Sau 5 năm đề xuất, quy định ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” vẫn không thể ban hành
Từ năm 2018, sau loạt ồn ào liên quan một hãng tivi nhập gần như toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc rồi bán với thương hiệu Việt Nam nhưng chưa có hướng xử lý, Bộ Công thương đề xuất xây dựng quy định hàng “sản xuất tại Việt Nam” (made in Vietnam), tuy vậy đến nay quy định vẫn chưa được ban hành.
Sau 5 năm, Bộ Công thương chưa thể ban hành quy định hàng sản xuất tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: cantho.gov.vn)
Tại báo cáo vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương cho biết Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp xác định, thể hiện hàng hóa trên bao bì là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” cho hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa.
Khi vụ việc một công ty sản xuất điện tử trong nước bị “tố” đội lốt nhập gần như toàn bộ hàng linh kiện từ Trung Quốc rồi đem về lắp ráp, bán trong nước vào năm 2018 với thương hiệu Việt Nam bên ngoài, nhưng cơ quan nhà nước lại chưa có hướng xử lý.
Sau vụ việc này, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam”. Sau 5 năm, quy định “made in Vietnam” vẫn chưa được ban hành.
Tại văn bản báo cáo, Bộ này đưa ra nhiều lý do chậm trễ ban hành.
Cụ thể, Bộ Công thương cho biết lúc đầu bộ có báo cáo Chính phủ xây dựng Thông tư “sản xuất tại Việt Nam”.
Nhưng đến năm 2019, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành nội dung thông tư thì phát sinh các chính sách vượt thẩm quyền của Bộ Công thương. Vì vậy, Bộ Công thương đã xin chuyển hướng sang xây dựng nghị định.
Tuy vậy, đến năm 2021, việc ban hành nghị định vẫn chưa được thực hiện vì lý do không còn cần thiết khi đã có một nghị định khác quy định về tiêu chí hàng made in Vietnam.
Đến tháng 5/2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp Thông tư, thay vì Nghị định. Nhưng lại chưa giải quyết vấn đề thẩm quyền.
Cơ quan này cũng cho biết thực tế hiện nay, khi Thông tư chưa được ban hành, doanh nghiệp vẫn đang thực hiện xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc của Nghị định 111.
Theo dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hoá do Bộ Công thương công bố hôm 1/8, hàng hóa cũng bị coi không phải hàng của Việt Nam khi chỉ dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự hay lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.
Cuối năm 2019, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết Asanzo nội địa hoá, lắp ráp tivi bằng cách bắt vít thủ công vào sản phẩm, không có dây chuyền công nghệ cao, tự động như quảng cáo của hãng.
Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng thông tin về việc Tập đoàn Sharp tố Asanzo giả mạo giấy tờ, lừa dối người tiêu dùng.
Theo báo Dân Trí, Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nói: “Vấn đề sử dụng cụm từ ‘Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản’ trong hoạt động quảng bá và in trên các sản phẩm, thì chúng tôi đã tiến hành xác minh với các cơ quan và các đối tác ở nước ngoài và cũng làm việc với công ty Sharp tại Việt Nam thì cũng đã khẳng định hợp đồng về chuyển giao công nghệ với Shap-Roxy Hồng Kông là hợp đồng giả mạo”.
Theo cơ quan hải quan, về chữ ký và con dấu trên Hợp đồng: Khi thay đổi tên Công ty từ Sharp-Rosy (Hongkong Ltd) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong (31/10/2016) thì từ thời điểm này con dấu sẽ không còn hiệu lực; về chữ ký trên Hợp đồng thì không xác định được người ký.
Qua xác minh của Cơ quan Hải quan với đối tác nước ngoài cho thấy kết quả đúng như xác nhận của đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam.
Nguồn trithucvn.org.
Bình Luận