13-06-2222 . bởi Phạm Tâm

Học cách người Thái đưa nông sản vào Trung Quốc

Trong bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này của Thái Lan sang Trung Quốc liên tục tăng cao.

https://thegioihoinhap.vn/data/uploads/2022/06/anh-anhien-vai-bac-giang-xuat-khau-2587.jpg

Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: AH.

Đáng chú ý, là nước có vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc nhưng Việt Nam hiện chỉ có chín loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, trong khi Thái Lan có 22 loại. Riêng trong năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu hơn 875.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam vẫn chưa được phép xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết là nước tiếp giáp với Trung Quốc, nông sản Việt Nam được xuất khẩu theo hai con đường là đường bộ và đường biển. Việt Nam có đường sắt chạy thẳng sang Trung Quốc nhưng chủ yếu chở hàng khô và phải chuyển container nhiều lần nên doanh nghiệp xuất khẩu trái cây không mặn mà.

Với Thái Lan, vì không giáp với Trung Quốc nên nông sản Thái Lan phải quá cảnh qua nhiều nước. Trong số những địa chỉ quá cảnh đó có cửa khẩu Hữu Nghị của Việt Nam.

Đặc biệt, ngoài xuất khẩu qua đường bộ thì Thái Lan còn tận dụng đường biển để đưa hàng sang Trung Quốc. Họ không sử dụng tàu lớn mà dùng các tàu nhỏ, mỗi lượt đi khoảng vài trăm container chuyên chở hàng nông sản, trái cây… đi thẳng sang Trung Quốc. Không chỉ vậy, Thái Lan còn tận dụng thêm đường sắt cao tốc của Lào và đường hàng không.

“Vừa rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Trung Quốc siết chặt thông quan, nông sản của Thái Lan xuất sang Trung Quốc qua đường bộ cũng bị ảnh hưởng. Nông sản nằm chờ thông quan lâu bị hỏng, thối nhiều nên họ đã tìm nhiều cách khác nhau như đàm phán với Trung Quốc dùng máy bay chở hàng hoặc nhận hàng bằng cách đi qua đường sắt cao tốc nối Lào – Trung Quốc. Thái Lan mới sử dụng máy bay chở hàng sang Trung Quốc vào tháng 3, tháng 4 năm nay để chở sầu riêng, măng cụt, chôm chôm” – ông Nguyên nói.

Đại diện một số doanh nghiệp thông tin thêm để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ Thương mại Thái Lan đã xúc tiến bán trái cây thông qua các hợp đồng ứng trước lên tới 450.000 tấn, chủ yếu với Trung Quốc. Đặc biệt trong nỗ lực nhằm tạo điều kiện xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sau khi bị ảnh hưởng bởi chính sách “zero Covid”, Bộ Thương mại Thái Lan cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Trung Quốc mở cửa khẩu biên giới để giúp giải phóng trái cây Thái Lan…

Không chỉ đa dạng cách đưa hàng sang Trung Quốc mà việc Thái Lan xây dựng thương hiệu nông sản cũng rất chuyên nghiệp, bài bản. Trở về từ Thaifex 2022 (hội chợ thực phẩm lớn nhất Thái Lan vừa tổ chức tại Bangkok), các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nông sản lớn của Việt Nam mang theo nhiều trăn trở, suy tư.

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Quảng Thanh, nhận xét về chất lượng sản phẩm, người Thái đã có uy tín nhiều năm nay, mình thiệt hơn họ ở chỗ đó, về mẫu mã bao bì cũng vậy. Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm mới cải tiến, có khả năng hội nhập với quốc tế. Nhưng sản phẩm nông sản Việt Nam muốn được như người Thái thì chúng ta cần xác định mọi người dân Việt Nam phải đồng lòng, ủng hộ chuyện đó.

“Qua Thái Lan, chúng tôi thấy cơ sở hạ tầng, quản lý triển lãm, sự kiện hội chợ, quản lý chợ, các điểm bán nhỏ lẻ, quản lý giao thông của họ cực kỳ tốt. Do vậy họ làm gì cũng có hệ thống, không manh mún, không bán nhỏ nhiều, bán nhỏ nhiều chỉ dành cho các hộ gia đình. Muốn được như Thái Lan thì cả cộng đồng phải vô cuộc với tinh thần đó thì hàng Việt Nam mình cất cánh mới xa được” – bà Hương nhấn mạnh.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết khi đến Thái Lan mới đây, đoàn doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp xúc với cố vấn trưởng của đội ngũ cố vấn cho Bộ Nông nghiệp Thái Lan. Đoàn đã gửi một số câu hỏi với nội dung: Nông dân Thái Lan được hỗ trợ thế nào mà họ thành công như vậy? Các ông có gặp khó khăn khi hướng dẫn nông dân Thái Lan trong xây dựng nông sản đạt quy chuẩn?…

“Trả lời câu hỏi, phía Thái Lan cho biết nông dân Thái Lan không thiết tha làm theo các tiêu chuẩn mà luôn yêu cầu những hỗ trợ về tài chính, chính sách. Nhưng cả hai giải pháp hỗ trợ đó đều sẽ không thành công. Giải pháp hiệu quả nhất là phải thay đổi tư duy của nông dân. Chính họ phải là người tự quyết định sự thành công hay thất bại, họ cần tự trăn trở với chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức một hệ sinh thái đồng hành xuyên suốt, hỗ trợ, giúp đỡ khó khăn với người dân” – bà Hạnh nói.

Bên cạnh đó, bà Hạnh cho rằng nông dân Thái Lan đã có những bước phát triển hơn so với Việt Nam. Họ đã đi vào chế biến sâu với trình độ cao hơn. “Trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng” – bà Hạnh dẫn chứng.

Bình Luận