23-08-2222 . bởi Phạm Tâm

Được xuất khẩu chính ngạch, áp lực tiêu thụ sầu riêng của HTX vẫn không nhỏ

Các vùng trồng sầu riêng chủ lực ở miền Trung – Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng vẫn ở mức thấp liệu có một lần nữa đặt người dân, HTX đang sản xuất loại cây trồng vào thế được mùa mất giá?

Hiện, các ngành chức năng của Việt Nam đang phối hợp với Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến các vườn trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Diện tích cấp mã số nhỏ

ThS. Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, diện tích sầu riêng của Việt Nam là khoảng 84.000 ha, nhưng qua kiểm tra và tính toán của Cục, diện tích được cấp mã số vùng trồng mới chỉ đạt 10-15% trên tổng diện tích cây đang cho trái.

Như ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), diện tích sầu riêng khoảng 15.000ha nhưng đến nay mới có 1.040ha được cấp mã vùng trồng. Huyện đang đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 1.000ha được cấp mã số vùng trồng.

Với con số trên, nếu sản xuất bảo đảm đúng quy trình thì cơ hội xuất khẩu sầu riêng của các HTX sẽ rất lớn. Thế nhưng, việc mới chỉ có 10-15% diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng cũng cho thấy đầu ra chính ngạch cho loại trái cây này đang có những hạn chế.

Bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch-AFT) cho rằng, dù Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra để cấp mã số vùng trồng nhưng cũng chỉ diễn ra theo đợt, trong khi mùa thu hoạch đang đến gần. Nếu không nhanh chóng và không mở rộng thêm diện tích được cấp mã số, khoảng 70-80% sầu riêng còn lại không xuất khẩu chính ngạch được. Điều đó đồng nghĩa với việc phải bán với giá rẻ hoặc lại cần “giải cứu”, từ đó gây thiệt thòi cho nông dân, HTX.

“Phải chăng cơ quan chuyên ngành đang có phần chậm chạp trong việc liên kết, phối hợp với với cơ quan chức năng phía Trung Quốc trong vấn đề cấp mã số vùng trồng? Bởi theo Cục Bảo vệ thực vật, phải 2 tháng, Cục mới gửi thư sang Trung Quốc một lần để mời họ qua kiểm tra”, bà Liên băn khoăn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có thế mạnh phát triển sầu riêng. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp thích hợp, trong đó có cấp mã số vùng trồng thì nguy cơ thế mạnh trở thành… điểm yếu là điều dễ xảy ra.

Nguyên nhân là vì mã số vùng trồng chỉ được cấp theo định kỳ, có thời hạn tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu. 

-5539-1661162781.jpg

Ở trường hợp xuất khẩu sầu riêng, Trung Quốc đang là nước nắm thế chủ động. Dù gửi thư mời phía Trung Quốc sang kiểm tra để được cấp mã số vùng trồng được thực hiện 2 tháng một lần nhưng phía Trung Quốc vẫn trả lời đang thực hiện kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nên phải sắp xếp mới kiểm tra được.

Và thực tế cho thấy, muốn xuất chính ngạch, cần thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, từ mã số vùng trồng đến mã số cơ sở đóng gói. Trong khi đây lại là khâu còn nhiều vướng mắc nhất.

Hiện mới chỉ có một số mô hình trồng sầu riêng của HTX hoặc HTX liên kết với doanh nghiệp làm tốt vấn đề cấp mã số vùng trồng. Còn người dân sản xuất đơn lẻ dù được ngành chức năng phổ biến, hướng dẫn quy trình nhưng vẫn chưa hình dung được, nên triển khai chậm. “Hiện, nhiều địa phương đang phải rút kinh nghiệm để đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng. Có đơn vị đăng ký được kiểm tra để cấp mã số trong đợt này nhưng tài liệu, hồ sơ chưa còn thiếu nên phải hủy”, ông Hiếu cho biết.

