Ưu thế vượt trội của Tấn Vương
‘Brightening EVFTA Lighthouse’ là cơ hội xúc tiến thương mại, tiêu chí lựa chọn dựa trên quy mô, chuẩn mực và minh bạch để giới thiệu với các đối tác EU…
“Brightening EVFTA Lighthouse” là cơ hội xúc tiến thương mại, tiêu chí lựa chọn dựa trên quy mô, chuẩn mực và minh bạch để giới thiệu với các đối tác EU. Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương là một trong bốn doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ được chọn ngay từ đầu.
Gạo và gạo lứt “Bông Tràm” được Công ty Tấn Vương tổ chức sản xuất theo mô hình tuần hoàn lúa – tôm, ưu thế vượt trội là giống ST24, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn hữu cơ của USDA, EU và Organic JAS.
Canh tác tôm – lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (mặn xâm nhập từ tháng 12 hàng năm đến tháng 5 năm sau). Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên, tuyệt đối không dùng thuốc BVTV.
Ông Lê Trần Thiện Nhân, Giám đốc Nhà máy lương thực Tấn Vương (Công ty TNHH lương thực Tấn Vương) cho biết, năm 2015 công ty đã định vị dòng sản phẩm hữu cơ với 400ha ở Cà Mau, đối tác là Hợp tác xã (HTX) Trí Lực. Năm 2017, Công ty Tấn Vương đạt tiêu chuẩn Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập; một năm sau đó, được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao.
“Hai danh hiệu này minh chứng cho nỗ lực xây dựng nền tảng bền vững từ thị trường nội địa cho tới xuất khẩu của Tấn Vương. Mỗi lô hàng dù là phục vụ thị trường nội địa hay xuất khẩu đều được Tấn Vương lấy tiêu chuẩn làm đầu; hệ thống quản lý chất lượng, vùng nguyên liệu được đầu tư bài bản, truy xuất nguồn gốc dễ dàng”, bà Võ Thị Phỉ, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương khẳng định.
Hiện nay, bên cạnh HTX Trí Lực, Công ty Tấn Vương đã liên kết với HTX Thành Công ở huyện Thới Bình (Cà Mau), cũng trồng hai loại giống thuộc Top ngon nhất thế giới ST24, ST25. Trong 5 năm tập trung xây dựng vùng trồng lúa hữu cơ giống ST24, ST25 theo mô hình lúa tôm ở Cà Mau, nay đã lan tới Kiên Giang – quy mô vùng trồng hữu cơ rộng 2.000ha. Xem đó như một cách dẫn dắt người trồng lúa chuyển đổi, Công ty Tấn Vương tiếp tục hợp đồng với nông dân ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Chợ Mới (An Giang) tổ chức vùng trồng 2.000ha lúa với nhiều giống chất lượng cao cung ứng cho thị trường theo quy trình chuyển đổi – công ty đầu tư vùng nguyên liệu, hướng dẫn quy trình sản xuất, quản lý chất lượng.
“Đầu tư và kiểm soát ngoài đồng tốt thì mới phát huy hiệu quả của vốn, công nghệ của nhà máy”, ông Lê Trần Thiện Nhân cho biết thêm. Nhà máy được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO22000, BRC và HALAL; hệ thống sấy – xay xát – lau bóng đến tách màu, rà kim loại đồng bộ, công suất 24 tấn gạo thành phẩm/1 giờ. Hệ thống kho có sức chứa trên 40.000 tấn, đảm bảo nguồn cung thành phẩm cho các đơn hàng lớn. Hiện nay, đội ngũ giám sát tại đồng ruộng – mắt xích trực tiếp hướng dẫn thực hành cho bà con vùng nguyên liệu và đội ngũ giám sát hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tại nhà máy tạo thành vòng khép kín trong chuỗi giá trị lúa gạo, tất cả đều ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để vừa giảm chi phí không cần thiết vừa đảm bảo từ nguyên liệu tới thành phẩm an toàn, chất lượng, buôn bán với mức giá cạnh tranh.
“Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập và cách thẩm định, đánh giá thường niên, luôn nhắc nhở Tấn Vương chú trọng đầu tư đồng bộ từ con người tới việc hoàn thiện thiết bị hiện đại, nâng cao kỹ năng chuyên môn; không chỉ với công nhân mà cả với nông dân. Tất cả vì mục tiêu nhà nhà có bữa cơm ngon lành”, ông Lê Trần Thiện Nhân nói.
Gạo Tấn Vương không chỉ hiện diện ở các kênh phân phối thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Chilê, Trung Đông và một số nước châu Phi. Đặc biệt, gạo Tấn Vương đã vào thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU…
“Mỗi đợt tiếp xúc, đánh giá tái chứng nhận, chúng tôi đều trao đổi nhằm chia sẻ cách tạo dựng hệ thống tư duy, giúp doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về vai trò của tiêu chuẩn để hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Để thâm nhập vào các thị trường chuẩn mực như EU, Mỹ, Nhật Bản…, doanh nghiệp bắt buộc phải đảm bảo các tiêu chí “cứng” do các nước quy định”, ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Ban dự án Chuẩn hội nhập – Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết.
Cũng theo ông Bùi Phước Hòa, ở mỗi kỳ hội chợ hay các sự kiện xúc tiến thương mại, Ban dự án Chuẩn hội nhập luôn có những cuộc tiếp xúc, trao đổi về tiêu chuẩn với các doanh nghiệp. Qua đó cho thấy không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) còn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. “Chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập ra đời là do nhu cầu này, chúng tôi muốn giúp các SMEs tự tin hơn khi tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Xu hướng upcycling đang cận kề
Upcycling không phải là điều mới mẻ tại Châu Á khi đã có rất nhiều ý tưởng được nghiên cứu và triển khai, từ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tổng hợp sợi sinh học hay những hợp chất có tác dụng trị liệu và dinh dưỡng; sử dụng công nghệ lên men để tạo ra sản phẩm mới; hay tận dụng phụ phẩm sau chế biến (khoai tây) để sản xuất nhựa sinh học, cho đến việc xây dựng các bể phân hủy yếm khí (anaerobic digester) quy mô lớn để sản sinh nhiệt và năng lượng cho cộng đồng địa phương. Trong những năm tới, khu vực châu Á – Thái Bình dương sẽ chứng kiến xu hướng upcycling từ các công ty trong ngành thực phẩm để giảm thiểu tình trạng lãng phí lương thực.
Quốc gia nhập khẩu 90% lương thực mỗi năm lập trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới
Trang trại ECO 1 tại Dubai được xem là Farm thẳng đứng lớn nhất thế giới, rộng hơn 330.000 foot vuông với các kệ trồng rau diếp, rau bina, rau arugula và các loại rau xanh khác xếp theo tầng. Mỗi năm có thể cung cấp gần 1.000 tấn rau xanh cho Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Trang trại tự động theo dõi và điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, chất dinh dưỡng và các yếu tố khác để rau phát triển. Đặc biệt, không sử dụng thuốc trừ sâu hay diệt cỏ và lượng nước tiêu tốn ít hơn 95% so với cách trồng rau xanh trên cánh đồng. Tuy nhiên, trang trại này vẫn sử dụng năng lượng thông thường, mặc dù đã có kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời.
30.000 USD phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Mondelez Kinh Đô Việt Nam và Mondelez International’s Sustainable Futures sẽ tài trợ 30.000 USD để thực hiện dự án chuyển chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi gà và sản xuất trứng gà, được thực hiện từ 2022 – 2023 bằng cách thu gom phế phẩm (food waste) ủ men vi sinh và cho ấu trùng ruồi lính đen “ăn” rác thải hữu cơ. Được nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen và dược liệu, cám, bắp, bột, ủ cùng men vi sinh, dòng gà và trứng gà nhân tạo (free range chicken), dự án sẽ xử lý 5.400 tấn rác trong nửa năm 2022 và có thể tạo ra 3.000 – 5.000 quả trứng gà hữu cơ mỗi ngày.
Nam Nguyên (Nguồn BSAS) Bích Diễm
Bình Luận