23-07-2121 . bởi Phạm Tâm

Hard seltzer, thức uống thời thượng của Mỹ du nhập vào Pháp

Doanh số bán hàng hard seltzer của White Claw, New Orleans, Mỹ và các loại rượu trái cây, hard seltzer khác đã tăng vọt trong mùa hè năm nay do người tiêu dùng lựa chọn thức uống nhẹ nhàng, lành mạnh.

Doanh số bán hàng hard seltzer của White Claw, New Orleans, Mỹ và các loại rượu trái cây, hard seltzer khác đã tăng vọt trong mùa hè năm nay do người tiêu dùng lựa chọn thức uống nhẹ nhàng, lành mạnh. Ảnh minh họa chụp ngày 08/08/2019.
Doanh số bán hàng hard seltzer của White Claw, New Orleans, Mỹ và các loại rượu trái cây, hard seltzer khác đã tăng vọt trong mùa hè năm nay do người tiêu dùng lựa chọn thức uống nhẹ nhàng, lành mạnh. Ảnh minh họa chụp ngày 08/08/2019. AP – Jenny Kane

Xuất phát từ Hoa Kỳ, ‘‘hard seltzer’’ là thức uống có ga và hương trái cây hoặc có mùi vani, cà phê, với nồng độ cồn khoảng 4,5 độ. Loại thức giải khát này nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ tuổi, muốn dùng các thức uống nhẹ hơn bia và rượu. Chữ selzer có nguồn gốc từ Đức rồi sau đó sang Mỹ, chữ “hard” (có nghĩa là mạnh hơn do có độ cồn) được dùng để phân biệt với loại thức uống nhẹ ‘‘soft drink’’. 

Quảng cáo

Nhìn từ bên ngoài, hard seltzer giống như loại nước suối có ga, nhưng khi uống thử một ngụm, ta thấy ngay nước có độ cồn, cho dù mùi vị không đậm và nồng như bia. Được quảng cáo như một thức uống thời thượng, thấp về calorie vì gần như không có ‘‘đường’’, hard seltzer xuất hiện lần đầu tiên tại Pháp từ hồi tháng 11/2020. Ra đời vào năm 2013 tại Mỹ, hard seltzer nuôi tham vọng chinh phục thị trường châu Âu, cạnh tranh trực tiếp với rượu bia, hay các loại cocktail pha sẵn có độ cồn thấp.

Doanh thu thị trường hard seltzer tại Mỹ đạt 6 tỷ đô la

Tại Hoa Kỳ, hard seltzer là một phân khúc thị trường mới, doanh thu năm 2019 đạt 1,3 tỷ đô la. Trong năm 2020, dịch Covid-19 thay vì gây tác hại đến thị trường này lại giúp cho doanh thu ngành hard seltzer tăng hơn gấp đôi lên tới mức 2,8 tỷ đô la. Theo khảo sát của cơ quan chuyên ngành IWSR (International Wines & Spirits Record), trong năm 2021, doanh thu sẽ lên tới 6 tỷ đô la, và trong năm tới (2022) hard seltzer sẽ vượt trội so với doanh thu của 2 ngành chế biến rượu vodka và whisky tại Hoa Kỳ.

Đối với các nhà sản xuất, đây là một lợi thế vì việc chế biến hard seltzer không công phu như ruợu và bia : chỉ cần hòa trộn trong nước một chút glucid với bột men, sau đó cho thêm mùi với các hương trái cây hay vani. Loại thức uống này do nhắm vào đối tượng millennial thích ăn chay (vegan) và rau sạch (bio), cho nên cách chế biến càng tự nhiên càng tốt để dễ đạt mục tiêu. Về cách trình bày, thức giải khát này được đóng lon nhiều hơn là đóng chai (tỷ lệ là khoảng 75%-25%), việc đóng lon cũng dễ dàng hơn trong việc dùng màu sắc rực rỡ, phong nền bắt mắt cũng như các lon nước ngọt soda. Nhờ có độ cồn thấp, tại châu Âu là 4,5 độ, hard seltzer càng dễ thu lời do cũng không bị đánh thuế cao như bia (5 độ), rượu vang (12 độ), rượu mùi (17 độ), rượu mạnh (vodka, whisky, rhum … 38 độ)

Tập đoàn Bỉ và Brazil AB InBev, đứng đầu thế giới về mặt sản xuất bia, ngay từ thời gian đầu (khi hard seltzer vừa mới ra đời) đã nhận thấy tiềm năng phát triển của phân khúc thị trường này. Vào năm 2016, AB InBev đã mua lại Spiked Seltzer, hiệu thức uống đầu tiên có ga và có cồn, hầu thu hút các đối tượng không thích dùng bia hay rượu. Bên cạnh đó, tập đoàn AB InBev cũng đã mua lại Boathouse Beverage để tạo ra một thương hiệu riêng ‘‘Bon & Viv’’ chủ yếu nhắm vào các phụ nữ trẻ tuổi qua việc dùng gam màu nhẹ nhàng tươi mát và nhất là rất thấp về lượng calories. Nhiều tập đoàn Mỹ khác chuyên sản xuất thức giải khát như Coca Cola, PepsiCo đều lao vào cuộc chạy đua, đầu tư cả trăm triệu đô la để giành lấy thị phần. Riêng Constellation Brands mượn lại thương hiệu nổi tiếng là ‘‘Corona’’ để phân phối loại hard seltzer của mình.