Chủ động trong tiêu thụ

Theo quy định về thương mại quốc tế, hàng hóa chuyển từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu lúc nào cũng mang theo mối nguy, trong đó có mối nguy về dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trước thực trạng này, các nước nhập khẩu đều xây dựng hệ thống kiểm tra sản phẩm nhập khẩu để kiểm soát các nguy cơ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp và sức khỏe con người. Việc thiết lập hệ thống kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh là nhằm đẩy rủi ro về phía nước xuất khẩu, nhất là đối với những sản phẩm, nông sản được liệt kê vào nhóm nguy cơ cao như trái cây của Việt Nam.

Nguyên nhân là do tất cả các loại trái cây của Việt Nam đều có nguy cơ phát triển dịch bệnh ruồi đục quả, trong đó có sầu riêng. Vì vậy, muốn kiểm soát được các mối nguy cũng như quản lý được sản phẩm nào đã được kiểm tra, cần phải có mã vùng trồng.

Hiện, không chỉ Trung Quốc mà Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với nông sản đóng gói. Chính vì vậy, muốn xuất khẩu chính ngạch, việc đáp ứng được các yêu cầu về mã số vùng trồng là yêu cầu tất yếu. Điều cần làm lúc này là làm sao nâng được diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng và nâng số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã để giúp nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân, HTX từ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc (Đồng Nai) cho biết, xuất khẩu tiểu ngạch sầu riêng sang Trung Quốc rất khó khăn, phí vận chuyển có lúc lên tới 55 triệu đồng/tấn. Còn tiêu thụ sầu riêng trong nước thì giá thấp, không có thương hiệu.

Chính vì vậy, ông mong 100 ha sầu riêng của HTX được xuất khẩu chính ngạch. Bán hàng theo hình thức này tuy phải chịu thuế nhưng tính ra chi phí không cao bằng xuất tiểu ngạch. Đặc biệt, nếu xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng của HTX bán được giá tốt hơn do xuất toàn hàng tuyển chọn, đạt yêu cầu về mã số vùng trồng.

Tuy nhiên, để giảm khó khăn cho việc tiêu thụ, nhất là khi diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng chưa nhiều, các chuyên gia cho rằng, ngoài đảm bảo các yêu cầu về mã số vùng trồng để xuất khẩu, các địa phương trồng sầu riêng chủ lực cũng cần chủ động xây dựng kịch bản, khơi thông thị trường nội địa thông qua tất cả các kênh bán hàng từ siêu thị, trung tâm thương mại, tập đoàn bán lẻ đến sàn thương mại điện tử, các fanpage…

Bởi thực tế, Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid” và các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ. Người tiêu dùng cũng đã có những thay đổi trong thói quen tiêu dùng khi ưa chuộng các sản phẩm chế biến trong khi Việt Nam chỉ được xuất sầu riêng tươi theo hình thức chính ngạch.

Đi cùng với đó, các chi phí nguyên liệu đầu vào, giá một số loại dịch vụ phụ trợ tăng. Những dự báo về vụ sầu riêng tiếp tục được mùa cũng đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiêu thụ.

Ông Benny Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư UNOW, cho biết Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu sầu riêng chính ngạch nhưng “cuộc chơi” chính ngạch đòi hỏi nhà vườn, HTX phải hiểu luật để làm đúng quy trình, duy trì nguồn hàng ổn định và đạt chất lượng mới mong giữ được thị trường.

“Đây mới là năm đầu tiên xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, trong khi việc cạnh trạnh với thương hiệu sầu Thái và Malaysia là không đơn giản trên đất Trung Quốc, nên việc chủ động kế hoạch tiêu thụ đa dạng thị trường cũng là điều hết sức cần thiết để hạn chế khó khăn cho người trực tiếp sản xuất. Và thành công từ vụ vải thiều Bắc Giang, Hải Dương là minh chứng rõ nét”,  ông Benny Nguyễn Quốc Việt nói.

Huyền Trang

Bình Luận