Nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024
Từ ngày hôm nay, 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc.
Đây là một phần của quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm tăng trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo lộ trình, nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu sáu nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2024.
Việc nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế với sản phẩm đã được luật hóa
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc tái chế bao bì, sản phẩm không còn là khuyến khích và tự nguyện như trước đó, mà các nhà sản xuất bắt buộc phải có trách nhiệm đối với những sản phẩm thải bỏ sau khi tiêu dùng.
Cụ thể, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất và đưa ra thị trường, khối lượng nhập khẩu sản phẩm, bao bì trong năm thực hiện trách nhiệm.
Đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ximăng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc trong 3 năm đầu tiên được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và được điều chỉnh 3 năm một lần theo hướng tăng dần. Cụ thể, tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện – điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%).
Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10 – 22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%…
Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì
Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường, quy định phương pháp thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, áp dụng triệt để các nguyên tắc thị trường. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn hình thức (tự) tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thấy việc tổ chức tái chế không có lợi hoặc chưa có điều kiện thực hiện thì có quyền lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Khi đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì nhà sản xuất hoàn thành nghĩa vụ tái chế của mình.
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ sử dụng kinh phí này để hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Mức đóng góp tài chính phụ thuộc vào tỷ lệ tái chế bắt buộc, lượng sản phẩm, bao bì đưa ra thị trường và định mức chi phí tái chế.
Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom phục vụ cho việc tái chế
Tại Hội thảo trực tuyến của UNDP về tổ chức trách nhiệm của các nhà sản xuất khi thực hiện EPR diễn ra hồi tháng 9/2023, TS. Fritz Flanderka, một chuyên gia người Đức, đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực EPR và là đại diện Liên minh Tái chế bao bì châu ÂU (Packaging Recovery Organsiation Europe) đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong quá trình thực thi EPR.
TS. Fritz Flanderka cho rằng hiện nay Việt Nam cần tạo một cấu trúc, hệ thống thu gom rác thải trên toàn quốc để phục vụ cho việc tái chế. Các đơn vị, thành phố sẽ có thể tạo hệ thống thu gom rác thải theo mô hình riêng nhưng cần có sự điều phối và phối hợp giữa các vùng với nhau.
Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom, và cần có hệ thống ngân sách để các đơn vị Liên minh Tái chế bao bì (gọi tắt là PRO) duy trì hoạt động của họ. Theo ông Flanderka, hiện tại chính là thời điểm phù hợp để Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật cơ sở hạ tầng cho PRO. Bên cạnh đó, việc tái chế cũng cần được áp dụng với tất cả các loại bao bì, như sản phẩm giấy, nhựa, thủy tinh, nhôm…
Ngoài ra, chuyên gia người Đức cho rằng để việc thu gom và tái chế được thuận lợi, tiết kiệm công sức, chi phí, thì Việt Nam nên thiết lập việc phân loại từ nguồn đối với các loại rác thải. Do đó, cần có sự thay đổi từ hành vi của người tiêu dùng, họ cần thực hiện phân loại rác thải tái chế và không tái chế được ngay trong đời sống sinh hoạt.
Để làm được điều này, ông Fritz Flanderka cho rằng cần có có sự giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ tới người dân để thực hiện thay đổi hành vi người tiêu dùng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ một cách phù hợp và cần có cơ quan quản lý phù hợp.
Tại Việt Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc thực hiện EPR.
Năm 2021, 9 doanh nghiệp lớn có sự cạnh tranh trên thị trường gồm TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation đã lần đầu tiên ngồi lại cùng nhau để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với sứ mệnh phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, các thành viên của PRO Việt Nam cũng rất tích cực hưởng ứng và chủ động ký kết hợp tác với các nhà tái chế để cam kết hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững.
Anh Thư
Bình Luận