Nút thắt cổ chai ở khâu sơ chế làm giảm giá trị hạt gạo
Sản xuất lúa đang bị thắt cổ chai ở khâu sấy hay còn gọi là năng lực sơ chế và năng lực lưu kho có hạn, dẫn đến việc là dù sản xuất lúa được bao nhiêu chăng nữa thì khối lượng lúa được sơ chế cũng chỉ bằng đúng nút cổ chai.
Sản xuất không đồng bộ dẫn đến thắt cổ chai khâu sơ chế- ảnh: Nguyễn Huyền
Diện tích lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 300 ngàn ha, chiếm khoảng 40% diện tích xuống giống. Dự kiến cuối tháng 4 sẽ kết thúc.
Giá lúa đang tăng, nông dân vẫn không có lợi nhuận
Ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty VRICE cho biết, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng từ 100 – 200 đồng/kg so với tuần trước. Giá lúa tăng do thời gian nghỉ dịch COVID-19 khá lâu và tàu bè cũng nghỉ theo nên bây giờ có nhiều khách hàng đang mua lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ký hợp đồng bán ra và thị trường Philippines cũng đang mua vào bình thường.
Khoảng 10 – 15 ngày nữa vụ Đông Xuân sẽ thu hoạch rộ và dù giá có tăng lên 200 hay 300 đồng/kg nhưng so với vụ Đông Xuân năm ngoái vẫn thấp từ 700 – 1.000 đồng/kg, trong khi đó năng suất lúa năm nay không cao và chi phí đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, giá nhiên liệu và cước vận chuyển đều tăng nên người nông dân không có lời như mong muốn, có một số bà con còn than bị lỗ.
“Giá lúa năm nay không cao như năm ngoái vì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế đang thấp so với năm rồi. Dù mặt bằng giá gạo xuất khẩu có giảm so với trước nhưng các đơn hàng của VRICE vẫn không giảm, do công ty chủ yếu xuất đi thị trường châu Âu và theo cam kết của hiệp định EVFTA thì gạo phải đạt chuẩn chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, cộng với chi phí làm bộ hồ sơ xuất khẩu cũng khá cao nên giá gạo xuất khẩu của công ty không giảm. Gạo thơm Jasmine công ty xuất khẩu sang thị trường EU giá 640 USD/tấn và gạo Nhật giá 590 USD/tấn”, Giám đốc Marketing Công ty VRICE nói.
Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng giám đốc Lộc Trời group, sản lượng vụ Đông Xuân lớn nhất, chất lượng lúa vụ Đông Xuân cũng là tốt nhất và theo bảng báo giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường trong 6 tháng vừa qua giá xuất khẩu, đặc biệt là giá gạo thơm và gạo trắng của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều nên giá bán ra thị trường gần như không thay đổi.
Lúa Đông Xuân có sản lượng lớn nhất trong năm và chất lượng tốt nhất so với vụ Hè Thu và Thu Đông nên có thời gian tồn trữ lâu hơn. Tuy nhiên, sản xuất lúa đang bị thắt cổ chai ở khâu sấy hay còn gọi là năng lực sơ chế và năng lực lưu kho có hạn. Điều này dẫn đến một việc là cho dù sản xuất lúa được bao nhiêu chăng nữa thì khối lượng lúa được sơ chế cũng chỉ bằng đúng nút cổ chai.
Nút thắt cổ chai làm cho giá bán lúa giảm
Lúa không được sơ chế và bảo quản đúng sẽ làm giảm chất lượng và giảm giá bán, và việc giảm giá này không do chất lượng, không phải do năng suất lúa mà do nút thắt trên chưa được giải quyết.
Nguyên nhân không phải do bản chất của một loại cây trồng nào mà do việc canh tác không đồng bộ, vì khi lúa được sản xuất ra nhiều mà năng lực sấy bị hạn chế sẽ làm cho hạt lúa giảm chất lượng.
