24-05-2121 . bởi Phạm Tâm

Lô vải thiều đầu tiên đã đến thị trường Nhật Bản

Ngày 23/5, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên qua đường hàng không đã đến thị trường Nhật Bản.

Lô vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Nhật Bản đầu tiên trong vụ vải năm nay đã tới thị trường nước này vào sáng 23/5, báo Hải Dương đưa tin.

Đây là lô vải thiều được công ty CP Ameii Việt Nam xuất khẩu bằng đường hàng không vào đêm 22/5. Đến đêm 23/5 công ty tiếp tục xuất khẩu lô vải thiều thứ hai sang thị trường Nhật Bản. Và từ ngày 24/5, mỗi ngày công ty sẽ xuất khẩu 5 tấn vải thiều sang thị trường này. 

Năm 2020, Nhật Bản chính thức chấp thuận nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam. Trong năm đầu tiên, Công ty CP Ameii Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 30 tấn vải sang Nhật

Theo kế hoạch, vụ vải năm nay công ty sẽ xuất khẩu khoảng 300 tấn vải thiều sang thị trường này. Ngoài ra, đơn vị có kế hoạch xuất khẩu từ 700 – 1.000 tấn vải sang thị trường các nước khác như Singapore, Mỹ, Australia…

Năm nay, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) giám sát công tác xông hơi khử trùng vải thiều khi xuất khẩu sang thị trường nước này.

Do đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ cử hai chuyên gia của đơn vị giám sát xông hơi khử trùng và thực hiện kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu vải thiều ở ngay tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn). 

Hoạt động này được thực hiện trong suốt thời gian thu hoạch, giúp việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản được thuận lợi.

Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300 ha, Chí Linh có hơn 3.500 ha với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn.

Toàn tỉnh có 45 vùng vải với tổng diện tích 450 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Bình Luận