09-11-2121 . bởi Phạm Tâm

“Dọn đường” đưa rau quả sang thị trường châu Âu

Rau quả Việt Nam chiếm chưa tới 1% thị phần tại châu Âu (EU) và mới chỉ được bán tại các cửa hàng của chủ doanh nghiệp gốc Á chứ chưa có mặt ở các hệ thống phân phối lớn tại các siêu thị EU…

Rau quả vào EU chủ yếu dưới dạng cấp đông hoặc sơ chế cấp đông.
Rau quả vào EU chủ yếu dưới dạng cấp đông hoặc sơ chế cấp đông.

Tại “Tọa đàm xuất khẩu rau quả sang EU”, Tham tán nông nghiệp tại EU, Trần Văn Công đánh giá, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới.

Mỗi năm, thị trường này nhập khẩu khoảng 35 tỷ Euro, chiếm 45% giá trị thương mại hàng rau quả toàn cầu. Đây là thị trường tiềm năng cho rau quả Việt Nam.

THIẾU XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, QUẢNG BÁ SẢN PHẨM

Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Tính riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây của nước ta sang EU đạt 88,5 triệu USD.

Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam gồm xoài, chanh leo, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, rau gia vị, khoai lang… Tuy nhiên, ông Công cho rằng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU hiện mới chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của EU. Xuất khẩu rau quả sang EU vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, tính đồng bộ và liên kết trong sản xuất rau quả của Việt Nam chưa cao. Chúng ta chưa có vùng sản xuất quy mô lớn đảm bảo chất lượng cũng như nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, công tác bảo quản chế biến, công nghệ sau thu hoạch để đảm bảo thời gian lưu hành tại thị trường EU còn hạn chế. Các vấn đề liên quan đến bao bì, nhãn mác, đóng gói, thiết kế chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Hơn nữa, chi phí cho vận chuyển logistics thời gian qua quá cao đã ảnh hưởng đến giá thành phân phối các sản phẩm rau quả trái cây tại thị trường EU, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ như Nam Mỹ, châu Phi, Tây Á.

“Đáng tiếc, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu các sản phẩm này vào EU còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng đáp ứng các điều kiện và tiêu chí của EU còn ít”, ông Công nêu thực tế.

Cùng đánh giá trên, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Phạm Việt Anh cũng cho rằng mặt hàng rau quả của Việt Nam có mặt tại các siêu thị châu Á là nhiều do người Trung Quốc, Indonesia và một số người Việt nhỏ lẻ bán, nhưng nhìn chung số lượng rất ít.

Sản phẩm chủ yếu dưới dạng cấp đông hoặc sơ chế cấp đông như măng, đậu bắp, khoai môn, sắn… Còn trái cây tươi vào thị trường Hà Lan ít, chủng loại hạn hẹp (như thanh long, vải nhãn, chanh dây).

Theo ông Phạm Việt Anh, rau quả Việt Nam chưa chiếm lĩnh thị trường Hà Lan là do nguyên nhân chủ quan nhiều hơn khách quan. Nổi bật nhất là chưa có nguồn hàng ổn định. Chúng ta vẫn bị tình trạng manh mún, thiếu kết nối, thiếu đầu tư công nghệ kỹ thuật để đạt chuẩn, thiếu vùng nguyên liệu ổn định.

Ngoài ra, khoảng cách địa lý xa, công tác vận chuyển khó khăn, bị động nên giá thành luôn cao. Điều kiện bảo quản chưa tốt nên hàng tươi khó khi đến EU. Sản phẩm của Việt Nam chưa tham gia vào chuỗi phân phối lớn của nước sở tại, mới chỉ bán cho khách quen, siêu thị châu Á nhỏ. Bị cạnh tranh với các đối tác có nhiều điều kiện thuận lợi cũng như kỹ thuật cao…

Để giải bài toán xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang EU, ông Công cho rằng trước hết các bộ, ngành cần tập trung vào tạo cơ chế khuyến khích nhằm đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo hướng chứng nhận và hữu cơ đảm bảo nguồn cung sang thị trường EU.

