12-05-2222 . bởi Phạm Tâm

Bức tranh ngành nông nghiệp tháng Tư

Thuận lợi và khó khăn vẫn đan xen khiến bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp tháng 4/2022 chưa thật bừng sáng hoàn toàn. Trong khi lĩnh vực trồng trọt và thủy sản tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng mạnh, ngành lúa gạo có nhiều thuận lợi, thì chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang gặp khó về nguyên liệu gỗ…
Kết quả nông nghiệp, thủy sản trong tháng 4/2022
Kết quả nông nghiệp, thủy sản trong tháng 4/2022

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước trong tháng 4/2022 ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 67,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng gỗ khai thác trong 4 tháng đầu năm đạt 4,7 triệu m3, tăng 4,4%.

GIÁ CÁ TRA TĂNG CAO, XUẤT KHẨU GẠO THUẬN LỢI

Đối với ngành thủy sản, tổng sản lượng thu hoạch trong tháng 4/2022 ước đạt 736,4 nghìn tấn; tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 4/2022 ước đạt 125,4 nghìn tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 468 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021. Trong tháng 4/2022, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long dao động ở mức 31.000 – 32.500 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 30% so với đầu năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP),  giá cá tra xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh.

Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đang dao động từ 2,4 – 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 – 2,7 USD/kg); giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi EU hiện dao động từ 2,9 – 3,45 USD/kg.

Đặc biệt, giá cá tra phile xuất khẩu vào Mỹ đã lên tới 4,5 USD/kg, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. VASEP dự báo, giá cá tra còn tăng trong thời gian tới do việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý 2/2022.

Đối với mặt hàng gạo, trong quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,5 triệu tấn, tương đương kim ngạch trên 730,76 triệu USD, tăng 26% về khối lượng, tăng 12,7% về kim ngạch.

Dữ liệu vận tải sơ bộ cho thấy, có hơn 300 nghìn tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4/2022, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2022 lên hơn 1,8 triệu tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, xuất khẩu gạo dự kiến của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu lớn hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.

NGÀNH NÔNG NGHIỆP XUẤT SIÊU GẦN 4 TỶ USD

Theo số liệu mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6%. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0%,

Xuất khẩu vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp đạt khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7%; trong đó, mặt hàng phân bón có giá trị xuất khẩu cao nhất, khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 4 tháng qua, ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ). Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Ở vị trí thứ ba là thị trường Nhật Bản, với giá trị kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 7,1%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,0% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này).

Giữ vị trí thứ tư là thị trường Hàn Quốc, với 822 triệu USD (chiếm 4,6%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất, chiếm 43,9% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Hàn Quốc.

Như vậy, sau 4 tháng đầu năm 2022, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Chu Khôi

Bình Luận