Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ đưa đồ gỗ vào thị trường châu Âu
Cơ hội đưa sản phẩm đồ nội – ngoại thất vào thị trường châu Âu (EU) rất lớn, nhưng doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất xanh và an toàn…
Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro cũng như tìm hiểu kỹ đối tác trước khi thực hiện giao dịch.
Những thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo “Triển vọng và xu hướng ngành trang trí nội – ngoại thất tại thị trường EU” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức ngày 10-5.
Tại sự kiện, các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ trang trí nội thất, ngoại thất vào châu Âu cho rằng nhu cầu đồ gỗ của thị trường này rất cao sau dịch bệnh Covid-19 và họ cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao cho nhà cung cấp.
Theo bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt (VIETS.Co) – đơn vị có hơn 20 năm xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường khu vực này, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng đồ trang trí nội – ngoại thất tại EU đã phục hồi.
Theo bà, nhiều nhà mua hàng ở EU đã tìm đến các nhà máy ở Việt Nam có đủ năng lực để cung cấp sản phẩm cho họ. Và so với các nhà cung cấp ở các nước khác, Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất, được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà mua hàng quốc tế.
Tuy nhiên, theo bà Quang, thị trường EU đề cao phóng cách riêng và các xu hướng mới liên tục thay đổi. Do đó, để khai thác được thị trường này, doanh nghiệp phải có đủ năng lực phát triển, cải tiến chất lượng cũng như mẫu mã, tính năng sản phẩm thường xuyên hơn.
Đáng chú ý, người tiêu dùng EU yêu cầu nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo tính bền vững như nguồn gốc, chứng nhận gỗ, tác động môi trường, lao động của doanh nghiệp.
Bà Lê Uyên Thanh Ngọc, Quản lý cấp cao phát triển kinh doanh Bureau Veritas Consumer Product Sevices, cũng lưu ý các nhà xuất khẩu Việt muốn thâm nhập thị trường EU phải nắm rõ tiêu chuẩn về chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khoẻ và vệ sinh.
Với những sản phẩm gia dụng càng phải lưu ý các quy định mức độ an toàn khi sử dụng, sử dụng hoá chất (sơn, phủ) kể cả trên vật liệu đóng gói.
Các chuyên gia và doanh nghiệp nhấn mạnh, thị trường EU rất đa dạng, người dân EU quan tâm tới đặc tính của hàng hoá, giá trị tiêu dùng và thói quen tiêu dùng.
Mặt khác, cơ hội ở thị trường này không chỉ dành cho những doanh nghiệp quy mô lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ. Có những doanh nghiệp chỉ cần 10 lao động cũng có thể tìm đối tác ở thị trường này vì có nhà mua hàng mỗi tháng chỉ cần nhập 1-2 container hàng hóa.
Mặc dù vậy, tại hội thảo các ý kiến cũng lưu ý các doanh nghiệp về việc giao kết hợp đồng, thanh toán hợp đồng trong bối cảnh một số lùm xùm gần đây, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt.
Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng trước khi ký kết hợp đồng mua bán, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ đối tác thông qua hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương, thương vụ Việt Nam tại các nước cũng như kinh nghiệm giao thương của các doanh nghiệp xuất khẩu khác.
Luật sư cũng lưu ý, các doanh nghiệp nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro như mua bảo hiểm đầy đủ, chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics, thuê luật sư tư vấn,… Đối với khách hàng mới, nên thực hiện các hợp đồng nhỏ trước khi tiến hành các giao dịch lớn…
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, quí 1-2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu đô la Mỹ, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU được nhận định có nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Lê Hoàng
Bình Luận