10 giờ trước . bởi Phạm Tâm

Doanh nghiệp Việt thích nghi nhanh xu hướng thương mại di động

Với 97,6% người dùng Internet ở độ tuổi 16 – 64 hiện đang sở hữu smartphone, cùng với sự phát triển về công nghệ được hỗ trợ bởi mạng 5G đã và đang thúc đẩy mạnh xu hướng thương mại di động tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt thích nghi nhanh nhằm tránh tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh.

Thông tin đưa ra từ TopDev (một nền tảng chuyên về thị trường và nhân lực trong ngành công nghệ) vào ngày 18/5 cho thấy, Việt Nam đang thích nghi rất nhanh trong mảng ứng dụng di động.

Tránh tụt hậu với đối thủ cạnh tranh

Theo đó, tổng doanh thu trên thị trường ứng dụng di động ở trong nước dự kiến đạt 914,30 triệu USD trong năm 2022 này. Trong giai đoạn 2022 – 2026, tổng doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 9,47%, khối lượng thị trường dự kiến đạt hơn 1,313 tỷ USD vào năm 2026.

HINH-1432-1652866990.jpg

Không những vậy, số lượt tải xuống trong “chợ” ứng dụng năm nay dự kiến đạt hơn 3 tỷ lượt và duy trì tốc độ tăng trưởng 21%/năm.

Cũng theo nhận định của TopDev, phát triển ứng dụng trên di động đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong trạng thái “bình thường mới” và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực từ y tế, vận tải, giáo dục, giải trí…

“Nếu không đầu tư các giải pháp tối ưu hóa cho di động, các công ty chắc chắn có nguy cơ mất một lượng khách hàng đáng kể và tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh”, TopDev lưu ý.

Cùng với đó, sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi mạng 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới. Phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi kết nối 5G và sự phát triển tại thị trường công nghệ di động Việt Nam cũng sẽ không thể nằm ngoài xu hướng đó.

Còn theo báo cáo Digital Vietnam 2022 được thực hiện bởi WeAreSocial (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội), hiện tại Việt Nam có hơn 156 triệu thuê bao di động và có 97,6% người dùng Internet ở độ tuổi 16 – 64 hiện đang sở hữu smartphone.

Điều này được cho là tạo nên lợi thế lớn trong việc thúc đẩy nhanh xu hướng thương mại di động (m-commerce) ở Việt Nam. Và đây cũng sẽ là xu hướng tất yếu của thương mại điện tử (TMĐT) với nhiều ứng dụng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhất là khi người tiêu dùng đang sử dụng nhiều thiết bị di động nên việc mua sắm thông qua những thiết bị di động cũng tăng theo.

Các DN Việt cần hiểu rằng thị trường TMĐT đang chuyển động mạnh mẽ và chịu tác động mạnh trước xu hướng thương mại di động. Vì thế, thành công sẽ thuộc về những DN nào biết cách thích nghi nhanh, sớm tái cấu trúc hoạt động và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng một cách linh hoạt, đặc biệt là trên các thiết bị di động.

Thống kê còn cho thấy, trong tổng trung bình 6 giờ 38 phút sử dụng Internet mỗi ngày của người dùng ở Việt Nam thì có 3 giờ 32 phút (hơn 50% thời gian) được thực hiện trên thiết bị di động. Đáng chú ý nhất là đã có 12,4 tỷ USD được thực hiện thông qua mua bán trực tuyến và 50% lượng giao dịch đến từ thiết bị di động.

Cuộc đua chỉ trong tầm mắt 

Giới chuyên gia nhận định, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác đang mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các DN Việt. Bởi, người tiêu dùng ngày càng cần sự thuận tiện, tự do và nhiều sự lựa chọn, mong muốn có thể truy cập các dịch vụ thông qua thiết bị di động bằng trình duyệt web sẵn có hoặc thậm chí sẵn sàng tải ứng dụng về máy…

Cho nên, các DN Việt cần tập trung xây dựng website tương thích với smartphone, máy tính bảng (mobile site), phát triển ứng dụng di động (mobile app), giúp cho các website TMĐT, sàn TMĐT, website khuyến mãi trực tuyến tiếp cận dễ dàng hơn với đông đảo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không phải ứng dụng nào cũng hấp dẫn tất cả người dùng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và duy trì tính cạnh tranh trong điều kiện như vậy, các DN Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn vào trải nghiệm và chuyển đổi nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng sản phẩm của mình thông qua thiết bị di động, khi mà cuộc đua đã và tiếp tục diễn ra chỉ trong tầm mắt chứ không còn là câu chuyện xa vời trong tương lai.

Ông Tom Peng, Giám đốc điều hành GoSELL (một nền tảng hỗ trợ kinh doanh đa kênh), cho rằng các chủ DN nhỏ và vừa của Việt Nam nên chú trọng đến các ứng dụng (app) trên điện thoại, cũng như xây dựng thương hiệu trực tuyến (online) với website thông qua thiết bị di động.

Điều này nhằm giúp những khách hàng thông qua chiếc điện thoại thông minh sẽ nhớ đến thương hiệu. Các DN cần tận dụng được nền tảng tiếp thị trên thiết bị di động để tăng lượng khách hàng và tạo nên một chương trình khách hàng thân thiết để níu giữ lượng khách hàng trung thành với thương hiệu.

Ngoài việc TMĐT thích ứng nhanh với xu hướng thương mại di động ở Việt Nam, giới chuyên gia nhận định hoạt động tiếp thị (Marketing), quảng bá thương hiệu trong lĩnh vực thương mại di động cũng ngày càng được quan tâm, đầu tư nhiều hơn với rất nhiều thách thức nhưng cũng không thiếu các cơ hội.

Theo đó, đứng trước sự thay đổi trên trong hành vi của người dùng do tác động của đại dịch Covid-19, TMĐT sẽ chuyển đổi tất yếu trong hoạt động Digital Marketing (là chiến lược dùng Internet làm phương tiện cho các hoạt động marketing và trao đổi thông tin) sang thiết bị di động, các công ty cũng buộc phải cải thiện hiệu suất và chi tiêu nhiều hơn cho Mobile App (ứng dụng di động) của mình.

Hơn thế nữa, đội ngũ Marketer (người làm Marketing) của các DN Việt sẽ cần phối hợp nhiều hơn với đội ngũ kỹ thuật đảm bảo hiệu suất di động (Mobile Performance) và tạo ra nhiều trải nghiệm thiết bị chéo thuận tiện và liền mạch, tận dụng nhiều điểm chạm với người tiêu dùng để giao tiếp và giữ chân người tiêu dùng hiệu quả. 

                      Thế Vinh

Bình Luận