Giới sản xuất Mỹ dòm ngó thị trường Pháp đầy tiềm năng

Còn tại Pháp, theo cơ quan tư vấn NielsenIQ, hard seltzer chỉ xuất hiện tại các siêu thị lớn từ tháng 11/2020. Thời gian đầu chỉ có từ 3 đến 5 loại (trong đó có hiệu đầu tiên là Snowmelt, nhập khẩu từ bang Colorado) được bán và doanh thu trong 6 tháng đầu là khoảng 250.000 euros, nhưng theo giới chuyên ngành, trong 3 năm tới, doanh thu ngành sản xuất hard seltzerr tại Pháp sẽ được nhân lên gấp 10 lần để đạt tới mức 25 triệu euro mỗi năm.

Theo nhà sản xuất thức giải khát Yann Casen, nước có ga và có cồn đều khai thác cùng một công thức, khác hay chăng là chiến lược tiếp thị cũng như cách pha mùi, tìm cho ra cách kết hợp những hương vị tự nhiên mà độc đáo. Trong thời gian đầu, hard seltzer hẳn chắc sẽ đắt khách vì là thức uống ‘‘lạ’’ và ‘‘mới’’, tuy nhiên theo ông Yann Casen ở xứ sở của rượu vang, hard seltzer khó thể nào mà chiếm tới  20% thị phần như tại Hoa Kỳ, có lẽ cũng vì người Pháp gắn bó với nhiều truyền thống ẩm thực.

Ngoài bia và rượu vang, còn có các loại sâm banh, rượu táo, rượu mật ong (hydromel), các loại rượu mùi với trái cây như Cointreau hay với thảo mộc như Génépi hay Gentiane, chưa kể đến nhiều loại khai vị như Pastis, tiêu hóa như Calva, Cognac, Armagnac ….. Về phía hard seltzer, loại thức uống chủ yếu nhắm vào đối tượng 20-45 tuổi, nhất là thành phần không thích có quá nhiều cồn và đi tìm một thức uống ‘‘khác lạ’’ so với rượu bia. Tuy vậy, theo lời cô Anne-Laure Charrier, thuộc công ty BrewDog, hard seltzer không phải là nước khoáng hay nước suối mà cần được đặt trong gian hàng dành cho các thức uống có độ cồn.   

Kết hợp mùi vị khác lạ : hoa bia, dưa leo, khuynh diệp …

Về điểm này, công ty BrewDog của Scotland đã tung ra hiệu Clean & Press, Coca-Cola thì gợi hứng từ nước suối của Mexico để kinh doanh hiệu Topo Chico tại Pháp, sau khi chinh phục được 5 nước châu Âu từ năm 2019. Trong số các thương hiệu do chính các công ty Pháp sản xuất, có Alqua của công ty phân phối nước khoáng Ogeu, nhóm Syndicat thì chọn Fefe để độc quyền phân phối trong các quán bar có đăng ký theo hợp đồng, tập đoàn Carrefour khai thác hiệu Vybz, còn Pernod Ricard thì lần đầu tiền sản xuất thức uống với độ cồn thấp nhất qua hiệu Bewiz.

Tất cả đều sử dụng ít nhiều mùi trái cây như cam, buởi, xoài với chanh dây, quả anh đào hay dâu tây. Duy chỉ có hiệu Fefe do được dùng để chế biến cocktail với nhiều loại rượu khác, cho nên có mùi vị kết hợp khá độc đáo là dưa leo và khuynh diệp. Hiệu này từng đoạt giải nhân các cuộc thi pha rượu nhờ cách pha chế của Jean Munos, thuộc công ty giải trí cao cấp Paris Society. Về phần mình, nhà sản xuất Yann Casen tung ba kiểu chai với mùi vị khác lạ : quả chanh với hạt bách, quýt sành với hoa bia, trái lựu và quả mọng açaï (đến từ Brazil).

Cuộc chạy đua đã thật sự khai màn nhưng thương hiệu nào sẽ về đầu là còn tùy theo sự hưởng ứng của thực khách Pháp. Tuy thịnh hành tại Mỹ, nhưng khi được đưa vào khai thác tại Pháp, hard seltzer lại vướng phải hai trở ngại tâm lý. Thứ nhất về cách trình bày, thực khách Pháp thường có tâm lý thích uống chai hơn là uống lon, kể cả bia : thực khách vẫn thích bia chai hay bia hơi. Thứ nhì, hard seltzer được bán khoảng 6 euro (giá siêu thị) tức là thuộc vào loại thức giải khát thượng hạng, trong khi giá của một lít bia thông thường là 2 euro. Đây có lẽ là trở ngại lớn nhất trong việc chinh phục đối tượng thanh niên, vì do túi tiền eo hẹp, cho nên giới trẻ (nhất là ở độ tuổi sinh viên) thường có tâm lý “uống rẻ mà uống nhiều”.

Bình Luận