hôm qua . bởi Phạm Tâm

Xuất khẩu nông sản thêm tin xấu

Trên đường ‘chạy nước rút’ về đích với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD trong năm nay, xuất khẩu nông sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và dài hạn. Nếu như nguy cơ này không được giải quyết chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn tác động đến thị trường nông sản, ngành nông nghiệp vẫn cố gắng bám đuổi để về đích, đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 50 tỷ USD như Chính phủ giao. Qua 8 tháng, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khó khăn thu hoạch lúa vì thiếu xăng dầu

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Trong đó, việc thiếu hụt cục bộ xăng dầu tại một số địa phương, cũng như giá dầu tăng cao đã và sẽ tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu năm 2022 nhưng do một số cây xăng bị hết hàng đã ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình thu hoạch.

-9953-1662453259.jpg

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt xác nhận có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ở một số địa phương phía Nam thiếu hàng, không cung cấp được nhiên liệu cho máy móc nông nghiệp.

Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ thêm: nhiệm vụ quản lý, điều hành thị trường xăng dầu là lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương, tuy nhiên nếu không ổn định cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất, thu hoạch lúa gạo, tác động tới ngành nông nghiệp.

“Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc kiểm tra, khẳng định đây là hiện tượng thiếu hụt cục bộ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo ổn định trong cung ứng xăng dầu”, ông Cường đề nghị.

Bên cạnh đó, vụ thu hoạch lúa Hè Thu đang bắt đầu, do vậy chính quyền địa phương cần theo dõi tình hình cung ứng xăng dầu để có giải pháp, rà soát diện tích lúa thu hoạch để đáp ứng cung ứng xăng dầu thế nào cho phù hợp, đảm bảo có đủ nhiên liệu tránh hiện tượng lúa chín ngoài đồng không thu hoạch được, hoặc thu hoạch muộn gây thất thoát.

Bên cạnh khó khăn về thu hoạch, xuất khẩu gạo cũng đối mặt với nguy cơ giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm. Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc xuất khẩu gạo có đạt được 6,5 – 6,7 triệu tấn trong năm nay hay không, cũng như giá gạo thế nào còn phụ thuộc vào thị trường thế giới. “Trên thị trường thế giới, giao dịch lúa mì khoảng trên 500 triệu tấn, tuy nhiên, giao dịch thị trường lúa gạo chỉ khoảng 40 – 50 triệu tấn và tập trung ở vùng châu Á”, ông Cường cho biết thêm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản mắc kẹt với ‘thẻ vàng’

Trong khi đó, với ngành xuất khẩu chủ lực khác là thủy sản thì mối lo khó gỡ được “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC) ngày càng lớn. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng, cho biết cuối tháng 10, đoàn công tác của EC sẽ sang kiểm tra tình hình thực tế việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của Việt Nam. Tại Việt Nam, đoàn công tác của EC chủ yếu kiểm tra 4 nội dung, trong đó gồm khung pháp lý; quản lý giám sát đội tàu; kiểm tra truy xuất nguồn gốc từ lúc tàu xuất bến tới lúc cập cảng về nhà máy và xuất đi; xử phạt vi phạm hành chính của các tỉnh. EC sẽ tới nhiều địa phương và kiểm tra kỹ tại các cảng cá.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết khả năng cao đợt này chưa gỡ được “thẻ vàng” và nguy cơ bị phạt lên “thẻ đỏ” vẫn rất lớn. Nguyên nhân là do các cảng cá được đầu tư nhưng hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu do khá xập xệ. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại cảng yếu, không có cán bộ chuyên ngành phù hợp để kiểm soát.

Công tác đào tạo nhân sự chuyên về kiểm soát chất lượng hiện cũng chưa đáp ứng, mỗi năm chỉ vài người đáp ứng. Trong khi đó, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn với khoảng 62 tàu cá. Nhiều tàu thậm chí không lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, hoặc tháo thiết bị lắp từ tàu này lên các tàu khác.

Hay với ngành gỗ và lâm sản, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021, tuy vậy vẫn đang phấn đấu đến mục tiêu xuất khẩu 16,4 tỷ USD trong năm 2022.

4 tháng cuối năm, ngành lâm sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh thương mại, tác động từ xung đột Nga – Ukraine, giá cước vận chuyển, lạm phát… Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị giảm đơn hàng năm 2022 và chưa nhận được đơn mới cho năm 2023, phải cắt giảm lao động.

Trước những vấn đề về đơn hàng, các doanh nghiệp gỗ đã tham gia nhiều hội chợ đồ gỗ mỹ nghệ trong nước và quốc tế để tìm kiếm các đối tác mới, mở rộng thị trường ở cả nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gỗ Việt cũng đổi mới dây chuyền, công nghệ để giảm giá thành, nâng giá bán.

Về vấn đề Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng tủ bếp của Việt Nam, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đang phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) nhằm minh bạch các thông tin, không để doanh nghiệp bán phá giá sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của gỗ Việt.

Điều này cho thấy thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản.

Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn sản xuất.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực triển khai chủ động có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp; Chủ động chuẩn bị tốt các hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO.

Nhật Linh

Bình Luận