Có cơ chế chính sách với vận chuyển logistics để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ số, truy xuất nguồn gốc minh bạch.

ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ

Đối với doanh nghiệp, ông Công khuyến cáo, cần tập trung nghiên cứu tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Thay đổi phương thức tiếp cận đối với các doanh nghiệp EU: nắm chắc quy định về thị trường, kỹ thuật, nghiệp vụ ngoại thương. Nắm chắc khách hàng là ai, tôn trọng các cam kết khi ký kết hợp đồng…

Cùng với đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, liên kết với các hợp tác xã để mở rộng vùng nguyên liệu, ổn định nguồn cung; hình thành hiệp hội hoặc nhóm xuất khẩu rau quả sang EU, kết nối với doanh nghiệp tại địa bàn EU…

“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu tại EU liên kết thành hiệp hội các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây rau củ quả Việt Nam để tạo sức mạnh, mở rộng thị phần tại EU”, ông Công nói.

Vấn đề thâm nhập kênh phân phối tại nước sở tại rất quan trọng để nhắm tới khách hàng châu Âu nhanh nhất. Cần tạo sự uy tín của ta và tin tưởng của bạn thông qua hợp tác liên doanh, có sự liên kết, bảo đảm của các công ty EU, song, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cũng lưu ý cần tránh tự biến mình thành vùng cung cấp nguyên liệu thuần tuý chứ không phải cung cấp sản phẩm.

Một vấn đề nữa, theo ông Phạm Việt Anh, cần nghiên cứu cụ thể, bài bản hơn về nhu cầu, thói quen tiêu dùng của khách hàng thực tế chứ không phải trên văn bản để cung cấp cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học và nhà nông.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại thị trường EU sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, điều tra, thăm dò qua các tuần, ngày quảng bá hàng Việt để đúc kết đưa về nước, từ đó các cơ quan trong nước tổng hợp, nghiên cứu và đề ra các chính sách phù hợp.

Để triển khai xúc tiến xuất khẩu rau quả sang EU hiệu quả, Bộ Ngoại giao đề xuất nên xây dựng một chiến lược tổng thể về xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này, lồng ghép trong chiến lược tổng thể về xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương đang chủ trì.

Trong đó có kết nối với các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy trong thời gian tới. Hiện nay chúng ta chưa có chiến lược tổng thể về xuất khẩu trái cây qua thị trường EU.

 ““Muốn đi xa cần đi cùng nhau”, nhiều ý kiến đề xuất thành lập liên minh hoặc hiệp hội, hay câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang thị trường châu Âu. Hiện nay chúng ta phải nghĩ chiến lược dài hơi 5, 10 năm. Giai đoạn thăm dò, rụt rè đã qua, giờ đã có hậu thuẫn của cơ quan đại diện 27 nước ở EU nên cần có một chiến lược phối hợp giữa các bộ ngành. Như vậy, tuy đi sau nhưng chúng ta sẽ đi chắc hơn”, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Ông Hoan cũng nhấn mạnh ba thách thức để nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Vì vậy, cần tháo gỡ những điểm nghẽn trong xuất khẩu và có chiến lược tổng thể về xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Bản thân doanh nghiệp cần tạo ra hệ sinh thái cho mình cùng chính quyền địa phương huấn luyện người nông dân, chứ không chờ Nhà nước tích tụ đất đai…

Trong hệ sinh thái để xuất khẩu sang châu Âu phải bao gồm các bộ, ngành trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương, đặc biệt phải gắn kết, khớp với nhau và thông qua các cơ quan tham tán nước ngoài… Điều này không phải chỉ để bán nông sản mà nằm trong chiến lược của Chính phủ phục hồi xuất khẩu nông sản sau đại dịch Covid.

Bình Luận