Sản xuất xanh, nông sản Việt ‘lên hương’ ở Australia, ‘Lệnh 248’ và ‘249’ của Trung Quốc
Sản xuất xanh là trách nhiệm xã hội
“Ngày xưa mình nghĩ bán sản phẩm đơn giản lắm, thuận mua vừa bán là được… Nhưng vừa rồi, tôi làm việc với Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia của họ cảnh báo rằng, một ngày nào đó, thị trường nước ngoài sẽ yêu cầu trên bao bì sản phẩm nông nghiệp phải ghi là “sản xuất theo quy trình không phát thải khí CO2”.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan tại toạ đàm về chủ đề “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp”, ngày 16/11.
Lập luận về quan điểm sản xuất xanh không chỉ để tạo ra hàng hoá, mà nó còn là trách nhiệm xã hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích: Bà con cứ nghĩ thêm được vài chục kg, thêm được 1 tấn cam thì họ được bao nhiêu tiền. Nhưng bà con đâu biết, tất cả đều là sự đánh đổi, kể cả đánh đổi sức khoẻ của người tiêu dùng, của chính người sản xuất.
Nhiều khi bà con chỉ tính chi phí mua phân, mua thuốc, mua giống, thuê đất, thuê lao động… nhưng còn những chi phí vô hình cho sức khoẻ con người, cho sự bạc màu của đất đai, sự biến dạng của thiên nhiên họ đâu có tính. Cho nên, nền nông nghiệp đánh đổi rất lớn nếu chúng ta tính hết chi phí.
Bàn về tư duy chiến lược phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cũng cần bỏ suy nghĩ an ninh lương thực là gạo. Bởi vì, lương thực không chỉ là gạo, mà là những loại ngũ cốc, có chất đạm, chất béo để nuôi sống con người. Ở Nhật Bản không còn tư duy như vậy nữa. Họ đưa ra khái niệm: “An ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng”.
Cũng về tư duy nông nghiệp, ông Hoan cho rằng, chúng ta cũng phải bỏ đi tư duy “làm cho rồi, làm cho xong”. Đó là tư duy của người thất bại. Các nước thành công, trước khi làm gì họ cũng đưa ra rất nhiều giải pháp, đến bao giờ họ nghĩ rằng không còn giải pháp nào hay hơn nữa thì mới bắt tay vào làm. Biết đâu có những giá trị mà chúng ta chưa đào sâu suy nghĩ mới là cái cốt lõi để tạo ra sự đột biến, ông Hoan phân tích.
Thương hiệu hàng nông sản Việt Nam đang lên cao tại Australia
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Australia liên tục có sự khởi sắc. Tính chung trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt gần 9,1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng hàng nông sản đã tăng cao hơn 32%. Cụ thể, hàng rau quả tăng 32,27%, thủy sản tăng 22,48% và đặc biệt là gạo tăng 25,43%.
Có một điểm rất thú vị đó là Australia được định vị là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, có khả năng sản xuất gạo với sản lượng tương đối cao. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp nước bạn đã chủ trương giảm nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, nhưng gạo Việt Nam vẫn được ưu tiên nhập khẩu với số lượng lớn.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam neo cao ở mức 528 USD/tấn
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài tiếp tục tăng tháng thứ 4 liên tiếp, tháng 10 tăng 4,1% về lượng, tăng 9,8% về kim ngạch và tăng 5,5% về giá so với tháng 9/2021. So với tháng 10/2020 thì tăng mạnh 70,4% về lượng, tăng 67,8% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 1,5%, đạt 618.120 tấn, tương đương 321,94 triệu USD, giá trung bình 520,8 USD/tấn.
Tính chung cả 10 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo lại sụt giảm 3,1% về khối lượng, nhưng tăng 3,7% kim ngạch, tăng 7,1% về giá so với 10 tháng năm 2020. Cụ thể, cả nước xuất khẩu 5,183 triệu tấn gạo, thu về gần 2,74 tỷ USD, giá trung bình đạt 528,1 USD/tấn.
Nhu cầu và giá cả thực phẩm dự báo sẽ tăng mạnh trong dịp cuối năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ rau quả toàn cầu dự báo sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm. Đây cũng là yếu tố chính giúp cải thiện xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với hoạt động thông quan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc được khơi thông sẽ là những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong những tháng tới.