“Vụ Đông Xuân thời gian “vàng” của hạt lúa trung bình là từ 24 đến 48 giờ, nếu trong khung giờ vàng hạt lúa không được sấy và bảo quản kịp lúc thì hạt sẽ bị ẩm vàng giảm chất lượng. Nếu hạt lúa vừa ẩm vàng thì phẩm chất sẽ bị giảm mạnh và ngoại hình cũng giảm kéo giá bán giảm theo.
Nếu nói về năng lực sấy ở Đồng bằng sông Cửu Long thì hoàn toàn đủ điều kiện, vì hiện nay ở khu vực này có rất nhiều lò sấy lúa nhưng do tổ chức sản xuất không đồng bộ nên đã xảy ra thắt cổ chai.
Sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thường xuống giống đồng loạt dẫn đến thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn trong một vài tuần khiến các lò sấy không thể nào đảm đương được hết. Như vậy, vấn đề ở đây là khâu tổ chức sản xuất thiếu bộ dẫn đến tạo ra nút thắt cổ chai và làm giảm hiệu quả chung của toàn ngành sản xuất lúa gạo”, Tổng giám đốc tập đoàn Lộc Trời khẳng định.
Khi nào có đơn hàng mới sản xuất
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, và hiện nay lượng lúa hao hụt của Việt Nam khoảng 8% -10%/năm, tương đương với 1,7 triệu tấn gạo, số lượng gạo này có thể nuôi cả một đất nước.
Hao hụt xảy ra ở các khâu từ thu hoạch đến quá trình vận chuyển, sấy, tồn trữ, xay xát và chế biến.
Ví dụ đến ngày lúa chín thu hoạch đúng ngày là tốt nhất nhưng do thiếu máy gặt đập nên thời gian thu hoạch bị trễ làm cho lúa bị rụng hoặc thu hoạch sớm hạt lúa còn xanh cũng gây ra hao hụt.
“Cái mà chúng ta thiếu là thiếu sự đồng bộ trong sản xuất chứ không phải do người nông dân sản xuất không tốt hay không có giống lúa chất lượng cao. Người nông dân Việt Nam đã trồng lúa hàng ngàn năm qua và chưa có ai nói là người nông dân Việt Nam không biết trồng lúa. Việt Nam cũng đã có hai giống lúa số 1 thế giới và gạo Việt Nam đang ở phẩm cấp rất cao trên thị trường thế giới.
Nếu nói do thời tiết không thuận lợi hay thiếu nước cũng không đúng vì Đồng bằng sông Cửu Long lúc nào cũng trồng lúa được, vào mùa khô thì có nước lũ qua mùa nước lũ thì đến mùa mưa nên khu vực này có nước quanh năm.
Tất cả các yếu tố cần và đủ để sản xuất lúa gạo chúng ta đều có đủ, nhưng cái mà chúng ta đang thiếu đó là tổ chức sản xuất đồng bộ. Lộc Trời thành lập Công ty Cổ Phần Nông sản là để khi nào có đơn hàng mới sản xuất. Sản xuất như vậy khi lúa vừa thu hoạch xong có người mang đi ngay nên không bị thắt cổ chai mà còn làm tăng hiệu quả và giá trị hạt gạo.
Khi Lộc Trời ra mắt công ty con chuyên kinh doanh nông sản đã có ngay đơn hàng 2 triệu tấn lúa. Đây là đơn hàng đầu tiên của công ty và chúng tôi tập trung sản xuất hai giống lúa là OM 5451 và OM18 để phục vụ cho đơn hàng này. Bốn thị trường xuất khẩu trọng điểm của các giống lúa do Lộc Trời sản xuất là Philippines, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.
Hiện nay Lộc Trời chưa tập trung vào xuất khẩu gạo số lượng lớn nên lượng gạo xuất khẩu khá nhỏ so với quy và năng lực trồng lúa của tập đoàn”, Tổng giám đốc Lộc Trời group nhấn mạnh.
Bình Luận