Tranh cãi lộ trình ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm Việt
Quy định về ghi nhãn dinh dưỡng với các mặt hàng thực phẩm Việt là cần thiết. Tuy nhiên, lộ trình, cách thức thực hiện như thế nào cho phù hợp vẫn đang có những ý kiến trái chiều, nhất là nỗi lo gây tốn kém, cập rập, khó đáp ứng theo yêu cầu… Điều này rất cần khâu hoạch định chính sách lưu tâm điều chỉnh.
Mới đây, góp ý với Dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm (đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đến ngày 30/5/2022), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) đã bày tỏ mối băn khoăn về lộ trình thực hiện.
Lo phát sinh tốn kém
Cụ thể, tại Điều 8 lộ trình thực hiện, Khoản 1 của Dự thảo có nêu rõ: “Đến ngày 01 tháng 01 năm 2024, thực phẩm được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm”.
Theo Vasep, lộ trình thực hiện này là quá ngắn, chỉ hơn 1 năm, rất khó cho doanh nghiệp (DN) kịp chuyển đổi, trong khi ở EU và Nhật Bản đều cho lộ trình chuyển tiếp là 5 năm.
Hơn nữa, như chia sẻ của ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep, lộ trình này áp dụng cho cả sản phẩm đã sản xuất, lưu thông trên thị trường trước thời gian chuyển tiếp, thậm chí trước cả ghi thông tư ban hành, là trái với Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định “hàng hóa đã sản xuất, nhập khẩu, lưu thông…tiếp tục được lưu thông, sử dụng đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa”.
Nếu như thế, theo đại diện của Vasep, sẽ dẫn đến việc nhiều mặt hàng đang lưu thông trên thị trường nhưng đến ngày 1/1/2024 dù vẫn còn hạn sử dụng lại bị thu hồi do không đáp ứng yêu cầu ghi nhãn của Thông tư mới. Như thế sẽ gây ra tốn kém hàng chục ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội và đời sống của người dân.
Ngoài ra, ở Điều 8, lộ trình thực hiện, Khoản 2 của Dự thảo có nêu: “Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2025 sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm”.
Yêu cầu như trên cũng được Vasep cho là bất hợp lý, vì các thực phẩm sản xuất thủ công bởi các hộ gia đình như bánh tét, bánh chưng, bánh dày…sẽ không thể có khối lượng và thành phần chính xác như sản xuất công nghiệp, nên không thể đáp ứng yêu cầu của Dự thảo.
“EU, Trung Quốc, Nhật Bản đều có loại trừ cho các sản phẩm sản xuất thủ công. Quy định như Dự thảo sẽ khiến các sản phẩm sản xuất thủ công bị cấm bán, đánh thẳng vào sinh kế của nhiều lao động và hộ gia đình tại nông thôn. Nguy cơ gây ra bất ổn xã hội và đói nghèo, cái lợi cho sức khỏe thì không rõ ràng mà cái hại cho xã hội thì to lớn”, phía Vasep bày tỏ lo ngại.
Qua trao đổi với VnBusiness, một số chủ cơ sở thực phẩm sản xuất thủ công và những người làm các mặt hàng thực phẩm gọi nôm na là “nhà làm” đã bày tỏ sự bối rối về lộ trình thực hiện như Dự thảo đề ra. Dù biết rằng, việc thực hiện ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm tại Việt Nam hiện nay là rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Nên điều chỉnh cho phù hợp
Anh Nguyễn Thanh Tuấn – một người chuyên “mix” (pha trộn) đậu phộng theo kiểu “nhà làm” ở quận 11 (Tp.HCM) và kinh doanh trực tuyến (online), cho biết dù muốn tuân thủ quy định về ghi nhãn dinh dưỡng như Dự thảo đã đưa ra, nhưng với lộ trình đưa ra chậm nhất là đến đầu năm 2025 như vậy thì không biết có đáp ứng được hay không.
“Không chỉ vậy, bản thân người làm thực phẩm thủ công tại nhà khó có thể tính toán chính xác được thành phần, giá trị dinh dưỡng trong từng sản phẩm, rồi chi phí để thực hiện cũng không phải ít. Chả nhẽ, cứ mỗi hộp thực phẩm mình làm ra phải mang đi kiểm nghiệm tỷ lệ dinh dưỡng trong đó, rất là phức tạp”, anh Tuấn nói.
Về nỗi lo gây tốn kém chi phí, một số ý kiến cho biết với một sản phẩm kiểm định các chất dinh dưỡng thông thường, chi phí dao động từ trên 5 triệu đồng/lần. Với các sản phẩm kiểm định kỹ hơn về hàm lượng vitamin, khoáng chất…chi phí có thể lên tới 10-15 triệu đồng/lần.
Và nếu cơ sở sản xuất thực phẩm thủ công hay những người làm thực phẩm “nhà làm”, khi làm ra 10 loại sản phẩm khác nhau, mỗi lần kiểm nghiệm sẽ phải nhân 10 lần chi phí như trên mới đáp ứng được yêu cầu như Dự thảo của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trong mảng thực phẩm cũng đề nghị nên xem xét lại số các chỉ tiêu dinh dưỡng cần ghi, cách ghi, mẫu ghi trong Dự thảo này.
Theo đó, nên ghi 4 chỉ tiêu thay cho 7, giống các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, hoặc 5 chỉ tiêu như Nhật Bản và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để phân loại nhóm sản phẩm nào cần ghi chỉ tiêu gì.
Ví dụ nhóm sản phẩm thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán vốn có nhiều chất béo bão hòa thì mới cần ghi hàm lượng chất béo bão hòa, nhóm nước giải khát thường hay chứa nhiều đường thì mới cần ghi tổng đường.
Ngoài ra, các DN đề nghị nên chuyển yêu cầu ghi % Giá trị dinh dưỡng tham chiếu từ bắt buộc thành khuyến khích, giống Codex (một cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm) và các nước trong khu vực.
Riêng với lộ trình thực hiện như quy định tại Khoản 1 của Điều 8 của Dự thảo, nhiều DN đề nghị nên tăng thời gian chuyển tiếp từ hơn 1 năm lên 2 năm. Hơn nữa, các mặt hàng đã sản xuất, lưu thông trước thời hạn này được tiếp tục lưu hành đến khi hết hạn sử dụng cho phù hợp với các Nghị định của Chính phủ và không gây khó khăn cho DN, người sản xuất.
Thế Vinh
Bình Luận