Mặt khác, nguồn cung trái cây khá dồi dào khi các loại quả có múi như cam, bưởi,… cho thu hoạch rộ; các loại rau vụ Đông miền Bắc thu hoạch cuối năm 2021 – đầu năm 2022.
Khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới sau dịch, các hoạt động ngoài gia đình và dịch vụ tăng. Dự báo nhu cầu thực phẩm như lợn, gia cầm… cuối năm và giá cả sẽ tăng trở lại.
[Sự kiện] Chương trình hấp dẫn cuối tuần: Thảo luận phát triển kinh tế nông nghiệp cho ĐBSCL
Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2021 (Vietnam Summit in Japan 2021) – sự kiện lớn quan trọng nhất của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ diễn ra xuyên suốt hai ngày 20-21/11/2021. Với hơn 30 diễn giả uy tín, gần 50 khách mời là các nhân sĩ trí thức như giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư Hồ Tú Bảo, bà Phạm Chi Lan, bác sĩ – đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu.., doanh nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước như Diva Thanh Lam, đại diện các thành phần cộng đồng người Việt tại Nhật và các hội trí thức các nước trên thế giới, sẽ cùng tham gia thảo luận, chia sẻ góc nhìn về các chủ đề trọng yếu.
Trang web: https://vietnamsummit.org/
Đăng ký miễn phí: https://go.vietpro.jp/dkivns2021
‘Lệnh 248’ và ‘Lệnh 249’ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam
Từ 1/1/2022, Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc sẽ có hiệu lực và dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
“Lệnh 248” và “Lệnh 249” về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc ban hành có hiệu lực từ 1/1/2022 với những điểm mới: Đối với hệ thống quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài; bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát, yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia xuất khẩu.
Đối với doanh nghiệp, trách nhiệm chính của doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi nhập khẩu thực phẩm có nghĩa vụ tự chủ kiểm soát cho nhà nhập khẩu. Hai Lệnh 248, 249 cũng nhấn mạnh việc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký khi sản xuất và xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Philippines tăng tốc nhập khẩu thịt heo
Hội đồng các nhà sản xuất thịt heo quốc gia (NPPC) của Mỹ cho biết Philippines đang cố gắng thúc đẩy nhập khẩu thịt heo nhanh hơn để hạ nhiệt mức giá cao do nhu cầu mạnh trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi (ASF) và các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo NPPC, Bộ Nông nghiệp Philippines đã mở rộng hạn ngạch khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) đối với thịt heo nhập khẩu để cung cấp sản phẩm ra bên ngoài các khu vực đô thị của Manila, Bulacan, Rizal, Laguna và Cavite, đồng thời cho phép bán thịt heo cho các nhà chế biến và tổ chức không chỉ là nhà bán lẻ.
Trong 8 tháng đầu năm nay, NPPC cho biết xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang Philippines đã tăng đáng kể, lên gần 185 triệu USD, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2020.
Cô gái 9X khởi nghiệp thành công từ tình yêu ‘xương rồng, sen đá’
Trang trại Flower Land của chị Trần Hồng Thảo (sinh năm 1992), nằm ở khu dân cư Ngân Thuận, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, rộng khoảng 750m2, với hơn 50.000 cây của hơn 100 giống xương rồng, sen đá khác nhau. Để có được trang trại của riêng mình, chị Trần Hồng Thảo đã trải qua 7 năm thăng trầm và không ít lần thất bại nặng nề.
Để có lượng khách hàng đa dạng hơn, vào năm 2019, chị Trần Hồng Thảo đã mạnh dạn nâng cấp giống cây. Từ những loại bình dân dành cho khách hàng là sinh viên, người mới tập chơi, chị đã tìm mua giống từ Thái Lan giá cao gấp mấy chục lần dành cho khách hàng có kinh tế, ưa sưu tầm cây độc lạ. Hiện tại, chị Thảo đang sở hữu bộ sưu tập các cây xương rồng Gymno đột biến lên đến hơn 1.000 cây có giá trị từ vài trăm đến vài chục triệu đồng (tùy kích thước, chủng loại, hàng gieo hạt…).
Khởi nghiệp với đơn hàng đầu tiên 700.000 đồng, đến nay, chị Trần Hồng Thảo đã có hàng ngàn đơn hàng trong và ngoài nước, với mức doanh thu cao.
Bình Luận