31-12-2121 . bởi Phạm Tâm

Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 31/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự hội nghị tại trụ sở chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhận định, ngành khoa học và công nghệ đã góp phần tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực.

Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nâng cao quản lý hoạt động khoa học và công nghệ địa phương, hỗ trợ các địa phương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, góp phần khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 gây ra…

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới quốc gia từng bước phát triển, đáp ứng được yêu cầu đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là nhân tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là yếu tố thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Theo đó, năm 2022, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ, Bộ tập trung triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, triển khai hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam.

Đặc biệt, tập trung đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off); thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có tiềm năng tăng trưởng mạnh…
Trong khuôn khổ hội tổng kết đã diễn ra Lễ ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, trong đó tập trung vào các biện pháp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở những thị trường nước ngoài trọng điểm, nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Theo đó, kế hoạch phối hợp tập trung vào nghiên cứu thực trạng hoạt động hỗ trợ và khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể có liên quan; tập huấn về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; xây dựng, phát hành và đăng tải các tài liệu, ấn phẩm hướng dẫn dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu và chủ sở hữu, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý; thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm.
Sở hữu trí tuệ nói chung, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý nói riêng đang ngày càng khẳng định vai trò là công cụ đắc lực trong hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Vì vậy, kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài  được ký kết kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và đặc sản các vùng miền ở nước ngoài.

Trước mắt, kế hoạch phối hợp hỗ trợ sẽ lựa chọn ba sản phẩm: vải thiều của tỉnh Bắc Giang, xoài quả của tỉnh Đồng Tháp, nhãn quả và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có đề xuất hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở các thị trường nước ngoài, việc hỗ trợ sẽ được mở rộng cho những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng khác, nếu đó là sản phẩm đặc sản của địa phương./.

Thu Hà

Bình Luận