15-02-2222 . bởi Phạm Tâm

Kiều bào Việt “đau đáu” nỗi niềm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên đất mẹ

“Nếu như đất nước thứ 2 nơi tôi đang sinh sống họ sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi thì tôi rất mong đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng có thể để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển…”

Tối 14/2, tại Hà Nội, Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp vừa được tổ chức dưới dự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Ngoại giao.

Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng trên 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực và hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sự kiện được hai bộ đồng tổ chức nhằm tri ân sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Qua đó, kỳ vọng kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.

“Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo chương trình quốc gia “Mỗi phường xã một sản phẩm” của Việt Nam”, ông Nam nói.

Tại sự kiện, nhiều kiều bào là lãnh đạo các hội doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài, những Việt kiều đã trở về quê hương đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp… đã có các chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất với Bộ NN&PTNN cũng như trực tiếp Bộ trưởng Lê Minh Hoan về con đường xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Kiều bào Việt "đau đáu" nỗi niềm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên đất mẹ ảnh 1

ĐỂ ĐƯA NÔNG SẢN VIỆT RA THẾ GIỚI, DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT NẮM BẮT CƠ HỘI

Phần chia sẻ đầu tiên tại diễn đàn đến từ đại diện của Pacific Foods – một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đưa nước mắm Việt tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng như xúc tiến đưa vải thiều sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, hay xuất gạo ST25 sang Canada và Vương quốc Anh.

Khẳng định có một tình yêu to lớn với nông nghiệp, coi việc đưa sản phẩm nông sản Việt ra quốc tế là một vinh dự, niềm tự hào, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Pacific Foods đã đưa ra 8 kiến nghị, đề xuất để đưa góp phần đưa nông sản Việt ra thế giới trong bối cảnh khó khăn do trong và hậu dịch COVID-19.

Đầu tiên là kiến nghị về cơ chế giảm thuế, phí với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ 2 là về chính sách về tín dụng ngân hàng. Ông Linh kiến nghị cho phép doanh nghiệp nông nghiệp được tạo cơ chế để phát hành trái phiếu với lãi suất thấp trong vòng 3-5 năm để tạo nguồn vốn, tái cơ cấu sản xuất, sớm phục hồi sau đại dịch.

Thứ 3 là có chính sách tổng thể hỗ trợ người lao động, trong đó có vấn đề bảo hiểm. Về kiến nghị này, ông Linh cho biết sẽ xin gửi trực tiếp tới bộ, ngành liên quan.

Kiều bào Việt "đau đáu" nỗi niềm phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên đất mẹ ảnh 2

Thứ 4 là phối hợp nguồn lực của Chính phủ như xem xét giảm ít nhất 20% tiền điện; giải quyết các vấn đề tổng thể liên quan tới việc làm, cũng như dịch chuyển nguồn lao động.

Thứ 5 là kiến nghị liên quan đến chiến lược quản trị quốc gia trong dài hạn. Cần có biện pháp huy động và tập hợp trí tuệ của chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để tư vấn xây dựng các kịch bản vừa phòng chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế trong dài hạn.

Theo ông Linh, các kế hoạch này cần được nhìn xa hơn, dự báo xa hơn. Các tình huống cần được tiên liệu toàn diện, cụ thể hơn từ nhiều góc độ. Các biện pháp, kế hoạch cần được thiết kế sát thực tế, nhìn nhận thấu đáo hơn.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần có có các đầu mối tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng để tập hợp trình Chính phủ xem xét và có những chỉ đạo kịp thời.

Thứ 6 là kiến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp xuất khẩu. Chẳng hạn, như xin cơ chế xuất khẩu gạo trực tiếp, thay vì xuất qua một đơn vị khác vì không đủ tiêu chí xuất khẩu.

Thứ 7 là kiến nghị cơ chế bảo trợ truyền thông, xử lý khủng hoảng tầm quốc gia, quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp. Ông Linh lấy ví dụ về việc nước mắm từng bị cho là nhiễm asen. Dù chỉ một số sản phẩm nằm trong khu vực bị nhiễm, nhưng hầu như tất cả doanh nghiệp liên quan đều bị ảnh hưởng.

Cuối cùng là về cơ chế hỗ trợ về phí, thủ tục với doanh nghệp sản xuất nông nghiệp trong dịch COVID-19 như miễn, giảm phí cầu đường, bởi nông sản dễ bị hư hỏng, cần được lưu thông kịp thời.

Ngoài ra, theo ông Linh, trong xu hướng hội nhập kinh tế, Việt Nam được hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới. Song cùng với đó, hàng rào kỹ thuật sẽ được nâng lên. Vì thế, ông Linh cho rằng cần có một giải pháp tổng thể, kịp thời, cập nhật các xu hướng kinh tế mới để các doanh nghiệp, trong đó có Pacific Foods phát triển hơn nữa trong tương lai.

Bình Luận