16-12-2121 . bởi Phạm Tâm

Chăn nuôi nhân đạo, cần sự tiếp cận mới

Luật Chăn nuôi đã có các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tuy nhiên trên thực tế, chăn nuôi nhân đạo vẫn còn rất mới mẻ ở nước ta.

Trứng gà nhân đạo, hay trứng gà nuôi theo phương thức chăn nuôi nhân đạo được chứng minh là giàu chất dinh dưỡng hơn trứng gà nuôi theo phương thức truyền thống.

Vừa qua, Công ty TNHH HealthyFarm (Đà Nẵng), doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi nhân đạo ở Việt Nam đã cho ra mắt sản phẩm trứng gà đầu tiên được nuôi theo hình thức nhân đạo có tên “Trứng gà vui vẻ”, bao gồm trứng gà thả vườn và trứng gà không nhốt lồng.

Đây được xem là bước đầu để nâng cao tiêu chuẩn về thực phẩm chất lượng cũng như thúc đẩy chăn nuôi, tiêu dùng có trách nhiệm ở Việt Nam.

Những trang trại chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn đã biến gia cầm thành những 'cỗ máy đẻ' trứng. Ảnh: NNVN.
Những trang trại chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn đã biến gia cầm thành những “cỗ máy đẻ” trứng.
Bối cảnh của chăn nuôi nhân đạo tại Việt Nam

Phúc lợi động vật là một khái niệm bao quát được định nghĩa là trạng thái tốt về thể chất, tinh thần cũng như sự biểu hiện lành mạnh về tập tính tự nhiên của con vật. Từ năm 1979, Hội đồng Phúc lợi động vật tại Anh đã đề xuất “5 quyền tự do cơ bản của động vật” bao gồm: Không bị đói khát; không bị khó chịu; không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; không bị hạn chế các tập tính tự nhiên và; không bị sợ hãi và khổ sở.

Tại Việt Nam, Luật Chăn nuôi 32/2018/QH14 với các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2020. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam vẫn xếp hạng rất thấp trong các thực hành bảo vệ vật nuôi dựa trên các chỉ số của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới đưa ra vào năm 2020.

Đối với chăn nuôi gà, trong khi Uỷ ban Châu Âu chủ trương đến năm 2027 cấm toàn bộ việc nuôi nhốt động vật thì nuôi gà nhốt lồng vẫn được xem là phương thức chăn nuôi truyền thống để sản xuất trứng làm thương phẩm ở Việt Nam.

Trong một trang trại công nghiệp truyền thống, hàng nghìn con gà mái bị nhốt trong những chiếc lồng sắt. Điều này hạn chế việc di chuyển, duỗi cánh, hay các tập tính tự nhiên khác như tắm bụi, kiếm ăn, đậu trên sào hoặc đẻ trứng ở nơi riêng tư khiến gà mái có khả năng cao gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, dẫn đến việc đẻ ít trứng hơn.

Vật nuôi (trong đó có gia cầm) cần phải được đảm bảo cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Ảnh: NNVN.
Vật nuôi (trong đó có gia cầm) cần phải được đảm bảo cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Ảnh: NNVN.

Chính vì vậy, sự tiên phong trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết để tạo nên sự thay đổi mang tính hệ thống từ cấp chính phủ đến nhà chăn nuôi, nhà phân phối và người tiêu dùng. Tại Việt Nam, trang trại đối tác của HealthyFarm là một trong những trang trại nuôi gà mái đẻ trứng không nhốt lồng đầu tiên đạt chứng nhận nhân đạo “Certified Humane‟ của tổ chức quốc tế chứng nhận chăn nuôi nhân đạo Humane Farm Animal Care.

Lợi ích của chăn nuôi nhân đạo

Áp dụng mô hình chăn nuôi nhân đạo, trang trại đối tác của HealthyFarm tuân thủ theo các tiêu chí cơ bản như xây dựng môi trường sống đảm bảo được các tập tính tự nhiên cho gà mái, cụ thể là nuôi gà thả vườn và không nhốt lồng, đối xử nhân đạo và đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn, nước uống cho vật nuôi.

Đối với phương thức thả vườn, bên cạnh môi trường bên trong chuồng, gà còn có không gian ngoài trời để kiếm ăn và sưởi nắng. Đối với phương thức không nhốt lồng, gà mái có không gian tự do để di chuyển trong nhà, được trang bị sào đậu, ổ đẻ và nguyên liệu để tắm bụi nhằm thực hành các tập tính tự nhiên của gà.

Không kém phần quan trọng, gà cần được đối xử một cách nhân đạo, tức người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ các công tác phòng bệnh để giảm thiểu nguy cơ gây bệnh cũng như giám sát sức khỏe gà một cách liên tục và chặt chẽ.

Bình Luận