03-08-2121 . bởi Phạm Tâm

Doanh nghiệp ngành thép đồng loạt phá kỷ lục lợi nhuận trong quý 2, riêng Hoà Phát làm một quý gần bằng Vinamilk làm trong cả năm

Doanh nghiệp ngành thép đồng loạt phá kỷ lục lợi nhuận trong quý 2, riêng Hoà Phát làm một quý gần bằng Vinamilk làm trong cả năm
Các doanh nghiệp ngành hàng thép đã có từ 4 – 5 quý liên tục tăng trưởng lợi nhuận, kể từ sau mức đáy được gây ra do đại dịch COVID-19.

Lợi nhuận ròng quý 2 của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đạt mức kỷ lục. Điều này đến từ việc doanh thu tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu thép cao ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng liên tục nhiều quý kể từ sau thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Những cái tên dẫn đầu trong quý vừa qua gồm có: Hòa Phát (lãi 9.721 tỷ đồng), Hoa Sen (lãi 1.702 tỷ đồng), Nam Kim (lãi 848 tỷ đồng), SMC (lãi 502 tỷ đồng) và Thép Việt Nam (lãi 496 tỷ đồng)…

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cập nhật, sản lượng thép thô tiêu thụ tăng mạnh, giá vốn tốt, giá bán tốt là những nguyên nhân thúc đẩy lợi nhuận gấp 2,54 lần cùng kỳ.

Sản lượng tiêu thụ quý 3 năm tài chính của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng 56% khiến doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế tăng 435%. Đại điện Hoa Sen cho biết các thị trường xuất khẩu truyền thống tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là nhu cầu về tôn mạ như tại Bắc Mỹ và châu Âu. Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến hết tháng 11/2021 với sản lượng trung bình trên 120.000 tấn mỗi tháng.

Tại Nam Kim (NKG), công ty này cũng cho biết doanh thu tăng là do đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng sản xuất tăng khiến chi phí sản xuất giảm giúp biên lãi gộp gia tăng.

Tại SMC thiên về thương mại thép, công ty này đề cập đến chi tiết giá cả liên tục tăng nhanh khiến hiệu quả kinh doanh tăng nhiều.

Doanh nghiệp ngành thép đồng loạt phá kỷ lục lợi nhuận trong quý 2, riêng Hoà Phát làm một quý gần bằng Vinamilk làm trong cả năm - Ảnh 1.

Trường hợp của Tập đoàn Hòa Phát mang tính đại diện phản ánh các doanh nghiệp ngành thép đã hưởng lợi như thế nào trong suốt hơn một năm nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch.

Nửa đầu năm, Hòa Phát sản xuất 4 triệu tấn thép thô, tăng 55% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng 60%. Thép xây dựng đạt 1,8 triệu tấn, tăng 22%. Sản lượng thép cuộn cán nóng 1,3 triệu tấn, ống thép đạt 375 nghìn tấn và tôn mạ Hòa Phát ghi nhận gần 160 nghìn tấn, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Sau 6 tháng, Hòa Phát lãi ròng gần 16.700 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành thép đồng loạt phá kỷ lục lợi nhuận trong quý 2, riêng Hoà Phát làm một quý gần bằng Vinamilk làm trong cả năm - Ảnh 2.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong nửa đầu năm, sản lượng sản xuất thép các loại đạt gần 15,93 triệu tấn, tăng 37%. Sản lượng bán hàng trên 14 triệu tấn, tăng 35%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại trên 3,4 triệu tấn, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên các nhà sản xuất thép đang phải đối mặt với tình hình nguyên vật liệu diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020. Đến giữa tháng 3 giá cả có xu hướng giảm, tăng trở lại đến cuối tháng 5 lại điều chỉnh giảm và đang trở nên ổn định.

Tập đoàn Hòa Phát đề cập đến vấn đề này cho biết, giá nguyên liệu đầu vào như than luyện coke, quặng sắt tăng cao. Tuy nhiên Hòa Phát vẫn duy trì sản lượng sản xuất phục vụ đủ nhu cầu thị trường trong nước và giá bán ra luôn thấp hơn so với giá trên thị trường thế giới.

Kết quả kinh doanh thành công của các doanh nghiệp thép Việt Nam đi cùng xu thế trên toàn cầu. Xin lấy ví dụ POSCO của Hàn Quốc (xếp thứ 5 thế giới về sản lượng), lợi nhuận ròng quý 2 đạt 1,57 tỷ USD, gấp 18 lần cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do sản lượng tăng và giá bán tăng mạnh.

Đông A

Bình Luận