Lạc quan triển vọng xuất khẩu rau quả đầu năm 2023
Trong tháng đầu năm mới, ngành rau quả đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ việc mở cửa thị trường Trung Quốc và nhu cầu các thị trường khác cũng tăng cao.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân khiến trái cây trở thành mặt hàng được xuất khẩu mạnh trong tháng đầu năm là do Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 đã tạo đà cho xuất khẩu năm 2023.
Thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng chính sách “Zero Covid”. Trung Quốc cũng đã cấp phép để sầu riêng, chanh leo và khoai lang của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó, những loại quả khác như thanh long, xoài, chuối… cũng sẽ được Trung Quốc tăng nhập khẩu, bởi nước này vừa trải qua hạn hán, nhiều diện tích canh tác bị ảnh hưởng. Do đó, nông sản Việt có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu, nhất là cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, thủy sản… thu về giá trị cao tại các thị trường khó tính.
Ngoài ra, nhu cầu tại các thị trường cũng tăng trong dịp lễ hội đầu năm nên trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới các thị trường như Hàn Quốc, thị trường Đài Loan, Hà Lan… cũng tăng trưởng tốt trong tháng đầu năm.
Theo thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), từ ngày 28/1 (mùng 7 Tết Quý Mão 2023), hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam đã khôi phục hoàn toàn sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo đó, các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn đã trở lại bình thường. Theo cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tính riêng ngày 27/1 (mùng 6 Tết), tại 4 khu vực cửa khẩu đường bộ, gồm Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam đã có 242 xe hàng xuất nhập khẩu. Trong đó, xuất khẩu 177 xe chủ yếu là hoa quả, nhập khẩu 65 xe.
Một tín hiệu đáng mừng khác được Văn phòng SPS Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, là từ ngày 14/2/2023, rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây của Việt Nam khi xuất sang thị trường châu Âu sẽ không còn bị kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, đối với các loại rau gia vị xuất xứ từ Việt Nam trước đây bị lấy mẫu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức 50% (gồm rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây) hiện đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Chỉ còn sản phẩm duy nhất là ớt tươi với tần suất kiểm tra là 50%.
Tuy nhiên, đậu bắp sản xuất tại Việt Nam đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II, với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật do phía Việt Nam cấp. Tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với đậu bắp tại cửa khẩu EU được quy định là 50%.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tập trung sản xuất phù hợp với những quy định và luật lệ quốc tế. Đặc biệt là những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng thế giới để xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong tuần đầu tiên của năm mới, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group đã xuất hàng chục container sầu riêng sang Trung Quốc. Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho hay, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1/2023 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng này. Mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh do vậy đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc.
Phương Thảo
Bình Luận