Dự thảo quy định của Đài Loan về ghi nhãn với sản phẩm mật ong
Dự thảo quy định về ghi nhãn mật ong và các sản phẩm siro mật ong bao gói sẵn do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan xây dựng căn cứ Điều 22 Luật An toàn và Vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá theo Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức thương mại thế giới WTO, Đài Loan (Trung Quốc) đã gửi thông báo số G/TBT/N/TPKM/464 cho các nước Thành viên WTO về dự thảo quy định về ghi nhãn mật ong và các sản phẩm siro mật ong bao gói sẵn..
Theo đó, dự thảo quy định về ghi nhãn mật ong và các sản phẩm siro mật ong bao gói sẵn do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan xây dựng căn cứ Điều 22 Luật An toàn và Vệ sinh thực phẩm.
Dự thảo gồm 06 điều, chủ yếu quy định về ghi nhãn hàm lượng mật ong trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi lựa chọn.
Đối với mật ong và các sản phẩm siro mật ong có hàm lượng mật ong từ 60% trở lên, kích thước phông chữ tại phần tên sản phẩm phải nhất quán và đáp ứng các yêu cầu sau: Sản phẩm có thêm đường (siro), tên của sản phẩm phải được ghi nhãn bằng cụm từ “mật ong đã thêm đường” hoặc các từ ngữ tương đương;
Đối với sản phẩm có thêm nguyên liệu khác ngoài đường (siro) và không thêm đường (siro), tên của sản phẩm phải được ghi nhãn bằng cụm từ “Mật ong có oo (tên nguyên liệu không phải là mật ong)” hoặc “Mật ong pha trộn” hoặc các từ ngữ tương đương. Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định điều khoản về nước xuất xứ và xử phạt khi vi phạm.
Theo Bộ Công Thương, Đài Loan là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời nước này đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại sản phẩm của Việt Nam xuất sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Đài Loan đã vượt Đức trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam.
Bên cạnh đó Đài Loan có cộng đồng kiều bào, người Việt sinh sống đông đảo với hơn 300,000 người, nên có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm của Việt Nam cũng như là cầu nối văn hóa, tuyên truyền thói quen tiêu dùng các mặt hàng của Việt Nam tại Đài Loan.
Những năm gần đây, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Đài Loan có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu cho các nhóm mặt hàng khoáng sản thô, nguyên liệu, nhiên liệu và tăng dần với các mặt hàng nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp chế biến trở thành nhóm sản phẩm chủ lực.
Thị trường Đài Loan còn nhiều tiềm năng nhập khẩu cho các mặt hàng nông lâm, thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu thực phẩm, hàng hóa của Đài Loan cao để phục vụ thị trường trong nước cũng như cho lượng khách du lịch đông đảo đến đây.
Lưu ý khi xuất khẩu lương thực, thực phẩm
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi xuất các loại lương thực, thực phẩm sang thị trường Đài Loan cần chú ý tìm hiểu các thông tin sau:
- Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh trên thị trường, những nhà phân phối và đại lý có tiềm năng.
- Các quy định và thủ tục hải quan được quy định bởi cơ quan Hải quan của Đài Loan, và những mức thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu.
- Những văn bản pháp lý của Đài Loan có quy định rằng tất cả các sản phẩm (trừ những sản phẩm dùng làm nguyên liệu chế biến) phải có nhãn mác ghi bằng tiếng Trung, đồng thời sử dụng các ký tự truyền thống trước khi sản phẩm được thông quan vào Đài Loan.
- Cần lưu ý về nhãn mác trên sản phẩm vì nếu các thông tin trên nhãn mác không đúng quy định có khả năng sẽ bị trả lại bởi cơ quan kiểm hóa ở Đài Loan tại cảng đích đến.
Nhãn mác bắt buộc phải được thể hiện bằng tiếng Trung bao gồm tên sản phẩm, trọng lượng, khối lượng tịnh hoặc thể tích (nếu có kết hợp từ hai thành phần trở lên thì phải liệt kê riêng); tên của thành phần phụ gia thực phẩm, tên, số điện thoại, địa chỉ chi tiết của nhà sản xuất; tên doanh nghiệp, số điện thoại, địa chỉ của nhà nhập khẩu, ngày hết hạn sử dụng của sản phẩm, nước xuất xứ.
Hoàng Hà
Bình Luận