20-09-2323 . bởi Phạm Tâm

Tuân thủ các quy định xanh của EU: Không để “nước đến chân mới nhảy”

Các tiêu chuẩn xanh của châu Âu đang được áp dụng ngày càng rộng và sâu hơn. Các quy định mới này mang tính chất đơn phương của EU, song lại là yêu cầu bắt buộc với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này…
Gần 60% doanh nghiệp may biết đến Chiến lược dệt may của EU.
Gần 60% doanh nghiệp may biết đến Chiến lược dệt may của EU.

Tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh: Yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU”, ngày 19/9/2023, đại diên Bộ Công Thương nhận định, sau ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có những tác động vô cùng tích cực đến thương mại giữa Việt Nam và EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi liên tục tăng cao.

Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững.

YÊU CẦU NGÀY CÀNG CAO, CÀNG BAO TRÙM

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng ngay trong Hiệp định EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững. Phát triển bền vững trong EVFTA đề cập đến hai lĩnh vực là về môi trường và lao động.

Về môi trường, trong EVFTA đề cập đến bốn khía cạnh chính là biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học; quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản; quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Ngô Chung Khanh, những yêu cầu này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tuân thủ trong quá trình lựa chọn nguyên liệu nhằm đảm bảo được quy trình sản xuất xanh hoá, thân thiện môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các nguồn nguyên liệu gây hại môi trường.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất không làm ảnh hưởng đến bảo tồn sinh học và đặc biệt là ngăn chặn, hạn chế tối đa các hoạt động mua bán, trao đổi động vật trái phép.

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, nhất là khi nhập khẩu gỗ phải có một nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp khi đó sản phẩm mới được công nhận tại thị trường EU. Hay trong nuôi trồng thủy sản cũng cần phải đảm bảo được các thủ tục, các tiêu chuẩn đảm bảo được chứng nhận sang thị trường EU, tuyệt đối không tham gia hay mua bán các sản phẩm có nguồn gốc từ đánh bắt cá trái phép, sử dụng các nguồn, công cụ gây thiệt hại cho đến nguồn sinh vật biển.

Không chỉ là các yêu cầu trong EVFTA, ông Khanh cho biết chính EU cũng đưa ra những quy định riêng đối với vấn đề về môi trường và lao động. Chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay quy định liên quan đến chống phá rừng, luật thẩm định chuỗi cung ứng… những quy định này tác động trực tiếp đến các nhà nhập khẩu, các chủ thể của EU.

“Thách thức nữa, hiện nay xu hướng người tiêu dùng EU càng ngày càng quan tâm đến cách sản phẩm được làm, chúng có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững không và kể cả việc đối xử người lao động như thế nào… đây là những điểm mà chúng ta cần chú ý”, ông Khanh lưu ý.

Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM đồng tình, EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn liên quan đến môi trường rất cao. Các quy định của EU đối với các sản phẩm trong nước liên quan đến môi trường đã được quy định từ rất sớm (năm 1987).

Tuy nhiên gần đây các quy định này được quy định chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cùng với quy định này họ đưa ra các đề xuất khác nhau, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo đạt được mục tiêu này và bao trùm tất cả các lĩnh vực từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, hàng không.

DOANH NGHIỆP KHÔNG NÊN QUÁ LO LẮNG, NHƯNG CŨNG KHÔNG NÊN KHÔNG LÀM GÌ

Đánh giá tác động của những quy định này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam- VCCI) cho biết hiện nay vẫn chưa có thông tin đầy đủ về việc các doanh nghiệp Việt Nam đang thích ứng hay đang sẵn sàng ở mức độ nào đối với việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hay yêu cầu về bền vững của EU.

Nhưng bà Trang khẳng định, chắc chắn những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU bao trùm gần như tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của chúng ta khi xuất khẩu vào thị trường EU như nông thủy sản, đồ gỗ, những mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày… Những mặt hàng này đều là một trong những đối tượng được xem là trọng tâm trong việc chuyển đổi xanh của phía EU.

“Cho nên chắc chắn là số lượng, phạm vi các doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các quy định trên là rất lớn”, bà Trang nhấn mạnh.

Các quy định này là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi các tiêu chuẩn không phải đặt ra và chúng ta tuân thủ là xong mà đây là một chuỗi những thay đổi nó đòi hỏi xanh dần, bền vững dần. Tức là yêu cầu không ổn định, các doanh nghiệp nếu muốn tuân thủ phải thường xuyên theo dõi mới đảm bảo được việc tuân thủ.

“Năm nay có thể hàng hóa xuất khẩu của chúng ta tuân thủ nhưng sang năm chưa chắc vì yêu cầu đã được tăng lên theo lộ trình”, bà Trang giảng giải.

Hơn nữa, việc thích ứng với những tiêu chuẩn này đòi hỏi nỗ lực, nhận thức và chi phí rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong khi phần lớn các doanh nghiệp là nhỏ và vừa.

Mặc dù vậy, bà Trang vẫn lạc quan cho rằng bức tranh hoàn toàn không phải màu xám xịt mà cũng có những khoảng sáng để dần thích ứng.

Trước hết, chuyển đổi xanh của EU là một quá trình, được thực hiện theo lộ trình từng bước và có thời gian để các doanh nghiệp của EU, doanh nghiệp đối tác của EU, nhà cung cấp có thể thích ứng từ từ. Đây chính là cơ sở để đi từ “biết đến hành động” và chúng ta có sự chuẩn bị.

Trên thực tế hiện nay nhiều ngành của Việt Nam đã, đang thực hiện xanh hoá và nhiều quy định của EU đã đang được thực hiện. Khảo sát nhanh cho thấy, gần 70% doanh nghiệp Việt Nam đã biết về “chương trình từ nông trại đến bàn ăn” của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm, gần 80% doanh nghiệp có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU, gần 60% doanh nghiệp may biết đến Chiến lược dệt may của EU… Điều này cho thấy các doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu biết đến.

Bà Trang cho rằng doanh nghiệp không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên không làm gì cả. Nếu các doanh nghiệp của Việt Nam có được một cái nhìn tổng thể, sẵn sàng chuẩn bị, không để “nước đến chân mới nhảy” sẽ không kịp. Chúng ta có sự chuẩn bị tùy thuộc vào từng ngành, tùy thuộc vào từng khía cạnh.

Vũ Khuê

Bình Luận