 năm một lần. Chính sách ngoại thương hiện hành ban hành từ năm 2015, hết hiệu lực năm 2020 và được kéo dài đến tháng 3-2022. Điểm đáng chú ý của chính sách ngoại thương Ấn Độ là đưa ra các gói hỗ trợ xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm, chủ lực của Ấn Độ thông qua cấp tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Đối với các hội chợ, hội thảo do Chính phủ Ấn Độ tổ chức, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, khách sạn, chi phí tham dự… Thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo này, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm được các đối tác Ấn Độ. Dự kiến, chính sách ngoại thương mới của Ấn Độ sẽ được ban hành vào ngày 22-4-2022.

Ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho hay, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Ấn Độ mới chiếm 36% GDP và còn nhiều dư địa để mở rộng. Nước này có kế hoạch nâng tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu trên GDP lên 60% và đang nỗ lực mở cửa thị trường.

Về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, ông Atul Kumar Saxena cho biết, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin; viễn thông… Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long, các mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả… tới Ấn Độ. Đặc biệt, doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ do nhu cầu về thực phẩm chế biến rất cao tại Ấn Độ.

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến… Trong lĩnh vực dược phẩm, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, chưa có hợp tác liên doanh nào giữa doanh nghiệp hai nước. Nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dược phẩm sang các quốc gia trong khu vực. Đối với các sản phẩm dệt may, may mặc, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực xơ, sợi nhân tạo tại Việt Nam.

Minh Anh

Bình Luận