24-05-2222 . bởi Phạm Tâm

Rộng cửa thị trường cho ngành hàng nông sản thực phẩm lên men

Dư địa thị trường trong nước lẫn ngoài nước cho ngành hàng nông sản thực phẩm lên men được cho là còn rất lớn, lượng tiêu thụ không ngừng tăng vọt. Điều quan trọng là các nhà sản xuất trong nước cần có sự đầu tư vào khâu chế biến, đa dạng hoá các dòng sản phẩm, “bắt trend” xu hướng tiêu dùng mới… Đó cũng là cách góp phần tránh chuyện “giải cứu” cho nông sản Việt.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sông Hương Foods, cho biết dự kiến vào tháng 5/2022 khi thủ tục hoàn tất sẽ xuất khẩu (XK) lô hàng đầu tiên cho dòng sản phẩm được làm từ cà pháo lên men. Các thị trường đang được công ty nhắm tới là Mỹ, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), trước tiên là dành cho khách hàng Việt kiều, và sau đó sẽ dành cho người nước ngoài.

Cà pháo đến thời xuất ngoại

Theo ông Tuấn, lâu nay người ta quen nói “cà phê cà pháo”. Cà phê Việt đã XK đi khắp thế giới thì bây giờ đến lượt cà pháo Việt với nguồn cung dồi dào sẽ cần được xuất đi sau quá trình lên men, chế biến ra nhiều dòng sản phẩm.

HINH-1441-1650379857.jpg

Như lưu ý của vị chủ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ này, cà pháo là loại trái đặc trưng của Việt Nam. Ở trong nước có rất nhiều loại trái đã phải “giải cứu” nhưng với cà pháo thì chưa bao giờ phải “giải cứu”. Điều mà công ty mong muốn là sẽ nâng tầm loại trái này với nhiều phương thức chế biến đa dạng, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi.

Chia sẻ bên lề tọa đàm tổ chức ở Tp.HCM ngày 19/4 để bàn về dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men, ông Tuấn cho rằng để XK mặt hàng chế biến từ cà pháo lên men đạt hiệu quả thì rất cần truyền thông rộng rãi đây là sản phẩm nổi tiếng ở Việt Nam. 

“Điều này đòi hỏi cần đáp ứng khẩu vị của người Việt trước đã. Như sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt dòng sản phẩm cà pháo chua cay với khẩu vị riêng dành cho người trẻ, đó cũng là cách để bắt trend (xu hướng)”, ông Tuấn nói.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 đến năm 2021, lượng hàng tiêu thụ cà pháo của Sông Hương Foods tăng vọt so với ngày thường, giúp mang lại hàng chục tỷ đồng doanh thu. Để hướng đến nâng tầm cho sản phẩm cà pháo, phía công ty đã đầu tư nhà máy chuyên sản xuất và chế biến những món liên quan đến cà pháo ở tỉnh An Giang.

Với việc phát triển mạnh món cà pháo trong thời gian qua, ông Tuấn chia sẻ niềm vui là đã tạo ra cho người nông dân trồng cà pháo thêm đầu ra cho sản phẩm. Và chính những người nông dân trồng ớt, tỏi, gừng, riềng cũng vui lây khi nông sản của họ không phải lo “giải cứu”, bán lỗ…

Ở góc độ của một chuyên gia trong ngành hoá thực phẩm, PGs.Ts. Trịnh Khánh Sơn (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TpHCM) cho rằng cà pháo và nhiều loại nông sản thực phẩm khác khi lên men đã mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

Theo ông Sơn, trên khắp các vùng miền Việt Nam, có nhiều loại nông sản sau khi lên men và chế biến đã được tiêu thụ rộng rãi. Dưới sự đầu tư, nghiên cứu, có những DN Việt đã phát triển những dòng sản phẩm nông sản lên men lên một tầm cao mới, có thể sản xuất nhiều hơn, đa chủng loại hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì được các dưỡng chất có lợi cho người tiêu dùng.

Không phải lo “giải cứu”

Thực ra, một số mặt hàng nông sản thực phẩm lên men lâu nay vẫn cung cấp chủ yếu vào thị trường ngách. Tuy vậy, thị trường ngách này vẫn rất giàu tiềm năng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt. 

Không chỉ vậy, theo giới chuyên gia, dư địa của hoạt động XK các dòng sản phẩm nông sản thực phẩm lên men còn rất lớn khi lĩnh vực này đang rất hút hàng trên thị trường thế giới. Điều này thì các DN Việt cần học hỏi năng lực của Hàn Quốc khi XK kimchi (một món ăn phụ truyền thống thường được làm từ cải thảo lên men, muối, bột ớt) cùng với món bắp cải cay lên men đang tăng cao kỷ lục trong thời gian qua.

Vấn đề quan trọng là các DN Việt cần tạo sự khác biệt, đầu tư máy móc, công nghệ nhằm chế biến sâu những thực phẩm lên men có giá trị cao để không chỉ tiêu thụ rộng rãi thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.

Như chia sẻ của ông Hiền, giám đốc một DN ở huyện Bình Chánh (Tp.HCM), để tạo sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại, công ty đã sản xuất sản phẩm tương ớt trải qua quá trình ủ lên men tự nhiên, không sử dụng phẩm màu, hương liệu, tạo ra độ cay phù hợp chuẩn vị quốc tế. 

Nhờ đó, theo ông Hiền, sản phẩm này đã được tiêu thụ rộng rãi qua các hệ thống siêu thị và có mặt ở nhiều sàn thương mại điện tử. Công ty cũng đã XK sang thị trường Australia và được khách hàng rất ưa thích.

Hoặc như Công ty TNHH Trang Trại Việt ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã bỏ ra 2 năm để chế biến thành công sản phẩm rượu dưa lưới lên men tự nhiên. Trong quá trình làm, công ty này phải tuân theo quy trình tiệt trùng chặt chẽ.

Công ty này còn chế biến món dưa lưới non ngâm 5 vị với nguyên liệu là trái dưa lưới non trồng theo chuẩn hữu cơ. Cách chế biến cũng rất khác biệt vì trang trại sử dụng giải pháp sấy lạnh để giữ được dưỡng chất của trái tươi. Quy trình lên men và ngâm chua cũng hoàn toàn tiệt trùng để sản phẩm ngon và giữ được thời gian lâu mà không cần sử dụng bất kỳ chất phụ gia, bảo quản.

Từ việc rộng cửa thị trường đầu ra cho ngành hàng nông sản thực phẩm lên men, giới chuyên gia còn nhấn mạnh việc bằng cách lên men những thứ sau thu hoạch thì nông sản Việt có thể được tiêu thụ dần trong một thời gian dài. Qua đó sẽ góp phần tránh được chuyện phải “giải cứu” khi gặp bất trắc.

                                              Thế Vinh

Bình Luận